An ninh Mỹ thừa nhận xử lý sai tin tình báo

Các quan chức an ninh Mỹ đã thừa nhận sai lầm trong cách xử lý thông tin tình báo, đồng thời cam kết sẽ nâng cấp các hoạt động tình báo để đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng từ các tổ chức khủng bố.  

Các quan chức an ninh Mỹ đã thừa nhận sai lầm trong cách xử lý thông tin tình báo, đồng thời cam kết sẽ nâng cấp các hoạt động tình báo để đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng từ các tổ chức khủng bố.

Hành khách xếp hàng làm thủ tục lên máy bay ở sân bay thành phố Detroit sau khi an ninh hàng không được thắt chặt.

Hành khách xếp hàng làm thủ tục lên máy bay ở sân bay thành phố Detroit sau khi an ninh hàng không được thắt chặt. 

Giám đốc Tình báo quốc gia Dennis Blair và Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, đã thừa nhận có những sơ suất trong việc xử lý thông tin tình báo liên quan tới âm mưu khủng bố trên chuyến bay từ Amsterdam (Hà Lan) đến Detroit (Mỹ) ngày 25-12 vừa qua. Hai quan chức này cho biết, sai sót từ phân tích thông tin tình báo trong vụ khủng bố bất thành trên là bài học để đời và các cơ quan tình báo Mỹ sẽ sửa đổi để đáp ứng kịp thời với tình hình mới. Thừa nhận trên được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Barack Obama khiển trách cơ quan tình báo Mỹ thất bại trong việc xử lý những thông tin tình báo đã nhận được liên quan tới vụ khủng bố hàng không bất thành trên.

Phát biểu tại Trường Đại học George Washington, Đô đốc Mullen khẳng định, kể từ sau các vụ khủng bố ngày 11-9-2001, các cơ quan tình báo Mỹ đã có sự thay đổi khác thường trong cung cách theo dõi và phát hiện các mối đe dọa khủng bố, cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan tình báo Mỹ, chia sẻ thông tin tình báo một cách nhanh chóng và minh bạch hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, hệ thống tình báo Mỹ vẫn chưa thật sự hoàn hảo và bài học từ âm mưu đánh bom khủng bố vừa qua cho thấy hệ thống này cần được hoàn thiện hơn nữa.

Hôm 7-1, Nhà Trắng đã cho công bố một phần của bản báo cáo về những thất bại tình báo liên quan đến các danh sách theo dõi khủng bố. Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cho biết, bản báo cáo xác định và đưa ra các khuyến nghị về những thiếu sót trong hệ thống thông tin tình báo và cách sửa chữa. Sau khi công bố báo cáo, Tổng thống Obama có bài phát biểu đánh giá về bản báo cáo trên.

Nghi phạm Abdulmutallab.
Nghi phạm Abdulmutallab.

Một đại hội thẩm đoàn của Mỹ đã chính thức truy tố Umar Farouk Abdulmutallab, người Nigeria, 6 tội danh liên quan đến âm mưu đánh bom một máy bay trên bầu trời Detroit vào đúng ngày Giáng sinh vừa qua. Nghi can 23 tuổi người Nigeria Umar Farouk Abdulmutallab bị khởi tố về tội âm mưu dùng vũ khí giết người hàng loạt và mưu sát 290 người trên máy bay. Trước đó, nghi can bị truy tố tội tìm cách cho nổ chiếc máy bay mang số hiệu 235 của hãng hàng không Northwest Airlines, bay từ Amsterdam tới Detroit. Abdulmutallab đã tìm cách kích nổ chất nổ giấu trong quần áo khi chiếc máy bay tiến gần đến thành phố Detroit. Theo tài liệu của tòa, Abudmutallab đã thừa nhận 2 khối thuốc nổ PETN và TATP trong quần áo của anh ta cùng những “nguyên liệu” khác là để chế tạo bom. Bản cáo trạng cho biết, quả bom được thiết kế cho anh ta kích nổ vào bất kỳ thời điểm nào Abdulmutallab chọn. Theo Tổng thống Obama, các cơ quan tình báo có đủ bằng chứng để ngăn không cho Abdulmutallab lên chuyến bay, nhưng đã thiếu sự phối hợp cần thiết.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Nigeria Dora Akunyili cho rằng, quan hệ song phương giữa Mỹ và Nigeria có thể bị rạn nứt, nếu như Mỹ vẫn giữ biện pháp thắt chặt an ninh đối với các du khách đến từ Nigeria. Theo bà Dora Akunyili, Nigeria bày tỏ sự thất vọng và lo ngại về việc Mỹ đặt Nigeria vào những nước cần quan tâm về an ninh, và cho rằng hành động này đã làm ảnh hưởng quan hệ song phương giữa hai nước.

Hôm nay (8-1), Mỹ sẽ tiến hành xét xử Abdulmutallab với phần đọc cáo trạng và nghi can này sẽ có cơ hội để bào chữa. Nếu bị kết tội, Abdulmutallab có thể phải chịu mức án tù chung thân.
Các cáo buộc đối với Abdulmutallab:
- Mưu đồ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
- Mưu đồ giết người trên chiếc máy bay dưới quyền lực thi hành pháp lý của Mỹ.
- Chủ tâm phá hủy và làm hỏng máy bay.
- Chủ tâm đặt thiết bị phá hủy gần hoặc trong một máy bay, gây nguy hiểm cho sự an toàn của máy bay.
- 2 cáo buộc sở hữu vũ khí cầm tay, ở đây là bom, để thực hiện tội ác bạo lực.

GIA HUY

Đọc thêm