An sinh sau giải tỏa

Là địa phương đất rộng, người đông (4.226 hộ, hơn 20 nghìn nhân khẩu), phường Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn) hiện đã có một diện mạo mới, sau khi hàng loạt dự án triển khai và các khu đô thị mới ra đời. Hàng nghìn hộ nông dân đổi đời nhờ chính sách đền bù giải tỏa của thành phố, nhường đất cho các dự án.

Là địa phương đất rộng, người đông (4.226 hộ, hơn 20 nghìn nhân khẩu), phường Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn) hiện đã có một diện mạo mới, sau khi hàng loạt dự án triển khai và các khu đô thị mới ra đời. Hàng nghìn hộ nông dân đổi đời nhờ chính sách đền bù giải tỏa của thành phố, nhường đất cho các dự án.

Một góc phố mới ở Tân Trà.

Một góc phố mới ở Tân Trà. 

Họ đã bỏ lại sau lưng ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ ở làng quê nghèo để xây những ngôi nhà tầng mặt phố. Ai đó, dù có “cấn cái” với chủ trương giải tỏa để xây dựng các khu đô thị, cũng không thể phủ nhận một sự thật đã và đang diễn ra, đó là đời sống của gia đình nào cũng hơn hẳn hồi chưa giải tỏa. Về Hòa Hải những ngày đầu năm Canh Dần, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp sự phấn chấn của người dân khi họ tự tin trở thành thị dân với nghề mới thu nhập cao hơn nhiều so với trước đây. 

Cách đây dăm bảy năm, Tân Trà, An Nông là các khu vực nghèo nhất phường Hòa Hải. Hồi đó, tại đây không có một ngôi nhà tầng. Đất đai rộng nhưng chỉ cát và cát. Vườn tược chủ yếu trồng cây ăn quả nhưng chẳng bao giờ cho quả.

Ruộng đồng khá nhiều nhưng bạc màu, liên tiếp đối mặt với thiên tai, hết lũ lụt đến hạn hán. Mặc dù được đầu tư, nhưng cơ sở hạ tầng ở đây chậm đổi mới. Hệ thống điện tạm bợ, nước sạch không có... Thế mà nay, khu đô thị Tân Trà, An Nông là khu vực khang trang nhất nhì ở Hòa Hải. Đường phố dọc ngang như bàn cờ thảm nhựa phẳng lỳ. Đêm đến đèn cao áp soi rõ mặt người. Hộ nào cũng có nhà mặt tiền đường phố. Khoảng 90% nhà xây tầng.

Ngôi nhà của lão nông Phạm Văn Đức ở tổ 52 Tân Trà, Hòa Hải.

Ngôi nhà của lão nông Phạm Văn Đức ở tổ 52 Tân Trà, Hòa Hải.

Ngôi nhà tầng của gia đình ông Phạm Văn Hảo, ở tổ 52 Tân Trà 2, được đầu tư gần nửa tỷ đồng hướng ra đường 15m. Trong nhà, trang trí nội thất hài hòa. Nhìn cơ ngơi đó, ít ai nghĩ vợ chồng ông đã từng là nông dân, một thời chạy ăn từng bữa. Hồi tưởng về thời đã qua, ông kể: Ngày chưa giải tỏa, gia đình tá túc trong ngôi nhà cấp 4 lợp ngói xây sau năm 1975.

Thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất 1 mẫu lúa ở đồng Kình. 3 sào vườn, đất cát chẳng trồng cấy được gì, mấy cây xoài chưa bao giờ cho quả. Cuộc sống rất đạm bạc, chắt chiu tằn tiện mới đủ chi tiêu. Hồi đó, trước nhà là kiệt nhỏ chừng vài mét, đầy cát. Điện thì bữa tắt bữa đỏ. Chỉ đến khi giải tỏa, tái định cư ở khu đô thị Tân Trà, cuộc sống mới đổi thay thật sự. Tiền đền bù hơn 500 triệu đồng, đất ở vài lô.

Ông Phạm Văn Đức ở tổ 52 Tân Trà, có ngôi nhà 2 tầng 2 mặt tiền. “Không giải tỏa đền bù, có nằm mơ cũng không bao giờ có nổi cơ ngơi như thế này. Nhà nông đủ ăn đã là may lắm”, ông mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Ông cho biết thêm: “Hồi giải tỏa 2.100m2 đất thổ cư, 1 mẫu đất nông nghiệp, ngôi nhà cấp 4 được đền bù 1,1 tỷ đồng và bố trí 5 lô đất. Nay con cái đứa nào cũng có nhà riêng. Vợ chồng tôi ở với đứa út. Chi tiêu hằng ngày từ tiền lãi 100 triệu đồng gửi tiết kiệm và thu nhập mảnh vườn nhỏ cạnh nhà, cũng thoải mái. So hồi chưa giải tỏa, cuộc sống khá giả, nhàn nhã hơn nhiều”.

Không chỉ gia đình 2 nông dân nói trên mà bất cứ người nào ở Tân Trà chúng tôi gặp đều có niềm vui tương tự. Hỏi về việc làm, ai cũng cho rằng thiếu gì việc. Sân gôn, các khu du lịch, các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, ai không vào đó thì “sung” vào đội thợ xây.

Ở Hòa Hải hiện vẫn còn 3-4 khu vực chưa giải tỏa. Cơ sở hạ tầng nghèo nàn, đời sống người dân khó khăn. Không ít gia đình nỗ lực lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư, thế nhưng không thể có cuộc sống khá giả chỉ vì thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thất thường. Đó là chưa nói gặp thiên tai, dịch bệnh thì vốn đầu tư, công sức coi như đổ sông đổ biển. Gia đình chị Mai Thị Liên, ở tổ 29 Đông Trà, 4 nhân khẩu tá túc trong ngôi nhà tôn không đóng trần, đồ dùng nghèo nàn. Mảnh vườn quanh nhà toàn cỏ cùng khoảnh sân đầy cát. Chị cho biết, sản xuất 1 sào ruộng và 3 sào đậu, năm được mùa thu cỡ 2 triệu đồng là nhiều. Chừng đó trang trải cho cả nhà. Chị cũng mong giải tỏa để xây dựng khu dân cư. “Sống mãi như vầy cực quá”, chị nói.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho hay: Từ năm 2001 đến nay, có khoảng 80% diện tích trên địa bàn đã giải tỏa bàn giao cho các dự án và hơn 3.000 hộ đã giải tỏa nhường đất cho dự án và chỉnh trang. 7 khu đô thị mới đã hình thành, bố trí nơi ở cho hàng nghìn hộ nông dân. Đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Gia đình nào cũng tự tìm cho mình nghề mới và nếp sống đô thị đã hình thành. Phải nói rằng, ở Hòa Hải, vấn đề an sinh sau giải tỏa đã được giải quyết rất cơ bản.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

Đọc thêm