An sinh xã hội: Gốc của sự phát triển

An sinh xã hội cũng là nội dung được tập trung thảo luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng trên quan điểm phải bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, từ đó, tạo nền móng vật chất, tinh thần vững chắc góp phần đưa đất nước trở thành nước cơ bản công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Triển khai có hiệu quả Chiến lược an sinh xã hội 2011 - 2020, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình việc làm giai đoạn 2011 - 2015; phấn đấu để năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% theo chuẩn mới; phát triển các loại hình bảo hiểm, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội là những kế hoạch, mục tiêu được Chính phủ thực hiện trong năm nay. An sinh xã hội cũng là nội dung được tập trung thảo luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng trên quan điểm phải bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, từ đó, tạo nền móng vật chất, tinh thần vững chắc góp phần đưa đất nước trở thành nước cơ bản công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

 

Trường THCS Kiến Quốc (Kiến Thụy) được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương Ảnh: Duy Lân

Trường THCS Kiến Quốc (Kiến Thụy) được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương

Ảnh: Duy Lân

Vượt đích cam kết quốc tế

 

Nhen nhóm từ năm 1996 thông qua các chương trình giảm nghèo, công tác an sinh xã hội thực sự đi vào chiều sâu khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010. Kể từ đó, một loạt các nghị quyết, chính sách về an sinh xã hội được ban hành. Cũng từ những quyết sách này, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đạt mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

 

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: hiệu quả công bằng hơn của tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm và tăng thu nhập; chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội; phát triển kết cấu hạ tầng xã nghèo và quan trọng nhất là nỗ lực thoát nghèo của chính người nghèo. Có thể khẳng định, một loạt chương trình giảm nghèo qua các giai đoạn 1996 - 2010 (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010; Chương trình 135; Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo…) đã quyết định sự thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và được coi là một trong những quốc gia thành công trong việc kết hợp giữa bảo đảm tăng trưởng ổn định và giảm nhanh tỷ lệ nghèo. Chỉ số khoảng cách nghèo giảm xuống cho cả vùng nông thôn, thành thị, nhóm dân tộc thiểu số các vùng địa lý. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị cũng giảm từ 6,42% năm 2002 xuống còn 4,43% năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 200 USD/người (năm 1990) lên khoảng 1.168 USD/người (năm 2010). Với mức này, Việt Nam chuyển vị trí từ nhóm nước nghèo nhất sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp. Hệ thống an sinh xã hội từng bước mở rộng với tỷ trọng chi ngân sách Nhà nước để thực hiện phúc lợi xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, lương hưu, bảo hiểm xã hội tăng đáng kể.

 

Trong 5 năm qua, từ các chương trình xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, khoảng 6,4 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn sản xuất (bình quân 7- 8 triệu đồng/lượt/hộ); khoảng 3,7 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn, 100.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, trong đó trên 60% đã tìm được việc làm, tự tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập để giảm nghèo. Đã có khoảng 2.000 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư ở 273 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo; khoảng 720.000 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, 83.000 hộ được cấp đất sản xuất.

 

Kết quả trên đây của công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội đưa Việt Nam hoàn thành kế hoạch trước 1 năm so với mục tiêu Chương trình và Nghị quyết Đại hội 10 của Đảng đề ra, góp phần tích cực hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo.

 

Những nút thắt

 

Mặc dù tỷ lệ nghèo giảm nhanh qua từng năm và đạt mục tiêu đề ra, nhưng theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010 được duy trì, trong khi chỉ số giá tiêu dùng biến động mạnh, dẫn đến thực tế một bộ phận người nghèo được coi là thoát nghèo nhưng không thực chất. Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trong phát biểu với báo giới cũng tỏ ra băn khoăn về thực chất hưởng lợi của người dân: “Nếu tính bình quân thì lương cho người lao động tăng khoảng 13%/năm trong 5 năm, nhưng lạm phát cả 5 năm cộng lại đã hơn 55%”. Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cũng nhìn nhận, việc chỉ nâng chuẩn nghèo lên một mức cũng đưa tỷ lệ hộ nghèo cả nước tăng theo và đây cũng là một trong những nhiệm vụ cần sự nỗ lực của hệ thống chính trị để giải quyết.

 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị phát triển bền vững tổ chức mới đây tại Hà Nội cũng khẳng định, tình trạng tái nghèo ở một số vùng khó khăn có chiều hướng gia tăng. Giải quyết việc làm chưa bền vững, nhất là ở nông thôn, khu vực đô thị hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Một trong những nguyên nhân là do ngân sách đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm còn ít so với nhu cầu, trong khi đó lại bố trí dàn trải, chưa tập trung ưu tiên để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất, địa bàn trọng yếu nhất. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cũng như các chương trình dự án chưa ăn khớp dẫn đến trùng lặp và hiệu quả chưa cao...

 

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chênh lệch thu nhập giữa 20% số dân giàu nhất với 20% số dân nghèo nhất tăng từ 7 lần năm 1995 lên 8,4 lần năm 2006 và 8,9 lần năm 2008. Do đó, tạo việc làm cần đi đôi với cải thiện thu nhập cho người nghèo thì mới bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.

 

Theo Định hướng phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên nhằm phát triển bền vững là phải đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Cụ thể là Chính phủ cần tập trung vào các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo có tư liệu và phương tiện để sản xuất, phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển sản xuất hàng hóa... Việc cấp tín dụng phải thực sự đúng đối tượng hộ nghèo có sức lao động, có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế, tăng được thu nhập và tự vượt nghèo. Về cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, Chính phủ sẽ hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ y tế, nhà ở, giáo dục và được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh. Về chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo nghề miễn phí cho lao động nghèo gắn với tạo việc làm tại chỗ, việc làm trong nước hoặc tham gia xuất khẩu lao động với các loại hình đào tạo nghề tại chỗ; truyền nghề, cấy nghề sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ; đào tạo nghề ngắn hạn để làm việc trong các doanh nghiệp.

 

Trong 5 năm (2005-2010), tỷ lệ hộ nghèo cả nước  giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 18,1% (năm 2006); 14,75% (năm 2007); 12,1% (năm 2008); 11,3% (năm 2009) và 9,5% (năm 2010). Tính chung, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quốc gia) trên toàn quốc đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 9,5% năm 2010. Cùng theo đó, mức sống của các tầng lớp dân cư được cải thiện rõ rệt, góp phần giảm khoảng cách nghèo của cả nước từ 18,4% năm 1993 xuống 3,5% năm 2008.

 

Năm 2011, việc Chính phủ xác định mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng tạo ra sự phát triển nhanh ở mức hợp lý và bền vững được xem là sự thay đổi trong cách điều hành không đặt mục đích tăng trưởng bằng mọi giá, mà tập trung hơn nữa cho yêu cầu ổn định, hài hòa giữa tăng trưởng với bảo đảm chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng trăn trở: “Người dân cảm nhận thành quả của phát triển kinh tế - xã hội một cách thực tế và cụ thể thông qua cuộc sống của chính mình và môi trường xã hội mà họ phải đối diện hằng ngày, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải tạo được chuyển biến thực sự trên những lĩnh vực này”..

 

Thu Anh

Đọc thêm