Ân tình mùa hoa lau

"Rồi chị sẽ lại dệt những tấm đệm bằng hoa lau cho người chồng mới và gia đình chồng, có khi nào chị chạnh lòng nghĩ sẽ có người phụ nữ khác dệt đệm cho các con và mẹ chồng mình không?", bà Thẩm phán nói như tâm sự. 

Phiên tòa không bản án, diễn ra trong không khí ấm áp nghĩa tình, giữa mùa hoa lau tím bạc khắp núi rừng Tây Bắc. Sau những hiểu lầm, va vấp và rạn nứt, tình duyên của họ chắc chắn sẽ thủy chung, bền vững, có sức sống bất diệt như những ngàn lau bất chấp gió sương vần vũ, vẫn nở hoa tô đẹp cho núi rừng và cuộc sống con  người.

1. Tôi gặp Lò Thị Phương (26 tuổi) tại trụ sở TAND huyện Thuận Châu (Sơn La) vào sáng sớm một ngày cuối tháng 10/2010. Tôi thì đến liên hệ công tác, còn Phương đến dự phiên tòa ly hôn mà cô là người đứng nguyên đơn.

Mùa hoa lau. Ảnh minh họa.

Mùa xuân năm 2006, Phương về làm dâu nhà anh Tòng Văn Di sau ba mùa nương yêu đương say đắm. Khi đó Phương đã 22 tuổi, cưới muộn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Phương lý giải việc chậm trễ là bởi tại hoa lau mấy năm đó mất mùa.

Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, Phương giải thích: Theo phong tục người Thái các cô, con gái chỉ bước chân về nhà chồng khi đã dệt đủ chăn đệm lau tặng cha mẹ chồng. Anh Di - chồng Phương - là con nhà khá giả trong bản, trên mỗi giường ngủ trong nhà thường có hai, ba cái đệm lau xếp chồng lên nhau. Vì Phương vẫn chưa may xong chăn ấm nệm êm bằng hoa lau tặng cha mẹ chồng nên đành lỗi hẹn ba mùa cưới.

Nói về mùa hoa lau, giọng Phương sôi nổi và xúc động đặc biệt, khác hẳn với tâm trạng một người bên bờ vực hôn nhân tan vỡ. Hàng năm, khi gió lạnh đầu đông khe khẽ tràn về là lúc mùa hoa lau chín. Những vạt hoa lau xám bạc rung rinh trong gió, trông thật gợi cảm và mong manh giữa màu xanh trùng điệp của đại ngàn. Vào mùa hoa lau chín, từng đoàn chị em người dân tộc rủ nhau lên rừng hái về dệt thành đệm, gối cho gia đình dùng và cho những cô dâu mới mang về nhà chồng.

Phương bảo, tính từ lúc bông lau còn mọc hoang trên rừng cho đến khi trở thành tấm đệm, người phụ nữ Thái đã gửi gắm vào đấy rất nhiều công sức, cả sự khéo léo trong mỗi đường kim mũi chỉ, cả những ước nguyện sâu kín về nhân duyên.

Trong đoàn người đưa dâu đám cưới của Phương có cả một đội thanh niên khênh giúp đệm lau cho nhà gái. Đó là những chiếc đệm do chính Phương tự tay chăn tằm, quay xa, dệt vải, hái lau, khâu chỉ và nhồi bông; giờ thành “của hồi môn” để biếu bố mẹ chồng cho tỏ tấm lòng nàng dâu hiếu thảo, đảm đang.

Mẹ chồng cô rất hài lòng về những tấm đệm do chính tay con dâu dệt tặng. Bà Hờ coi những tấm đệm lau dân dã là tài sản quý giá, vì nó gắn bó thủy chung suốt cuộc đời người Thái, từ lúc lọt lòng đến tận khi nhắm mắt xuôi tay.   

2. Dân bản vẫn thường nói chẳng ai sướng bằng Phương, hai đứa con trai đẹp như tranh, chồng thì đi buôn miền ngược, tiền nhiều như lá rừng. Nhưng ít ai biết rằng, càng đi làm ăn xa, được nhiều tiền thì tình cảm anh Di dành cho vợ con càng nhạt nhẽo. Linh cảm mách bảo cho Phương biết người chồng đã thay lòng; người quen cũng nói anh Di đã quan hệ với người đàn bà dưới xuôi cùng phường buôn. Phương khuyên chồng ở nhà làm nương, không đi buôn nữa nhưng anh Di không nghe, còn đánh vợ. Và rồi những chuyến đi của anh Di dài hơn, khi trở về thì chỉ kiếm cớ gây sự với Phương.

Đêm vùng cao với người đàn bà vắng chồng lạnh và dài tưởng chừng như vô tận, một mình má hồng bên bếp lửa, Phương nghĩ tủi cho duyên phận đời mình. Cô dè dặt nói với mẹ chồng, nhờ bà góp ý với con trai vì anh Di rất biết nghe lời mẹ. Nhưng chính cô lại bị bà Hờ mắng thêm: “Nó là trai trưởng của dòng họ, là người đàn ông có quyền uy, chẳng vợ này thì vợ khác!”. 

Nghĩ mình trẻ đẹp, chẳng có tội tình gì lẽ nào cam chịu cảnh bị chồng “bỏ lửng”, Phương định dắt con về nhà mẹ đẻ nhưng bà Hờ giữ cháu, cha mẹ đẻ cô cũng đánh đuổi không cho về. Cực chẳng đã, thế là Phương quyết định tìm đường xuống Tòa án huyện nộp đơn xin ly hôn.

Chỉ đến khi Tòa án xuống hòa giải, bà mẹ chồng mới thảng thốt giật mình nghĩ lại những cư xử của mình với con dâu từ trước đến nay. Bà Hờ bàn với con trai cách “đối phó” thì Di thủng thẳng đáp: “Nó thích thì cho nó bỏ!”. Bà Hờ hoang mang thực sự.

Trong thâm tâm, bà biết có đi khắp thế gian này cũng không tìm được cô con dâu đẹp người, đẹp nết như Phương. Trong chuyện này, bà biết mình cũng có sai, nhưng vì cũng như anh con trai gia trưởng và bảo thủ, bà nhất định không một lời nói lại với con dâu.

Để đến khi sự việc đã đi quá đà, sau hai lần hòa giải không thành, Tòa quyết định đưa vụ án ra xét xử. Lúc này bà Hờ mới chịu hồi tâm chuyển ý ngọt ngào thuyết phục con dâu, anh Di cũng hứa xin thay đổi nhưng Phương nói đã quá muộn, cô không chấp nhận điều đó nữa.

3. Tại Tòa, anh Di tha thiết xin đoàn tụ, hứa sẽ thay đổi, quan tâm đến vợ con và có trách nhiệm hơn với gia đình. Bà Hờ cũng nhận một phần trách nhiệm về mình và đề nghị Tòa thuyết phục Phương tha thứ cho chồng, quay về đoàn tụ.

Tuy nhiên, có vẻ như những ấm ức đau khổ đã dồn nén quá lâu khiến Phương không dễ nguôi quên. Bà Thẩm phán nói nhẹ nhàng như tâm sự: “Anh chị đều còn trẻ đẹp, nếu chia tay, tôi chắc rồi hai người sẽ có gia đình mới. Rồi chị sẽ lại dệt những tấm đệm bằng hoa lau cho người chồng mới và gia đình chồng, có khi nào chị chạnh lòng nghĩ sẽ có người phụ nữ khác dệt đệm cho các con và mẹ chồng mình không?. Lẽ nào chỉ vì chút tự ái mà chị đành lòng quên đi biết bao kỷ niệm, ân tình đẹp đẽ? Tôi thấy rất tiếc cho anh chị...”.

Không ngờ những lời nói có vẻ “sến” đó lại đánh trúng tâm hồn lãng mạn, giàu tình cảm, ân nghĩa của Phương. Cô khóc tấm tức hồi lâu, và rồi sau đó thì ngập ngừng xin được rút đơn về.

Phiên tòa không bản án diễn ra trong không khí ấm áp nghĩa tình, giữa mùa hoa lau tím bạc khắp núi rừng Tây Bắc. Anh Di bảo rằng, anh sẽ chở mẹ về nhanh để quay lại đón vợ về nhà. Sau những hiểu lầm, va vấp và rạn nứt, cuộc hôn nhân của họ chắc chắn sẽ thủy chung, bền vững, có sức sống bất diệt như những ngàn lau bất chấp gió sương vất vả, vẫn nở hoa tô đẹp cho núi rừng và cuộc sống con  người.

Bảo Trâm

Đọc thêm