An toàn giao thông và văn hóa ứng xử

Ðến nay, Luật Giao thông đường bộ đã đi vào cuộc sống gần 10 năm rồi, vậy mà tai nạn giao thông vẫn xảy ra hằng ngày hằng giờ  trên đất nước. Nguyên nhân chủ yếu là do việc tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông đường bộ chưa thấm sâu vào từng người tham gia giao thông.

Ðến nay, Luật Giao thông đường bộ đã đi vào cuộc sống gần 10 năm rồi, vậy mà tai nạn giao thông vẫn xảy ra hằng ngày hằng giờ  trên đất nước. Nguyên nhân chủ yếu là do việc tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông đường bộ chưa thấm sâu vào từng người tham gia giao thông. Theo luật trên thì bảo đảm an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Vậy mà các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân chưa phát động được một phong trào quần chúng học tập để thấm nhuần Luật Giao thông đường bộ.Tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên toàn đất nước đều liên quan đến văn hoá giao thông, nhưng trong hoạt động thực tiễn cũng như trong việc xây dựng con người của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hầu như không chú ý đến các nhân tố văn hoá ấy. Văn hoá là phạm trù rộng lớn, là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Mọi hoạt động của con người Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều liên quan đến văn hoá, chứa đựng nội dung văn hoá. 

Chấp hành nghiêm chỉnh tín hiệu giao thông tại ngã tư đường Giải Phóng - Ðiện Biên (TP Nam Ðịnh).
Ảnh: xuân trường

Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc trong xây dựng nếp sống mới - nếp sống văn hóa, cách ứng xử thời kỳ đổi mới đất nước là một trong những mục tiêu vô cùng quan trọng trong chương trình xây dựng con người Việt Nam mới, đó cũng là vấn đề đang được sự quan tâm sâu sắc của nhà nước và của toàn xã hội. Vì thế, đã có rất nhiều hoạt động nhằm xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá. Qua tổng kết thực tiễn đã thấy rằng, nơi nào phong trào xây dựng đời sống văn hoá, nếp sống văn minh phát triển, thì ở đó ít hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội và an ninh chính trị, an toàn giao thông được bảo đảm. Cách ứng xử văn minh lịch sự giữa những con người tại nơi công cộng, trên đường phố trật tự; người tham gia giao thông đi lại đúng luật. Nếu chẳng may có sự va chạm thì họ mỉm cười hoặc xin lỗi - đó là cách ứng xử có văn hoá.

Bên cạnh những truyền thống tốt đẹp của văn hoá ứng xử thì những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đã và đang gây ra sự hỗn loạn trong nếp sống, đó là cách ứng xử thô bạo, phản văn hoá. Thể hiện trong văn hoá giao thông là sự coi thường luật lệ, tính mạng cộng đồng, lái xe vượt ẩu, chen lấn nhau trên đường gây tai nạn, làm ùn tắc giao thông; khi va chạm thì đánh, chửi nhau, gây rối loạn nơi công cộng...

Muốn giải quyết tận gốc những tệ nạn trên phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải giáo dục ý thức cộng đồng và tinh thần trách nhiệm của mọi người dân khi tham gia giao thông. Cách ứng xử văn minh lịch sự, có văn hoá khi tham gia giao thông phải là một trong các tiêu chuẩn để bình bầu gia đình văn hoá. Ðồng thời, cần đưa Luật Giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học.

Văn hoá là cái gốc của một xã hội văn minh lành mạnh. Giao thông và văn hoá ứng xử đẹp sẽ hạn chế tai nạn giao thông, tạo nên cuộc sống yên bình cho từng gia đình và cho toàn xã hội, tạo đà cho sự phát triển bền vững kinh tế và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

 Ðặng Thanh Hương

Đọc thêm