Phó mặc cho đơn vị kinh doanh
Trong vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) khiến hơn 200 trẻ mầm non và 3 giáo viên nhập viện, kết quả xét nghiệm 13 mẫu thức ăn cho thấy, có 1 mẫu bánh ngọt dương tính với vi khuẩn Salmonella gây nhiễm trùng đường ruột, nóng, sốt, đau bụng tiêu chảy…
Loại bánh ngọt này do Công ty thực phẩm Bảo An cung cấp cho nhà trường, tuy nhiên loại bánh này lại do Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Nguyên Cát (ở Phố Và, phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh) sản xuất. Điều đáng nói, kiểm tra thực tế hoạt động của công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Nguyên Cát, các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở không bảo đảm.
Trong vụ việc này, Trường mần non Xuân Nộn tự tổ chức bếp ăn cho thầy và trò nhưng nguyên liệu do Công ty thực phẩm Bảo An cung cấp. Tuy nhiên, Công ty Bảo An lại nhập nguyên liệu từ bên thứ ba là Công ty Nguyên Cát.
Như vậy, ngay từ khâu đầu vào thực phẩm đã không rõ ràng nguồn gốc, tiêu chí an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, dưới mác an toàn thực phẩm của Công ty thực phẩm Bảo An, số lượng bánh nhiễm khuẩn vẫn lọt vào trường dễ dàng và gây ra vụ ngộ độc kinh hoàng cho hàng trăm trẻ em.
Tương tự, trong vụ 352 học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, (TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) phải nhập viện sau bữa trưa tại trường với triệu chứng đau bụng, buồn nôn đầu tháng 10/2018, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình khẳng định đây là vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh ăn món ruốc gà trong bữa trưa.
Kết quả kiểm tra cho thấy trong món ruốc gà có độc tố tụ cầu vàng, bắt nguồn từ thịt gà sống sử dụng làm ruốc, độc tố này khi nấu chín vẫn không tiêu diệt được. Đây chính là nguyên nhân khiến các học sinh bị đau bụng, buồn nôn phải nhập viện.
Cũng theo Sở Y tế Ninh Bình, ruốc gây ngộ độc cho các học sinh được một hộ kinh doanh có địa chỉ tại thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cung cấp cho nhà trường. Đây là hộ kinh doanh thường xuyên cung cấp thực phẩm cho nhà trường trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, hộ gia đình này không có chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan chức năng cấp.
Hai sự việc nêu trên chỉ là một trong hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra tại các trường học trong những năm qua. Tất cả các vụ ngộ độc nêu trên đều có điểm chung đó là sự chủ quan, lơ là với việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn bán trú ở các trường học.
Đó là việc không thực hiện tốt quy trình tiếp nhận thức ăn an toàn, sử dụng nguyên liệu chế biến thực phẩm rẻ tiền, chất lượng kém, nhân viên chế biến thực phẩm đại khái thiếu hiểu biết về đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, cơ sở vật chất và điều kiện tại nơi chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo…
Ngoài ra, theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, qua các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học năm 2017 – 2018 do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức cho thấy, hầu hết các trường đã tuân thủ quy định nhưng bên cạnh đó vẫn còn trường phải đi nấu nhờ trường khác sau đó vận chuyển về nên khó khăn trong kiểm soát.
Một số nhân viên tham gia chế biến thực phẩm chưa tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, có người không đeo găng tay khi chia suất ăn, bảo quản thực phẩm không đúng quy định, không lưu mẫu thức ăn…
Thậm chí, nhiều trường mới chỉ kiểm tra được hợp đồng, giấy phép kinh doanh của công ty cung ứng và kiểm tra thực phẩm... bằng cảm quan. Ngay cả việc ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn cũng chưa đủ bởi mức độ tin cậy của giấy chứng nhận ra sao vẫn là vấn đề còn tranh cãi…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Câu hỏi này luôn được đặt ra mỗi khi có sự cố về mất ATTP và tất nhiên tại các trường học thì trách nhiệm sẽ thuộc về người đứng đầu đơn vị là hiệu trưởng cho dù công tác tổ chức ăn bán trú thực sự là một thách thức lớn đối với các trường.
Có một điều đáng lưu ý là, cứ mỗi khi xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường, các cơ quan của ngành giáo dục đều khẳng định “sẽ siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp tại các trường”, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm của nhân viên, kiên quyết xử lý đối với những người không chấp hành quy định”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu khẳng định này sẽ được duy trì trong bao lâu, hay khi sự việc lắng xuống, việc “siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp” cũng sẽ lại bị lãng quên, nhất là khi thực tế, hoạt động kiểm tra tổ chức bán trú cho học sinh vẫn được tiến hành và luôn được kết luận là “đúng quy trình, đảm bảo chất lượng”.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) khẳng định việc để xảy ra mất ATTP tại các trường học là sự việc hết sức nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các học sinh không chỉ thời điểm sử dụng thực phẩm mà còn có nguy cơ gây hại đến sức khỏe về sau.
Theo Luật sư Cường, câu hỏi trên có thể coi là vấn đề trăn trở của nhiều chuyên gia trong ngành, các cơ quan chức năng có thẩm quyền và liên quan. Bởi cho đến nay dù đã có bộ khung pháp lý xử lý vi phạm về hành vi vi phạm an toàn thực phẩm đầy đủ như Luật An toàn thực phẩm, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật bảo vệ và kiểm dịch động vật, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa… Ngoài ra, còn có Bộ luật Hình sự, Dân sự, Luật Quảng cáo, Luật cạnh tranh, Luật về xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định văn bản hướng dẫn về lĩnh vực này…nhưng tình trạng mất vệ sinh ATTP tại các trường học vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ ở mức báo động.
Cũng theo Luật sư Cường, bên cạnh đó, việc thành lập đội thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm hiện nay chưa đảm bảo tính xử lý kịp thời. Trong quá trình xử lý thì đạo đức của cán bộ xử lý đóng vai trò quan trọng, nếu cả nể hoặc xử lý “nhẹ tay” thì không thể đủ sức răn đe đối với các đối tượng có hành vi vi phạm, thậm chí còn dung túng, bao che cho hành vi đó…
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Cường cho rằng các biện pháp xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại các trường học chủ yếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, phạt tiền. Hay đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống; song song khắc phục hậu quả bằng cách buộc tiêu hủy nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, hỏng, ôi, thiu, thối,..
"Với biện pháp và mức xử phạt hành chính như vậy sẽ rất khó ngăn chặn hành vi sử dụng thực phẩm "bẩn", thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vào trường học. Chính vì thế, cần phải có chế tài có đủ sức răn đe, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan… thì mới tạo được chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học", Luật sư Cường nói.