Luật đời không tha nghịch tử
Thực trạng con cái có hành vi ngược đãi, đối xử tàn tệ với cha mẹ đang trở thành một vấn đề báo động trong xã hội hiện đại. Những câu chuyện về bạo hành, xúc phạm, thậm chí bỏ rơi cha mẹ già yếu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, làm dấy lên sự phẫn nộ trong cộng đồng.
Cách đây một thời gian, đoạn clip lan truyền trên mạng quay lại cảnh một người phụ nữ ở Long An có hành vi mắng chửi, đánh đập, xúc phân đổ lên đầu mẹ già đã khiến cộng đồng hết sức giận dữ. Người đàn bà này do mâu thuẫn về tài sản thừa kế với mẹ nên đã nảy sinh lòng hận thù, trong lúc mẹ chấn thương chân không đi lại được, bà ta đã ngược đãi về thể chất và tinh thần đối với người mẹ.
Sự việc diễn ra trong âm thầm cho đến khi bà cụ qua đời vì suy hô hấp, một người bà con đến dự đám tang, nghe chuyện bà cụ bị ngược đãi và được biết có những đoạn clip do chính con ruột của kẻ ngược đãi mẹ quay được nên xin và đăng tải lên mạng, từ đó sự việc mới được đưa ra ánh sáng. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, TAND huyện Cần Đước, Long An đã mở phiên sơ thẩm, tuyên phạt 4 năm tù về hành vi ngược đãi mẹ ruột đối với người đàn bà bất hiếu này.
Một vụ việc khác gây bàng hoàng không kém, đó là câu chuyện con trai và con dâu ngược đãi mẹ già 88 tuổi ở Tiền Giang. Sự việc được phơi bày cũng nhờ một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội, quay lại cảnh cụ bà đang nằm trên giường bị con trai và con dâu liên tục dùng tay và dùng roi đánh liên tục vào người, có sự chứng kiến của đứa cháu. Sau sự việc, Công an địa phương đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam hai vợ chồng bất hiếu nói trên vì tội ngược đãi, bạo hành mẹ già.
Còn rất nhiều câu chuyện đau lòng về những bậc cha mẹ gánh chịu nỗi đau thể xác, tinh thần do con cái bất hiếu gây ra. Có những đứa con, vì tranh giành tài sản, vì tham lam che mờ đạo đức làm người, đã nhẫn tâm trấn áp tinh thần cha mẹ, có những kẻ đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, lang thang, vất vưởng, chiếm đoạt tài sản của cha mẹ. Lại có những đứa con vì nghiện ngập ma túy, nghiện game, cờ bạc mà đang tâm hành hung cha mẹ để cướp đoạt tiền bạc, thậm chí gây thương tích, đoạt mạng cha mẹ để thỏa mãn cơn nghiện, máu liều.
Những kẻ ấy cuối cùng đều phải đối diện với bản án nghiêm khắc của pháp luật, kẻ thì tù tội, có người bị cách ly hoàn toàn ra khỏi xã hội. Trước tòa án, đã có những giọt nước mắt rơi, những lời xin lỗi, ăn năn, hối hận, nhưng tất cả đã quá muộn màng khi mà đạo hiếu đã bị họ giẫm nát, những người làm cha, làm mẹ đã bị con cái gây nên những vết thương thể xác và tinh thần không thể lành lại.
Thống kê của Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL năm 2022 cho thấy, cả nước hiện có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Theo kết quả khảo sát thì có 50,3% hộ gia đình có người cao tuổi đã xảy ra ngược đãi, 3,0% người cao tuổi bị con cái đánh đập, 8,0% bị đe dọa và 15,0% bị bỏ rơi không chăm sóc; có 45,7% người già cho rằng họ thường bị con cái làm mất lòng dẫn tới buồn phiền, 3,9% thường xuyên bị nhiếc móc, 10,7% bị bỏ bê về kinh tế. Đây là một con số rất đỗi đau lòng về đạo làm con trong thời hiện đại.
Nhân quả hay luật trời cho kẻ bất hiếu
Cách đây không lâu, một vụ án con cái gây tổn hại bậc sinh thành khiến nhiều người bàng hoàng đã diễn ra, đó là chuyện ba người con gái ở Hưng Yên, do mâu thuẫn trong việc chia đất đai, đã mang hung khí sang nhà mẹ đẻ để đạp tường, sau đó họ đóng cửa phòng khách ngăn không cho ai vào nhà, hai người giữ mẹ, một người còn lại đổ xăng, châm lửa đốt nhà.
Vụ cháy đã khiến người mẹ già bỏng nặng, qua đời. Và trong ba người con gái, một người châm lửa đốt nhà, một người giữ mẹ cho chị đốt cũng bị lửa cháy lan, không qua khỏi. Người con gái còn lại bị thương tích 22% và đối mặt với bản án 22 năm 6 tháng tù giam, nghĩa là dành trọn phần đời còn lại trong tù về tội Giết người và Hủy hoại tài sản.
Có thể thấy được, trong sự việc ấy, không chỉ có pháp luật trừng trị ba người con gái bất hiếu, mà cả luật của trời, khi mà bản thân họ cũng bị thương tổn nặng nề, bị đau đớn vì cháy bỏng, tử vong trong chính ngọn lửa họ đốt lên để thiêu mẹ mình.
Con cái ngược đãi, bỏ rơi cha mẹ sẽ bị pháp luật xử lý đích đáng và nhận lãnh những hậu quả lâu dài. (Ảnh minh họa - Nguồn: L.P) |
Cũng có những hành vi bất hiếu hậu quả không thấy được ngay mà âm ỉ, lâu dài về sau, như câu chuyện của vợ chồng ông T.H.V ở TP Hồ Chí Minh. Bề ngoài, cả hai là những trí thức giỏi giang, giàu có, được nhiều người nể trọng. Nhưng bên trong, không ai biết là họ đối xử với người cha già như thế nào. Vốn người cha có một mảnh đất rộng và căn nhà cấp 4, sống thoải mái ở quê. Khi “sốt đất”, đôi vợ chồng này vì tham lam nên dụ dỗ cha già bán đất, đưa hết tiền cho họ để kinh doanh và lên sống cùng con.
Chỉ được một thời gian đầu họ đối xử tử tế với ông cụ, sau đó, họ bận rộn bỏ mặc ông cụ bữa đói, bữa no trong ngôi nhà rộng, không thèm đếm xỉa đến ông cụ. Khi thấy ông cụ sức khỏe suy yếu, có nguy cơ phải chăm sóc, họ đưa cha già của mình vào một viện dưỡng lão tồi tàn, giá rẻ và vứt bỏ ông cụ ở đấy. Hành vi của đôi vợ chồng này không mấy ai hay biết, chỉ có cậu con trai một của họ là chứng kiến tất cả.
Được chiều chuộng từ tấm bé, nhà có điều kiện, đứa con trai không chịu học hành, ăn chơi lêu lổng và sa vào ma túy. Đến năm hơn 30 tuổi, cậu con trai vẫn vô công rồi nghề, suốt ngày về chửi mắng, hăm dọa, hành hung cha mẹ để lấy tiền chích hút. Và trong những câu chửi bới ấy, có cả những lời nhiếc móc rằng “ngày xưa ông bà đối xử với ông nội ra sao mà bây giờ đòi tôi phải có hiếu với ông bà!”.
Khi con cái bất hiếu, có hành vi ngược đãi, tổn thương, bỏ mặc cha mẹ, chính là họ đang gieo một cái nhân, để rồi, con cái họ chứng kiến những hành vi ấy, chữ hiếu, đạo làm con, đạo làm người không được vun bồi mà bị bóp méo, lệch lạc, thế nên, về sau, hầu hết những kẻ bất hiếu lại nhận lãnh đúng những gì mình đã gây ra cho cha mẹ mình khi trước, đó không chỉ là luật trời, luật nhân quả, mà còn là sự vận hành đầy hợp lý của cuộc sống.
Theo Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, con cái có bổn phận yêu quý và trân trọng, phải biết hiếu thảo và biết ơn cũng như phụng dưỡng cha mẹ. Điều 71 cũng quy định con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ già, hoặc cha mẹ qua đời, hoặc khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, cha mẹ bị ốm đau hoặc khuyết tật...
Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có quy định về mức phạt tiền đối với con cái bỏ mặc không chăm sóc ông bà, cha mẹ là người già, yếu, tàn tật.
Còn Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, con cái bỏ mặc, ngược đãi, đối xử tàn tệ với cha mẹ mà đã bị xử phạt rồi vẫn tái phạm thì bị xử phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp con cái đối xử tệ với cha mẹ già yếu, khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, hành vi bất hiếu, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả, còn bị chế tài xử phạt bởi nhiều quy định khác của pháp luật. Luật pháp trừng trị thích đáng kẻ ngược đãi, thương tổn cha mẹ. Và luật nhân quả, luật của trời, sự vận hành đầy logic của số phận cũng không bao giờ bỏ qua cho những người con bất hiếu.