Ấn tượng Hàn Quốc

Được tận mắt chứng kiến, tìm hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Hàn Quốc hàng đầu: Taekwang, LG, Doosan,…, chúng tôi hiểu rõ hơn vì sao các doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang nhanh chóng  vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới trên nhiều lĩnh vực

“Chúng tôi đã và đang vươn lên hàng đầu thế giới…Chúng tôi đang trở thành doanh nghiệp hàng đầu châu Á, khu vực…Chúng tôi là nhà sản xuất lớn nhất, có chuỗi cửa hàng phân phối toàn cầu…Chúng tôi sẽ vươn ra toàn cầu …”. Đây là những lời nói đầy tự hào, tin tưởng của hầu hết lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi tiếp chúng tôi – Đoàn đại biểu Hội  nhà báo Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình hợp tác, trao đổi hằng năm giữa Hội Nhà báo hai nước vào giữa tháng 9 vừa qua.

 

Quầy bán rau sạch trồng ngay tại siêu thị của tập đoàn LOTTE

Được tận mắt chứng kiến, tìm hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Hàn Quốc hàng đầu: Taekwang, LG, Doosan, Huchems, Lock&Lock, S&T, Lottemart…, chúng tôi hiểu rõ hơn vì sao các doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang nhanh chóng  vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới trên nhiều lĩnh vực, để đưa nền  kinh tế Hàn Quốc hoá Rồng ở châu Á.

 

Nhà nước- báo chí- doanh nghiệp: Bộ ba đồng hành

 

Gặp gỡ và làm việc với Đoàn nhà báo Việt Nam ngay buổi sáng 6-9, khi đoàn vừa đến Xơ-un, ông Wo Jang Kyun, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí Hàn Quốc thẳng thắn đặt vấn đề: “ Báo chí Hàn Quốc luôn đồng hành và phát triển với doanh nghiệp. Các bạn sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc lần này, chúng tôi sẽ đưa đến thăm nhiều doanh nghiệp ở  Xơ-un và các địa  phương. Đây là những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là đã và đang có những công trình, sản phẩm đầu tư hiệu quả vào Việt Nam . Rất mong các bạn giới thiệu, quảng bá hoạt động của các doanh nghiệp này với đông đảo bạn đọc Việt Nam ”.

 

Chiều 6-9, Đoàn nhà báo Việt Nam có cuộc gặp gỡ, tiếp xúc thân mật với lãnh đạo tập đoàn Taekwang. Gần như liên tục trong thời gian tại Hàn Quốc (từ 5 đến 13-9), từ ngày đầu đặt chân đến Xơ-un cho đến khi kết thúc, mỗi ngày các bạn đồng nghiệp Hàn Quốc đều đưa chúng tôi đến thăm, làm việc với một hoặc hai doanh nghiệp ở các địa phương suốt chiều dài từ Bắc đến Nam của xứ sở kim chi. Và luôn đồng hành với các nhà báo Việt Nam, dù đi máy bay hay đường bộ, dù ở Thủ đô Xơ-un hay xuống đảo Jeju…, ông Lee Chung Ku, Tổng thư ký Hiệp hội báo chí Hàn Quốc với nụ cười, giọng nói nhỏ nhẹ, cùng một nhà báo Hàn Quốc lo toan chu đáo tất cả điều kiện cho đoàn hoạt động.

 

Trong sự đón tiếp trọng thị, nhiệt tình của các doanh nghiệp Hàn Quốc, từ những nhân viên văn phòng, tiếp thị, giám đốc các công ty thành viên hay trực tiếp là những doanh nhân tên tuổi, những chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn…, chúng tôi nhận thấy sự thân thiết giữa các nhà báo Hàn quốc với các doanh nghiệp, doanh nhân. Trong bữa tiệc chiêu đãi, chia tay Đoàn nhà báo Việt Nam, ông Park Yen Cha, Chủ tịch Tập đoàn Taekwang đứng dậy khoác vai, chạm cốc với ông Lee Chun Ku giới thiệu:  “Đây là người bạn thân thiết của chúng tôi. Giữa doanh nghiệp, doanh nhân và báo chí Hàn Quốc có mối quan hệ gắn bó, tốt đẹp. Báo chí đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp chúng tôi”.

 

Còn ông Kim Ki Jae, Phó chủ tịch Tập đoàn Taekwang, nguyên là Thị trưởng thành phố Pusan kết nghĩa với thành phố Hồ Chí Minh, nhắc lại nhiều lần: “Bây giờ làm kinh doanh, tôi càng thấy rõ hơn vai trò của báo chí đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Nhà báo và doanh nhân là những người bạn đồng hành phục vụ sự phát triển giàu có của đất nước”.

 

Với tác phong công nghiệp, chương trình làm việc của các bạn sắp xếp cho Đoàn nhà báo Việt Nam rất sít sao về thời gian. Nhiều nơi, mặc dù vừa trải qua chặng đường hàng nghìn km, chưa kịp nghỉ ngơi, đoàn đã có ngay cuộc làm việc chờ sẵn. Có những nơi, cuộc làm việc được sắp xếp vào khoảng thời gian chiêu  đãi buổi trưa hoặc chiều tối, với những nội dung rất cụ thể, thiết thực. Rất ấn tượng với chúng tôi, dù là cuộc làm việc chính thức hay là cuộc gặp gỡ thân mật giữa báo chí với doanh nghiệp, đến địa phương nào Đoàn nhà báo Việt Nam cũng được lãnh đạo ở đó dành thời gian trao đổi, làm việc, với sự cởi mở, thân tình.

 

Đến tỉnh Kyung Nam, sau khi Đoàn làm việc với Công ty điện tử LG, Công ty công nghiệp nặng Doosan, ông Kang Byung Khi, Phó chủ tịch tỉnh  Kyung Nam cũng vừa kết thúc một cuộc họp vào lúc chiều tối, lập tức đến nơi Hội Nhà báo tỉnh chiêu đãi Đoàn nhà báo Việt Nam để gặp gỡ và làm việc với Đoàn.

 

Tại Kưmsan, tỉnh sản xuất tới 50% sản lượng sâm của Hàn Quốc, ông Thị trưởng Park Dong Chell cùng đến thưởng thức, giới thiệu với đoàn món đặc sản gà hầm sâm mà ông Giám đốc Hội chợ nhân sâm Kưmsan chiêu đãi đoàn, để có dịp trao đổi, quảng bá về chất lượng sâm Kưmsan với các nhà báo Việt Nam…

 

Ở mỗi nơi, các vị lãnh đạo, với những phong cách khác nhau, nội dung làm việc cụ thể không giống nhau, nhưng đều có chung hai mong muốn. Đó là: “Mong các nhà báo Việt Nam giữ gìn sức khoẻ trong điều kiện thời tiết Hàn Quốc đang chuyển mùa; và mong các bạn giới thiệu, quảng bá về địa phương chúng tôi và các doanh nghiệp của chúng tôi, để góp phần đẩy mạnh hơn nữa sự gắn kết phát triển giữa Việt Nam và Hàn Quốc, giữa các nhà báo với các doanh nghiệp của hai nước”.

 

Rõ ràng là sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn có sự hỗ trợ, gắn kết, đồng hành giữa Nhà nước, báo chí và doanh nghiệp; trong đó báo chí là cầu nối thiết yếu, thúc đẩy sự phát triển.

Doanh nhân Hàn Quốc-"có gan làm giàu"

Đã được nghe, được xem không ít về những sản phẩm, dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại của Hàn Quốc, nhưng chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến tận mắt. Khi đến thăm Công ty công nghiệp nặng Doosan, chúng tôi được xuống tham quan xưởng sản xuất những thiết bị siêu trường siêu trọng. Đúng lúc một mẻ thép ra lò, đổ xuống khuôn thành một khối thép khổng lồ đỏ rực. Người quản đốc phân xưởng cho biết: Khối thép nặng tới 200 tấn, với độ nóng khoảng 1200 độ. Chúng tôi đứng xa gần 100 mét mà vẫn cảm thấy hơi nóng hừng hực phả vào người. Vậy mà khối thép được xoay vần, vo tròn, dập góc… hoàn toàn bằng máy móc tự động, để sau đó chế tạo thành một kết cấu thiết bị của nhà máy phát điện… Theo đại diện công ty, Doosan là nhà sản xuất các thiết bị cho các nhà máy phát điện lớn nhất châu Á và nhà máy điện nguyên tử. Doosan cũng cung cấp thiết bị cho 40% số nhà máy xử lý nước mặn của thế giới.
Đến thăm Công ty S&T Motor, các nhà báo Việt Nam được ngắm và đi thử từ loại xe máy chạy điện nhỏ xinh, không tiếng động, đến những xe môtô có động cơ hàng trăm phân khối hầm hố như trên phim. Giám đốc điều hành công ty cho biết:  Công ty S&T Motor có tới 22 thành viên, với những sản phẩm phục vụ quốc phòng vào loại hiện đại nhất của Hàn Quốc. Riêng các loại môtô của S&T đã xuất khẩu sang 60 nước.
Từ Công ty công nghiệp nặng Doosan ở tỉnh Kyung Nam, chúng tôi đi sang thành phố Jeju, là một bán đảo ở cực Nam Hàn Quốc bằng ô tô. Sau những cảnh quan đồi núi trập trùng, nhiều chỗ như còn hoang sơ, Khu liên hợp các nhà máy hoá chất với hệ thống nhà xưởng, bồn chứa, ống dẫn hiện đại trên diện tích 22,9 triệu m2 bất ngờ hiện ra như một khu rừng thép. Công ty hoá chất Huchems là thành viên của Tập đoàn Taekwang, hiện dẫn đầu châu Á về sản lượng a xít nitric và amoniac. Ông K.S Hwang, Giám đốc điều hành Huchems khẳng định: “Chúng tôi sẽ viết nên huyền thoại mới bằng việc huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển khu công nghiệp dầu khí và hoá chất lớn nhất châu Á”.
Vì sao các doanh nghiệp Hàn Quốc lại có thể vươn lên nhanh chóng, giành được những thành công đáng nể? 
Ông Park Yen Cha, một doanh nhân thành công ở Hàn Quốc, Chủ tịch Tập đoàn Taekwang với 15 công ty thành viên, doanh thu hằng năm 1.040 triệu USD, gần 50.000 lao động, chia sẻ: “Cách đây 17 năm, có lẽ tôi là doanh nhân Hàn Quốc đầu tiên đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư ngay sau khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Lúc đó dù TP Hồ Chí Minh là địa phương phát triển về kinh tế hàng đầu ở Việt Nam, nhưng  nói chung vẫn còn rất nhiều khó khăn. Với tác phong, cách làm công nghiệp, khẩn trương của Hàn Quốc, thì việc đầu tư làm ăn vào Việt Nam lúc đó rất chậm trễ, nhất là ở các khâu thủ tục hành chính của các cấp, ngành liên quan ở cơ sở. Nhưng dường như đã quen với những thách thức nên tôi càng thêm quyết tâm đột phá, đầu tư  vào thị trường mới. Năm 1994, chúng  tôi đã có nhà máy sản xuất giày thể thao cao cấp xuất khẩu đầu tiên của Công ty Taekwang Vina tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai”. Thành công của Taekwang Vina không chỉ mở đầu cho một loạt dự án với quy mô ngày càng lớn của Tập đoàn Taekwang đầu tư vào Việt Nam, mà còn là xúc tác kéo theo hàng loạt doanh nghiệp của Hàn Quốc mạnh dạn đầu tư vào sản xuất- kinh doanh ở thị trường Việt Nam những năm tiếp theo. Cũng ngay từ ngày đó, ông Park Yen Cha là người đầu tiên đề xuất ý tưởng táo bạo mở đường bay thẳng từ thành phố Bu-san đến thành phố Hồ Chí Minh và sẵn sàng hỗ trợ bù lỗ. Giờ đây ý tưởng táo bạo này đã thành hiện thực.
Còn ông Kim Joon Il, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lock& Lock có sản phẩm kim khí xuất khẩu tới 130 quốc gia trên thế giới, cho biết: Lúc đầu công ty chỉ bán những sản phẩm làm bếp nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng với khát vọng vươn lên thành doanh nghiệp toàn cầu, ông Kim đã cùng với các cộng sự tìm tòi, nghiên cứu, mở rộng sản xuất các laoij sản phẩm với những tính năng mới, đặc biệt áp dụng khái niệm mới, kín khí 4 mặt: Lock &Lock. Mỗi năm công ty đưa ra thị trường trên 500 loại sản phẩm mới. Tổng Giám đốc Kim Joon Il khẳng định: “Chúng tôi sẽ vươn lên thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới về sản xuất các sản phẩm cơ khí vào năm 2013”.
Có thể thấy, dù là những tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc như LG, Lotte, Taekwang, hay những công ty thành viên, đều có chung khát vọng mãnh liệt vươn ra thị trường thế giới, trở thành những thương hiệu hàng đầu. Đi cùng với khát vọng đó là ý chí táo bạo đột phá, luôn luôn đổi mới của các doanh nhân, được sự hỗ trợ, cổ vũ của Nhà nước và toàn xã hội.

Việt Nam là quê hương thứ hai của chúng tôi

 

Sang Hàn Quốc lần này, Đoàn nhà báo Việt Nam không chỉ gặp các bạn đồng nghiệp đã nhiều lần sang Việt Nam, mà còn có dịp gặp gỡ các doanh nhân đã và đang sang Việt Nam xúc tiến đầu tư làm ăn. Điều chúng tôi ngạc nhiên là nhiều doanh nhân Hàn Quốc đã để công tìm hiểu và hiểu biết khá sâu sắc phong tục, tập quán văn hoá của Việt Nam với một tình cảm đặc biệt. Ông Park Yen Cha, Chủ tịch Tập đoàn Taekwan, khác với vẻ ngoài lịch lãm, sang trọng của một doanh nhân thành đạt, rất cởi mở khi nói về gia đình mình. “Tôi có hai con gái và một con trai. Cả hai con gái đều đã lập gia đình, đang cùng chồng quản lý điều hành các công ty thuộc tập đoàn. Chỉ còn cậu con trai út năm nay 26 tuổi, chưa có gia đình, tôi đang cho tập quản lý một công ty tại Việt Nam. Tôi rất muốn con trai tôi lấy vợ người Việt Nam , để tôi có con dâu là một cô gái Việt Nam .

 

Các cộng sự của ông  Park Yen Cha lý giải với chúng tôi về mong muốn này của Chủ tịch Tập đoàn. Văn hoá Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng, đặc biệt trong nếp sống gia đình. Nhiều chàng trai Hàn Quốc mong muốn có được người vợ Việt Nam với bản tính cần cù, chiều chồng, thương con, biết cách cư xử với gia đình chồng, nên cô dâu Việt Nam dễ hoà nhập với cộng đồng. Ông Park là một trong những doanh nhân Hàn Quốc đầu tiên sang làm ăn tại Việt Nam , và từ đó đến nay ông cùng gia đình dành nhiều công sức cho các dự án triển khai tại Việt Nam . Từ sự thành công của Taekwan, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Hàn Quốc đã mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam , góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị toàn diện giữa hai nước. Các doanh nghiệp, doanh nhân Hàn Quốc không chỉ đầu tư vào sản xuất- kinh doanh, mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Tập đoàn Taekwan và ông Park Yen Cha đã đóng góp 1,7 triệu USD vào việc hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức và địa phương ở Việt Nam xây dựng trường học, từ thiện…Ông Park Yen Cha đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị. Ông Park khẳng định: Tôi và rất nhiều cán bộ, nhân viên của Taekwan luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

 

Đây không chỉ là tình cảm của ông Chủ tịch Tập đoàn Taekwan, mà còn là của tất cả doanh nhân Hàn Quốc mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, đến thăm lần này. Tập đoàn Lotte Mart khởi nghiệp từ năm 1960, với một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, cửa hàng, khách sạn, giờ trở thành một trong mười tập đoàn kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc, với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rộng lớn. Doanh thu của Tập đoàn hiện đạt tới trên 50.000 tỷ won/năm. Lotte thành lập chuỗi siêu thị tại Việt Nam . Lotte Việt Nam được người tiêu dùng Việt Nam biết đến nhiều không chỉ vì chất lượng dịch vụ của các trung tâm thương mại, các cửa hàng, mà còn do Lotte tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng. Lotte Mart tài trợ chương trình từ thiện vì người khuyết tật Việt Nam, tài trợ đoàn vận động viên taekwondo Việt Nam tham dự Đại hội thể thao quốc tế, tham gia các hoạt động vì môi trường tại Việt Nam…

 

Công ty cổ phần Lock & Lock bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2008, đến nay công ty đã có 25 cửa hàng bán lẻ tại 4 thành phố lớn, trong đó có Hải Phòng. Năm 2009, công ty xây dựng nhà máy ở Đồng Nai, Vũng Tàu, sản xuất thuỷ tinh chịu nhiệt. Công ty đã đầu tư khoảng 35 triệu UDS cho giai đoạn 1, dự kiến đến tháng 10-2011 hoàn thành, đưa nhà máy vào sản xuất. Ông Kim Joon Il, Tổng Giám đốc công ty phấn khởi về sự phát triển, thành đạt của công ty tại Việt Nam và tự hào đã góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực ưu tú của Việt Nam thông qua nhiều hoạt động như: tài trợ du học Hàn Quốc cho những học sinh Việt Nam ưu tú và tạo cơ hội cho họ làm việc tại các chi nhánh của công ty.

 

Ông Kim Ki Jae, Phó chủ tịch Tập đoàn Taekwang, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm khi ông làm Thị trưởng thành phố Busan đã có quan hệ thân thiết với thành phố Hồ Chí Minh kết nghĩa, lúc đó đồng chí Trương Tấn Sang làm Chủ tịch UBND thành phố. Ông Kim Ki Jae tự hào “đã cùng  ngài Trương Tấn Sang đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc lên tầm cao mới.” Theo ông, 18 năm qua, kể từ khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước trở thành đối tác hợp tác chiến lược. Trong đó đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã dịch chuyển từ quy mô nhỏ sang quy mô lớn. Hiện nay, Hàn Quốc là nước dẫn đầu về số dự án đầu tư và đứng thứ hai về số vốn đầu tư FDI vào Việt Nam . Nhưng thời gian sắp tới cũng còn rất nhiều việc phải làm.

 

Cũng cùng chung cảm nghĩ với ông Kim Ki Jae, nhiều doanh nhân Hàn Quốc chia sẻ với chúng tôi: Môi trường đầu tư Việt Nam ngày càng thông thoáng, thuận lợi, các dự án đầu tư sản xuất- kinh doanh được chính quyền tạo điều kiện, báo chí Việt Nam cùng với xã hội luôn giúp đỡ, hỗ trợ các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng như nước ngoài khác. Tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn, ngoài những nguyên nhân khách quan, còn một số vướng mắc từ sự khác biệt chưa được hiểu rõ trong ứng xử, giao tiếp giữa những người có quan hệ trực tiếp trong hợp tác kinh doanh. Nhưng cũng như ông Park Yen Cha, ông Sunyoung Park, Chủ tịch Công ty sản xuất giày thể thao Taekwang và nhiều doanh nhân khác đều mong muốn: Chúng tôi luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai, vì vậy chúng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn đời sống văn hoá, quyền lợi của người lao động Việt Nam làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh của chúng tôi. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của hai nhà nước, sự giúp đỡ, hỗ trợ của báo chí và xã hội, chắc chắn những khó khăn, vướng mắc, chúng tôi sẽ vượt qua. Những doanh nghiệp, doanh nhân Hàn Quốc, cũng như các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào sự giàu có của hai đất nước.

 

Ghi chép của Trọng Nhân

Đọc thêm