Ấn tượng Lâm Đồng

Có một thời, khi nhắc đến hai tiếng Lâm Đồng, bạn bè phương xa thường nghĩ đến một miền đất cao nguyên xa ngái, âm u núi rừng. Ở nơi đó, đời sống người dân còn nhiều gian khó và khoảng cách phát triển còn thấp so với các đô thị lớn và các tỉnh đồng bằng.
Cảng hàng không Liên Khương. Ảnh THỤY TRANG

Có một thời, khi nhắc đến hai tiếng Lâm Đồng, bạn bè phương xa thường nghĩ đến một miền đất cao nguyên xa ngái, âm u núi rừng. Ở nơi đó, đời sống người dân còn nhiều gian khó và khoảng cách phát triển còn thấp so với các đô thị lớn và các tỉnh đồng bằng.

Thế nhưng, đến hôm nay, với  ý chí và sự nỗ lực của toàn đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương, vùng đất Lâm Đồng đã từng bước thay da đổi thịt, bắt nhịp tiến trình phát triển đi lên cùng cả nước. Ấn tượng Lâm Đồng, là ấn tượng của sự lãnh đạo đúng đắn của đảng, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, là ấn tượng về những người dân cần cù, sáng tạo, họ bước lên bắt đầu từ cuộc mưu sinh gian nan trên đất khó đến phát huy tiềm năng và lợi thế dựng nghiệp, làm giàu… 

KẾT QUẢ MỘT NHIỆM KỲ

Cùng xuất phát trong cái khó chung, mở đầu nhiệm kỳ này, khẩu hiệu “đột phá, tăng tốc” của đảng bộ tỉnh Lâm Đồng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế rồi thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Là một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh Lâm Đồng còn phải vượt khó trong hoàn cảnh xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp, xa cách các trung tâm lớn, kết cấu hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao.

Trong hoàn cảnh đó, bắt buộc những cái đầu lãnh đạo phải nghĩ, cán bộ các cấp, các ngành phải xắn tay vào việc và người dân phải phát huy sức lực, trí tuệ để làm. Cấp ủy địa phương phải tìm cách lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các ngành nỗ lực vượt khó, vượt khó từng phần, vượt khó có trọng tâm trọng điểm với mục tiêu vừa tạo tiền đề cho tiến trình phát triển, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Thu hút đầu tư chững lại thì phải tìm cách tháo gỡ cơ chế, nhiệt tâm mời gọi, từng bước cải cách thủ tục hành chính.

Gía cả hạ và thị trường tiêu thụ rau, hoa, chè, cà phê khó khăn thì phải tìm cách thay đổi cơ cấu giống, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực chế biến, cải thiện chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về đất đai, nhà cửa, vốn liếng sản xuất và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp thì huy động các nguồn lực, từ nguồn vốn các chương trình quốc gia, nguồn vốn lồng ghép, ngân sách địa phương hay huy động sự đóng góp của toàn xã hội để hỗ trợ đồng bào vượt khó.          

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Huỳnh Phong Tranh - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng khái quát bốn nguyên nhân dẫn đến thành công, mà nguyên nhân quan trọng nhất chính là đảng bộ đã xây dựng được khối đoàn kết nội bộ và tinh thần đồng thuận xã hội. Chính đó là yếu tố cực kỳ quan trọng, tạo nên động lực mới, thúc đẩy tiến trình phát triển. Bên cạnh đó, trong lãnh đạo, cấp ủy địa phương đã ban hành chủ trương đúng, nghị quyết sát, lựa chọn từng vấn đề trọng tâm, trọng điểm và có tính khả thi cao, tập trung xử lý dứt điểm trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.

Huy động các nguồn lực tổng hợp, tạo nên sức mạnh mới trong những thời gian nhất định để tập trung hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Đội ngũ cán bộ của tỉnh có điều kiện cọ xát nhiều hơn với những vấn đề mới, có tư duy đổi mới, nhất là tư duy kinh tế, phong cách lãnh đạo khoa học, dám nghĩ biết làm, dám chịu trách nhiệm. Một vấn đề quan trọng khác mà đồng chí Bí thư nhấn mạnh đó chính là trong nhiệm kỳ qua, đảng bộ đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng. Bởi, với vai trò hạt nhân và tiên phong của mình, tổ chức đảng có mạnh thì mới đủ sức lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng...

TẠO TIỀN ĐỀ CHO TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN

Chưa có những bước đột phá và tăng tốc, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có những khó khăn và thách thức như chúng tôi nêu trên. Nhưng Lâm Đồng đã tạo nên được những diện mạo mới, những bứt phá mới rất đáng ghi nhận. Những gì vỡ vạc trong hôm nay sẽ là tiền đề, là những cơ sở quan trọng cho tiến trình phát triển tương lai. Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Phong Tranh khẳng định: “Việc quan trọng được đặt lên hằng đầu cho sự phát triển đúng hướng và khoa học chính là công tác quy hoạch. Tỉnh rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch, trong đó có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, địa bàn, quy hoạch xây dựng…trên cơ sở định hướng kế hoạch hằng năm hay từng thời kỳ phù hợp với quy hoạch chung và thực tiễn…”        

Từ những quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh đã và đang hoàn thiện dần bộ mặt kết cấu hạ tầng.
Trong cả nhiệm kỳ qua, thời điểm nào và trên địa bàn nào của tỉnh Lâm Đồng cũng là công trường xây dựng, đó có thể là đường giao thông, là công trình thủy lợi, thủy điện hay những công trình hạ tầng khác. Nhờ sự nỗ lực đó mà bản đồ giao thông Lâm Đồng đến thời điểm hiện tại đã hoàn thiện nhất từ trước đến nay, khi mà sự kết nối giữa địa phương với những trung tâm, những khu vực lớn trong nước đã khá hoàn chỉnh. Từ sân bay quốc tế Liên Khương vừa được nâng cấp, hiện tại ngày nào cũng có chuyến bay đi TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Tỉnh cũng đang xúc tiến cùng các nước bạn để sắp tới đây mở đường bay thẳng tới Singapore và Siêm Riệp - Campuchia. Đường bộ đi các tỉnh miền Trung đã được cải thiện, rút ngắn khoảng cách 100km sau khi Tỉnh lộ 723 đi vào hoạt động. Quốc lộ 27 nối với Tây Nguyên và quốc lộ 20 nối với TP HCM cũng đang được nâng cấp; đặc biệt Lâm Đồng đang nỗ lực cùng các ngành và địa phương bạn xúc tiến dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt và hỗ trợ tích cực cho dự án đại lộ Đông Trường Sơn. Khi hệ thống giao thông cải thiện, tỉnh cũng đang tập trung đầu tư nhiều dự án lớn, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển những năm tiếp theo.

Có thể kể đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng cho các khu công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội; quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 14 cụm công nghiệp ở các huyện, thành phố; hỗ trợ tích cực các nhà đầu tư triển khai các dự án thủy điện Đại Ninh, Đạ Mri, Đồng Nai 3 và 4, các dự án thủy điện vừa và nhỏ, tổ hợp khai thác và chế biến quặng bauxite Tân Rai, các dự án sản xuất phân bón, chế biến nông sản. Bên cạnh nhiều dự án về du lịch đã đi vào hoạt động, nhiều dự án quy mô lớn đang từng bước triển khai như: khu du lịch hồ Tuyền Lâm, hồ Đại Ninh, Dankia - Suối Vàng…

Phải nói rằng, Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế so sánh về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, rừng, khoáng sản, công nghiệp chế biến nông sản.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư và đẩy mạnh cải cách hành chính nên Lâm Đồng đang là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về số lượng dự án cũng như nguồn vốn đăng ký đầu tư. Theo UBND tỉnh, hiện số dự án thu hút đầu tư từ nguồn vốn trong nước còn hiệu lực ở Lâm Đồng là 748 dự án với tổng vốn đăng ký là 120.360 tỷ đồng. Cùng đó, nguồn vốn đầu tư nước còn hiệu lực cũng tương đối cao, 119 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 507,3 triệu đô la. Các lĩnh vực thu hút sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư vào Lâm Đồng là chế biến nông sản chất lượng cao và kinh doanh dịch vụ du lịch…        

Để tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai, để biến những “mảnh vá” từ sự phát triển dân cư không đúng hướng, phá vỡ quy hoạch thành những công trình dân sinh quan trọng và những dự án lớn, tỉnh đã phải kiên quyết trong việc giải tỏa, phát triển những khu dân cư mới. Điều này đã mất nhiều thời gian và sức lực của cả bộ máy, bởi không phải lúc nào, không phải ở đâu cũng hoàn toàn đồng thuận. Quan điểm của tỉnh là kiên quyết nhưng phải hợp tình, hợp lý, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng giải tỏa. Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Phong Tranh nói, “Người dân sẵn sàng ủng hộ chủ trương đúng đắn của đảng và chính quyền, nhưng muốn họ đồng thuận thì chúng ta phải biết đặt mình trong hoàn cảnh của họ để xử lý công việc”. 

CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM

Ở Lâm Đồng hôm nay không còn nhiều vùng sâu, vùng xa, bởi hệ thống giao thông đã kết nối rộng khắp, và những kết cấu hạ tầng cơ bản khác như điện, trường học, các cơ sở y tế, hệ thống phát thanh - truyền hình và các hạ tầng dân sinh khác đã có mặt trên tất cả các thôn, buôn. Trên vùng đất miền cao nguyên gian khó một thời ấy, hôm nay đã có những tỷ phú trưởng thành từ chân đất. Nếu khách có dịp ghé về Tân Châu, một buôn làng Kơ Ho ở huyện Di Linh, sẽ được gặp những người đồng bào dân tộc thiểu số chất phát, giản dị mà gia sản của mỗi người trong số họ đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Những tòa biệt thự khang trang, máy móc, nông cụ hiện đại mà họ có được là nhờ hoa lợi từ hàng chục héc ta cà phê cho thu nhập hằng năm.

Hay có dịp bạn đến vùng Bảo Lộc, Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà…cũng vậy. Đồng bào Cơ Ho, Chu Ru, Châu Mạ không chỉ hầu hết đã vượt qua cái nghèo, cái đói mà đã xuất hiện rất nhiều những tấm gương sản xuất - kinh doanh giỏi. Người dân tộc thiểu số đã biết làm du lịch văn hóa và sinh thái, trồng chè, cà phê, canh tác rau, hoa chất lượng cao, nuôi cá nước lạnh làm giàu… 

Đời sống cư dân đã có nhiều cải thiện, bộ mặt kinh tế - xã hội đã có nhiều khởi sắc, nhưng Lâm Đồng muốn tạo nên những bứt phá, tăng tốc phát triển và phát triển một cách bền vững thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Kết luận của Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ đã chỉ đạo rõ: “Cần có bước đột phá mạnh mẽ để chuyển biến tình hình, làm cho tỉnh phát triển nhanh và hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ tới để góp phần quan trọng biến Tây Nguyên sớm trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.”

Trước nhiệm vụ nặng nề đó, đại hội đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ sắp tới đã phác thảo ra 8 định hướng chính và hệ thống các giải pháp thực hiện. Trong đó, tỉnh lựa chọn 5 khâu đột phá quan trọng, đó là: Ưu tiên mọi nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao với năng suất, chất lượng, hạ giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Phát triển du lịch chất lượng cao, tạo sự đồng bộ trong kinh doanh dịch vụ du lịch, xây dựng địa phương thành điểm đến hấp dẫn và mang lại giá trị kinh tế - xã hội cao. Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cả cho đội ngũ hoạt động kinh tế - xã hội và bộ máy quản lý nhà nước. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông sản và khai thác, chế bến khoáng sản…
                                                                * * *
Nhắc đến Lâm Đồng hôm nay, bạn bè phương xa đã biết đến một thành phố du lịch, một vùng chuyên canh rau và hoa Đà Lạt nổi tiếng, một đô thị Bảo Lộc trẻ trung - “thủ đô chè” của cả nước, những vùng cà phê ngút ngàn như Di Linh, Lâm Hà. Đó còn là một Bảo Lâm xa xôi trở thành khu công nghiệp khai thác và chế biến bauxite lớn nhất nước; một Đơn Dương thuần nông trở thành nơi hội tụ của hàng chục nhà đầu tư đến khai thác đất đai, nhân lực, xây dựng nhà máy chế biến nông sản; một Đức Trọng năng động, trở thành đầu mối phát triển, động lực của các huyện vùng ven Đà Lạt. Đó còn là Đam Rông, một trong 64 huyện nghèo nhất nước đang được trung ương và tỉnh tập trung đầu tư để cải thiện hạ tầng và nâng cao đời sống nhân dân…

Đó là những gương mặt sáng, những tín hiệu lạc quan cho tương lai. Nhưng để phát triển tương xứng với tiềm năng, với sự kỳ vọng lớn lao thì như thế chưa đủ. Muốn Lâm Đồng trở thành một trong những tỉnh hạt nhân quan trọng, góp phần đưa Tây Nguyên trở thành vùng vùng kinh tế - xã hội động lực của cả nước thì còn cần đến sự nỗ lực, phấn đấu cao hơn, trong đó có sự lãnh đạo sáng suốt của cấp ủy đảng, có sự điều hành khoa học của bộ mày chính quyền và sự nỗ lực của toàn thể nhân dân đang làm ăn, sinh sống trên mảnh đất nam Tây Nguyên này.

Uông Thái Biểu

Đọc thêm