Ấn tượng Thanh Hoá

(PLVN) -Thanh Hoá đang nổi lên là tỉnh có chỉ số phát triển Kinh tế - Xã hội hàng đầu của khu vực Bắc trung bộ, là cực tăng trưởng vệ tinh mới trong tứ giác, Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Thanh Hoá.

Những con số biết nói

Giai đoạn 2015 - 2020, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 

Trong 5 năm qua, Thanh Hóa đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển (tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,5%, gấp 1,54 lần so với giai đoạn 2011-2015. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 gấp 2,75 lần năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 gấp 1,9 lần năm 2015); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; sắc thái, diện mạo của tỉnh có nhiều đổi thay tích cực.

Thành phố Thanh Hoá ngày càng hiện đại, văn minh.
 Thành phố Thanh Hoá ngày càng hiện đại, văn minh.

Trong lĩnh vực kinh tế, năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức cao nhất từ trước đến nay; nhiều chỉ tiêu về kinh tế tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 1,92%; công nghiệp – xây dựng tăng 21,87%; dịch vụ tăng 7,71% và thuế sản phẩm tăng 61,26%. Về sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao; giá trị sản xuất ước đạt 126.072 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ và hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng đều có sản lượng tăng.

Các ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, một số ngành có nhiều khởi sắc; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 108.643 tỷ đồng, vượt 3,5% kế hoạch, tăng 15,2% so với cùng kỳ; giá cả hàng hóa, dịch vụ cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,1%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,72 tỷ USD, vượt 24% kế hoạch, tăng 27,6% so với cùng kỳ; một số mặt hàng xuất khẩu chính cũng tăng cao. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,93 tỷ USD.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - mũi nhọn phát triển công nghiệp của tỉnh Thanh Hoá.
 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - mũi nhọn phát triển công nghiệp của tỉnh Thanh Hoá.

Năm 2020, quy mô của nền kinh tế Thanh Hoá lớn hơn gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước; thu ngân sách tăng đột phá và khá bền vững, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước; từng bước trở thành một cực tăng trường mới của vùng và cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, gấp 3,3 lần năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, nhất là ở các huyện miền núi. Hơn 60.000 lao động được giải quyết việc làm trung bình mỗi năm. 

Như vậy, sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thế và lực của Thanh Hoá đã lớn mạnh hơn, diện mạo của tỉnh đã thay đổi toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào. Từ một tỉnh nghèo nàn, do ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành tỉnh có sự phát triển ấn tượng trong cả nước.

Bước ngoặt trên con đường chinh phục khát vọng thịnh vượng

Thanh Hóa quyết tâm đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm thực hiện thắng lợi "khát vọng thịnh vượng" và trở thành tỉnh "kiểu mẫu" mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

Trên công cuộc xây dựng và phát triển trong thời kỳ mới, ngày 17/07/2020 tỉnh Thanh Hoá đã được Bộ Chính trị thông qua đề án: “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đồng ý ban hành nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một sự kiện quan trọng, một dấu mốc lịch sử đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá. 

Bộ Chính trị làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá về “Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Ảnh: BTH)
Bộ Chính trị làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá về  “Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Ảnh: BTH)

Tờ trình “Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ: Thanh Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng. Trong suốt quá trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, kinh tế, quân sự. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Thanh Hóa đều có những đóng góp rất lớn cho dân tộc và vinh dự được 4 lần đón Bác Hồ về thăm.

Trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, được sự quan tâm Trung ương cùng sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của cả tỉnh, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng mà tỉnh chưa bao giờ có được. Kinh tế tăng trưởng nhanh và đột phá, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Là một trong những tỉnh có số lượng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện cùng với cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước; tạo được sự đột phá trong thu hút vốn cho đầu tư phát triển, trong đó có vốn FDI, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước.

Thanh Hóa đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, kết nối các đô thị, các trung tâm kinh tế trong và ngoài tỉnh. Một số cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng được hình thành như cảng nước sâu Nghi Sơn, cảng hàng không Thọ Xuân...

Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được tăng cường; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Hợp tác quốc tế và liên kết vùng từng bước được thúc đẩy với một số kết quả tích cực ban đầu; thực hiện tốt công tác ngoại giao và hữu nghị với các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Lào.

Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; ngành y tế có bước phát triển mạnh.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tể - xã hội phát triển; biên giới và hải đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, đạt nhiều kết quả; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ đảng, chính quyền được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có sự đổi mới thiết thực, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa thời gian đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, phục thuộc nhiều vào tăng các yếu tố đầu vào. Còn có dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường; phát triển của ngành dịch vụ chưa đa dạng, chất lượng và giá trị gia tăng chưa cao; tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm.

Hệ thống đô thị phát triển chưa nhanh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng các huyện miền núi, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hoạt động đối ngoại, hợp tác liên vùng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế.

Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Văn hóa - xã hội phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền; khoảng cách phát triển có xu hướng gia tăng.

Bộ Chính trị và tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá (Ảnh: BTH)
 Bộ Chính trị và tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá (Ảnh: BTH)

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn cuả vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao, các giá trị di sản văn hóa và lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc; các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Để làm được điều đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên Thanh Hoá quyết tâm cao, trách nhiệm lớn, có sự trăn trở tìm tòi để xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo ra được động lực cho sự phát triển. Cấp ủy, chính quyền cần nêu cao tinh thần đoàn kết vì mục tiêu xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày một phát triển.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ, Thanh Hoá phải trở thành tỉnh kiểu mẫu nếu quyết tâm làm nhất định được, vì Thanh Hoá có rừng, có biển, có đồng bằng, có thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, lại là tỉnh lớn, địa bàn rất rộng, rất giàu tiềm năng, con người chịu thương, chịu khó, truyền thống oanh liệt, vẻ vang. Đây chính là vốn quý, là tiềm năng, là tiềm lực vô cùng lớn để Thanh Hóa nỗ lực quyết tâm không cam chịu đói nghèo, không cam chịu thua kém.

Đọc thêm