Án tuyên sai, không phải tòa cứ… giải thích là xong

Án tuyên không rõ ràng, có sai sót… nhiều người cứ ngỡ đơn giản rằng chỉ cần một văn bản giải thích của Tòa là xong. Tuy nhiên, thực tế nhiều vụ Tòa giải thích lên, xuống vẫn không thi hành được. Bởi, Tòa án chỉ có thể “đính chính” các lỗi về kỹ thuật chứ không thể làm thay đổi nội dung bản án.

[links()]Án tuyên không rõ ràng, có sai sót… nhiều người cứ ngỡ đơn giản rằng chỉ cần một văn bản giải thích của Tòa là xong. Tuy nhiên, thực tế nhiều vụ Tòa giải thích lên, xuống vẫn không thi hành được. Bởi, Tòa án chỉ có thể “đính chính” các lỗi về kỹ thuật chứ không thể làm thay đổi nội dung bản án.

Ảnh minh họa

“Im lặng” là vàng?

Một buổi đi xác minh THA ở quận H. Hà Nội, người phải THA là một đối tượng nghiện ma túy, vừa chấp hành xong hình phạt tù ở một trại giam trong thành phố. Tuy nhiên, khi THA đến nơi, tổ trưởng tổ dân phố và chính quyền địa phương cho biết, ở đây không có ai có tên như trong bản án, mà chỉ có một đối tượng vừa thụ án giết người nhưng đã bỏ đi biệt xứ, đến nay không biết ở đâu.

Trường hợp bản án tuyên đối tượng A, đối tượng X phải thi hành án nhưng thực tế tại địa phương không có những đối tượng như vậy, hoặc bản án tuyên tại hiện trường đó có bức tường bao, có ngôi nhà đó, hàng cây đó…nhưng khi đến nơi THA mỏi mắt không thấy những vật đó đâu. Có lẽ, đó là những “chuyện thường ngày ở huyện”.

Khi gặp những bản án, quyết định có “vấn đề”, về nguyên tắc THA sẽ làm công văn hỏi. Tuy nhiên không phải vụ nào cũng được trả lời, hoặc có trả lời thì mất nhiều tháng, thậm chí cả năm. Theo phản ánh của Cục THA Hà Nội: một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ nên khó thi hành, có vụ việc phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án, nhiều vụ việc có Công văn yêu cầu Tòa án đính chính, sửa chữa, bổ sung bản án nhưng việc trả lời của Tòa còn chậm gây khó khăn, kéo dài việc thi hành án.

Cá biệt có trường hợp Tòa không trả lời làm ảnh hưởng đến hoạt động THA và quyền lợi của các đương sự. Không những thế, có những vụ Tòa trả lời lại ...sai bét khiến các bên đương sự bức xúc. Điển hình như vụ chia tài sản chung tại 46 N.T, quận H.K, HN.

Tòa phúc thẩm TANDTC đã ra văn bản giải thích bản án như một quyết định giám đốc thẩm có nội dung trái hoàn toàn với quyết định của bản án, không phù hợp với BLTTDS, Luật THADS, Luật Đất đai gây khó khăn cho việc THA, cho đương sự. Khi cơ quan THA có nhiều văn bản đề nghị thu hồi văn bản giải thích trái quy định thì Tòa chọn cách ...im lặng.

Cũng theo quy định của pháp luật, trong quá trình THA, nếu phát hiện bản án của Tòa vi phạm pháp luật, cơ quan THA có thể làm văn bản kiến nghị xem xét lại bản án theo trình tự luật định tuy nhiên, có nhiều văn bản đề nghị của THA cũng không được người có thẩm quyền xem xét và trả lời.

Giải thích không được, xem lại bản án cũng không, những vụ việc tương tự khiến lượng án tồn ngày một dày lên. Đó là chưa kể, có những vụ, THA đã cho hoãn theo “lệnh” của cơ quan có thẩm quyền hoãn nhưng sau thời hạn hoãn, cơ quan này không có trả lời có kháng nghị hay không, đến khi đưa án ra thi hành thì mới kháng nghị, làm cho THA mất nhiều công sức, còn đương sự thì khiếu nại triền miên.

Nâng cao trách nhiệm của thẩm phán

Dù hai ngành Toà án – Tư pháp đã có những phối hợp trong việc hạn chế tình trạng án tuyên không rõ nhưng ước tính mỗi năm vẫn còn trên dưới 1 ngàn trường hợp án tuyên không rõ, thiếu tính khả thi . Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là năng lực, trình độ, trách nhiệm với công việc của một số thẩm phán chưa cao.

Nếu giải quyết được khâu này chắc chắn sẽ đỡ khó khăn cho công tác THA. Trong đó, điều quan trọng là thẩm phán khi tuyên án cần nắm bắt đúng thực tế hiện trường, nghiên cứu kỹ hồ sơ, phối hợp tốt với chính quyền địa phương để những phán quyết của họ được thi hành trên thực tế.

Theo Viện Khoa học xét xử TANDTC giải pháp trước mắt là tăng cường kiểm tra, rà soát, phân loại, thống kê đối với các bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực những chưa được thi hành theo hướng, đối với những bản án, quyết định tuyên không rõ ràng, không có khả năng thi hành, phải báo cáo người có thẩm quyền tìm giải pháp khắc phục.

Trường hợp không thể khắc phục được cần kiến nghị với người có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm để giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những bản án, quyết định tuyên chưa rõ, nhưng có thể đính chính, sửa chữa, giải thích được theo quy định của pháp luật thì Tòa án có thẩm quyền kịp thời có văn bản đính chính, sửa chữa, giải thích để thi hành.

Ngành Tòa án cũng tỏ rõ quan điểm kiên quyết sẽ xem xét trách nhiệm đối với thẩm phán có bản án, quyết định tuyên không rõ một cách nghiêm túc, trường hợp nghiêm trọng đến mức phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để giải quyết lại vụ án thì Thẩm phán phải làm bản kiểm điểm xác định mức độ lỗi và hình thức kỷ luật.

Trường hợp chưa đến mức phải kỷ luật thì phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và bị xem xét để ‘đánh” vào chỉ tiêu thi đua. Hy vọng những biện pháp mạnh sẽ làm cải thiện rõ rệt thực trạng những bản án tuyên kiểu “trên trời”.

Nga Minh

Đọc thêm