Ẩn ý thâm sâu trong vở kịch kinh điển “Herostratus - Vụ án người đốt đền”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với lời thoại đầy thâm sâu như cảnh tỉnh, phê phán, vở kịch kinh điển “Herostratus - Vụ án người đốt đền” truy vấn lại câu chuyện của tên tội phạm đã đi vào lịch sử con người để cùng suy ngẫm những vấn đề của thời đại hôm nay.
Cảnh trong vở diễn “Herostratus - Vụ án người đốt đền”
Cảnh trong vở diễn “Herostratus - Vụ án người đốt đền”

Một đêm hè của năm 356 trước CN, một sự kiện đã gây chấn động Hy Lạp cổ đại: Một ngọn lửa bất ngờ bùng lên ở đền Artemis, bắt đầu là những đồ cúng tế và bức màn che trước tượng thần, ngọn lửa sau đó lan đến các cửa ra vào bằng gỗ tẩm dầu, rồi táp lên mái nhà. Trong chốc lát, ngôi điện thờ duy nhất nằm trong 7 kỳ quan của cổ đại đã trở thành những đống đổ nát, khói lửa mịt mù, dưới bầu trời đen tối chỉ còn thấy nhô lên hình bóng những chiếc cột đá cẩm thạch. Sau vụ cháy lịch sử này, các nhà chức trách đã điều tra nguyên nhân và ngay lập tức xác định ra thủ phạm là một cái tên mãi mãi được lưu truyền về sau với biệt danh "kẻ đốt đền” - Herostratus.

Vụ án Herostratus được nhà soạn kịch người Nga gốc Do Thái Grigory Gorin (1940 – 2000) viết năm 1972 về câu chuyện có thật của tên tội phạm Herostratus đã đốt đền thờ của nữ thần Artemis ở thành bang Ephesus từ thời cổ đại Hy Lạp cách đây gần 2500 năm, với dục vọng muốn tên tuổi của mình được muôn đời hậu thế biết đến. Từ đó đến nay, trong kho tàng nghệ thuật của thế giới, hành động đốt đền của Herostrastus đã được án danh cho những kẻ cố tình phạm tội ác bằng mọi giá để có được danh tiếng. Vở kịch đánh giá là một trong 100 vở kịch hay nhất mọi thời đại.

Nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021) và 50 năm kịch bản văn học Herostratus (1972-2022), Sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc vừa công chiếu vở kịch kinh điển “Herostratus - Vụ án người đốt đền”. Vở kịch do Lê Quý Dương đạo diễn và phóng tác kịch bản theo bản dịch của Kim Ngọc.

Một bà vợ nguyên soái giàu có và quyền lực mà vẫn thèm muốn sự nổi tiếng, sẵn sàng "tình một đêm" với kẻ đốt đền chỉ vì... muốn lịch sử lưu danh.

Một bà vợ nguyên soái giàu có và quyền lực mà vẫn thèm muốn sự nổi tiếng, sẵn sàng "tình một đêm" với kẻ đốt đền chỉ vì... muốn lịch sử lưu danh.

Khi tấm màn nhung mở ra, sân khấu đơn giản tới không ngờ - chỉ 20 viên chiếc hộp tựa như những viên đá cẩm thạch tạo nên ngôi đền Artemis cùng với sự kết hợp ánh sáng, đạo diễn Lê Quý Dương đã tái hiện hiện thực hoang tàn của một kỳ quan thiên nhiên bị tạo ra bởi dục vọng muốn được lưu danh tên tuổi bằng mọi giá của kẻ đốt đền Herostratus.

Câu chuyện kịch dần được hé mở bởi NSƯT Lê Chức trong vai Người nhà hát qua đó như một sợi chỉ liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Đó là màn đối thoại giữa nguyên bố vợ cho vay nặng lãi và nguyên con rể - kẻ đốt đền cho thấy sự tha hóa đạo đức một cách đáng sợ. Người từng là bố vợ đã chẳng còn mảy may đến việc con rể cũ của mình ngày mai sẽ bị hành hình mà sẵn sàng lao vào ngã giá để được tấm hồi ký viết tay của "kẻ đốt đền" - ngay mai bán ra sẽ thu được rất rất nhiều tiền.

Một bà vợ nguyên soái giàu có và quyền lực mà vẫn thèm muốn sự nổi tiếng, sẵn sàng "tình một đêm" với kẻ đốt đền chỉ vì... muốn nổi tiếng và được lịch sử lưu danh, được người đời ca tụng vì có một người yêu mình mà sẵn sàng chết vì tình yêu. Một người chồng là nguyên soái "tiền đè chết người" nhưng vẫn câu kết với kẻ cho vay nặng lãi, ngậm đắng nuốt cay dù biết vợ mình đã ngủ với kẻ đốt đền chỉ mong kiếm tiền trong êm đẹp.

Hành động của Herostratos trở thành vấn nạn trong tư tưởng con người.

Hành động của Herostratos trở thành vấn nạn trong tư tưởng con người.

Từng màn thoại kịch thâm sâu như cảnh tỉnh, phê phán và rất thời sự khiến người xem bị cuốn hút. “Này con người xa lạ của thế kỷ XXI. Ông lấy tư cách gì để kết án tôi? Hãy nhìn lại chính thời đại của ông đi! Có biết bao nhiêu tên tội phạm đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật ? Những kẻ đang phá hoại môi trường, đang làm giàu trên sức lao động của trẻ em, đang mua quan bán chức, ức hiếp dân lành, lạm dụng quyền lực để thao túng! Trên khắp trái đất này còn đày rẫy những kẻ miệng nói hoà bình nhưng suy tính để kich động chiến tranh, rồi có những kẻ hô hào bình đẳng bác ái nhưng ruột gan bầm tím lòng hận thù sắc tộc! Tôi dứng đây giữa năm 356 trước Công nguyên nhìn về tương lai cũng thấy rõ mồn một lũ tội phạm của thời đại mà ông đang sống! Thôi hãy trở về thời đại của ông đi!”

Đạo diễn Lê Quý Dương - vừa nhận giải Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021- dàn dựng “Vụ án người đốt đền”. Lê Quý Dương phóng tác phiên bản Việt “Vụ án người đốt đền” dựa trên nguyên tác của tác giả Grigori Gorin. Kịch bản gốc dài 150 trang, vở diễn có thể lên tới hơn 3 tiếng nếu dàn dựng đầy đủ, tuy nhiên đạo diễn Lê Quý Dương sẽ tiết chế trong phiên bản phóng tác trên sân khấu Việt, phù hợp với thói quen xem của khán giả hiện nay.

Đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng khi cảm tác từ tác phẩm nguyên gốc, vở diễn phải mang hơi thở thời đại. Anh cho rằng vấn đề Herostratos đặt ra không nhỏ. Hành động của Herostratos trở thành vấn nạn trong tư tưởng con người, có sức ảnh hưởng lớn trong nhiều mặt của đời sống cho nên vở diễn vẫn có tính thời sự và có thể thu hút khán giả.

Tham gia chuyển tải một vở diễn giàu sức nặng về nội dung, bên cạnh diễn xuất của nghệ sĩ Văn Hải (vai Herostratus), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lệ Ngọc (vai Klementin - vợ nguyên soái) và các diễn viên trẻ của Sân khấu Lệ Ngọc, “Vụ án người đốt đền” còn có sự góp mặt đặc biệt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi thuộc nhiều loại hình nghệ thuật, tiêu biểu như: Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lê Chức (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, vai Người Nhà hát), NSND Nguyễn Tiến Dũng (Giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam, vai Tixaphec - Nguyên soái Êphétx); NSND Thúy Ngần, người cống hiến cả đời cho nghệ thuật chèo truyền thống (vai Nữ tư tế đền thờ Artemis), NSƯT Hoàng Tùng (nguyên Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Cải lương Việt Nam, vai người cho vay lãi)… Điều này đã mang đến nhiều sắc thái cũng như sức hấp dẫn về diễn xuất cho vở diễn.

Đọc thêm