Tôi không rành rẽ văn chương nhưng lại rất mê anh bạn nhà văn. Anh có một cái tài đặc biệt, ấy là sau vài chén rượu có thể kể vanh vách một câu chuyện cực kỳ hấp dẫn. Cái ông đọc truyện đêm khuya trên đài còn phải nhìn vào văn bản, chứ anh chẳng cần thứ gì trước mặt, cứ thế diễn trơn tru một mạch, có lúc đóng hai ba vai, thay đổi từ giọng ông già thèm thuốc, đứa trẻ nít đòi mẹ cho đến chị phụ nữ đang có bầu bảy tháng. Có lần sau khi anh kể xong một câu chuyện với nhiều tình tiết rất gay cấn khiến tôi như vừa được ngồi trong rạp xem một bộ phim hành động nghẹt thở, tôi khoái chí quá mới nài nỉ. "Ông phải tặng tôi cái truyện này có chữ ký hẳn hoi". Anh ngẩn người ra: "Cái này tao đã in đâu" - "Thì tặng tôi bản thảo có chữ ký cũng được”.
“Tôi muốn cho cô nàng khó tính của tôi xem" - "Cũng chưa có bản thảo" - "Thế nghĩa là thế nào", tôi phát cáu: "Ông thai nghén ý tưởng từ bao giờ mà vẫn chưa thèm viết" - "Mới đây thôi" - "Mới đây? Là lúc nào" - "Từ lúc mình nhắm hết hai con chim bồ câu này". Tôi tá hỏa, hóa ra từ trước đến nay những tác phẩm kỳ tài đều được anh bạn tôi ứng tác tức thì sau vài món nhắm. Thế là đã quen lệ, cứ sau một cút rượu là tôi đề nghị anh bắt đầu chương trình "kể chuyện... ban ngày". Thậm chí, tôi có thể đề xuất chủ đề, thể loại và mẫu nhân vật của câu chuyện, đôi lúc phởn chí còn kiêm luôn cả một vai trong đó. Rồi dần dần tôi phát hiện ra rằng, các yếu tố ngoại cảnh cũng ảnh hưởng đến tác phẩm của anh rất nhiều.
Ví dụ như đang kể đến đoạn đầu, chợt thấy một cô gái xinh đẹp mặc áo hồng đi ngang qua cửa sổ liền được anh vận luôn vào nhân vật nữ chính trong chuyện với các nét mắt, mũi, mồm đặc tả hệt cô bé kia hay một thằng cha thô thiển bàn bên cứ ông ổng các chiến tích tình trường quanh hũ rượu liền bị gán ngay cái đầu hói vào nhân vật phản diện. Nhưng dạo này anh ít viết, hay chính xác hơn là ít tham gia vào chương trình kể chuyện, vì mắc căn bệnh đau dạ dày. Bệnh này phải kiêng cữ đủ thứ, đương nhiên kiêng luôn cả món yêu quý nhất đi kèm với đùi chim bồ câu. Càng ngày càng lấn sâu vào cái nghiệp "nghe văn", tôi mới ngộ ra rằng các nhà văn phàm đã bị ám ảnh bởi cái gì thường tống khứ cái đó cho nhân vật.
Vì vậy, anh bạn tôi thường xuyên cho nhân vật bị đau dạ dày, đau đến lên bờ xuống ruộng, đau đến phát ói ra mật xanh mật vàng, đau đến nỗi nhìn thấy quả bom sex Pamela Anderson cũng xem như cây cột điện hay có nghe tin sao Chổi sắp sà xuống Việt Nam thì cũng bằng Manchester United vừa sút tung lưới đội nhà. Thế rồi bẵng đi mấy tháng không gặp, đột nhiên anh gọi điện cho tôi "Cái chuyện tôi kể hôm con bé áo hồng đi qua có nhớ không?" - "Rồi, sao nữa?" - "Nó đã được dựng thành phim và có khả năng giành được 5 đề cử giải thưởng điện ảnh. Thứ bảy này tôi mời ông đi xem nhé".
Nhờ có đôi vé của anh bạn vàng, tôi tranh thủ mời nàng đi xem buổi công chiếu đầu tiên. Cũng là có ý cả. Chả là thế này, tôi vốn rất giỏi trong việc vẽ các đồ án, đồ thị cho những công trình kiến trúc tương lai nhưng còn về đồ án không dùng giấy bút cho một gia đình nho nhỏ thì tôi tịt mít. Nàng xinh xắn, nết na, mỏng manh như pha lê Tiệp, chỉ chực đụng vào là vỡ tan tành. Thế nên tôi không dám đụng. Cứ hễ lần nào anh bạn nhà văn kiểm tra kiến thức, kỹ năng, thái độ là tôi lại đần mặt ra như trẻ con mẫu giáo quên không đóng bỉm. Mỗi lần như thế anh lại lắc đầu: "Ông nên tham gia một lớp tập huấn ngắn hạn". Thành thử nhiều lúc tôi đâm ra oán nàng.
Theo như lời anh bạn tôi thì trải qua một quá trình tiến hóa dài dằng dặc, con người ta ngày càng văn minh. Nếu ngày xưa anh con trai ngồi chỗ nào rồi mà lại đứng lên thì cô gái có ngồi xuống cũng phải xích ra một khoảng bên cạnh chứ không được ngồi đúng chỗ anh ta vừa ngồi. Như vậy là để thụ thụ bất thân tuyệt đối. "Còn ngày nay...", anh phẩy tay ra điều chuyện nhỏ như cây kim sợi chỉ. Thế nhưng nàng của tôi vẫn rất tuân thủ nguyên tắc của các cụ. Quen nhau đã hơn một năm nhưng mỗi lần ngồi quán cà phê, nàng thường xăm xăm ngồi xuống trước, rồi xếp túi xách, giấy tờ sang hai ghế bên cạnh như xây thành lũy. Thành ra tôi không còn cách nào khác đành chọn chiếc ghế cuối cùng, xa tít mù khơi, như để mặc định dành riêng cho tôi.
Cái sự mời nàng đi xem hôm nay thực là có ý nghĩa. Là bởi vì tôi đã thuộc lòng câu chuyện phim đó rồi. Chuyện nôm na thế này. Có một chàng trai (rất giống tôi) yêu một cô gái (rất giống nàng). Nhưng chàng lại bị một cô gái khác cũng đem lòng yêu. Chuyện tình tay ba bắt đầu, vô cùng hồi hộp và gay cấn. Cô gái kia tìm đủ mọi cách để hại người con gái mà chàng yêu. Chàng đã dũng cảm bảo vệ tình yêu đến cùng và kết thúc câu chuyện, rất tuyệt mỹ, hai người tay trong tay, trao cho nhau nụ hôn nồng cháy. Và đó chính là cái đoạn cần thiết nhất mà tôi muốn để nàng xem. Chuyện phim quả là hiệu quả, nàng cảm động khóc rưng rức, có lúc lại mím môi giận dữ khi cô nàng tình địch kia ra tay ám hại. Tôi liên tục kể trước các diễn biến của câu chuyện (dĩ nhiên là giấu nhẹm việc tôi quen biết tác giả).
Nàng ngạc nhiên "Sao anh biết?". Tôi ngẩng cao đầu: "Vì đó là logic của cuộc sống, là... là... những hữu hình trong tâm hồn con người ". Và mọi thứ mà tôi báo trước đều chính xác như thể sợi tóc của nàng kia nằm ở ô vải nào trên vai áo anh chàng tôi cũng đều biết hết khiến nàng mở to mắt ngạc nhiên: "Sao cái gì anh cũng nói đúng thế?". Tôi tủm tỉm cười: "Là vì anh cũng là một người đàn ông, anh biết những người đàn ông chân chính đều làm như thế". Đến đoạn cuối cùng, ly kỳ nhất, nhân vật phản diện, một cô nàng bốc lửa, điêu toa, tóc quăn tít thời thượng cài bẫy và gọi điện cho tình địch đến chứng kiến một cảnh tượng đặc biệt ở văn phòng anh chàng kia. Nàng quên mất các nguyên tắc, bíu lấy tay tôi (làm tôi đê mê trong hạnh phúc): "Cuối cùng thế nào hả anh?". Tôi vờ gắt khẽ, nói những câu đã định sẵn "Em cũng phải tự suy đoán đi chứ, thì nó mới hồi hộp. Đoạn này anh đoán ra rồi nhưng bí mật. Chỉ biết rằng anh hoàn toàn đồng ý với cái kết tuyệt vời này, tác giả kịch bản là một nhân vật siêu phàm, anh chắc chắn ông ta sẽ để nhân vật hành động như thế, anh cũng ủng hộ anh chàng kia làm như vậy. Có thế mới đáng mặt đàn ông, có thế mới là tình yêu trọn vẹn, có thế mới là người chân chính. Cả nhân vật nữ nữa. Cô ấy hành động rất nữ tính, rất bản năng, rất đáng hoan nghênh". Tôi nói một thôi một hồi như cổ vũ, như xổ tung những ấm ức khó nói từ bấy lâu nay. "Vậy à?", những gì tôi bình luận càng làm nàng hồi hộp. Mắt nàng mở to dán vào màn ảnh. Tôi cũng hồi hộp không kém, kịch bản tối hôm nay của tôi thật là thành công, hiệu ứng văn học và điện ảnh quả là mầu nhiệm thấy rõ.
Đúng như những gì tôi hình dung, khi anh bạn nhà văn đặc tả không khí căn phòng lúc nhắm xong cái đùi chim câu cuối cùng. Nhân vật nữ chính ghé mắt vào kẽ hở của cánh cửa. Ống kính lia vào bên trong từ từ, chậm rãi theo một cách hơi kinh dị, lại cũng rất lãng mạn. Đầu tiên là chiếc tủ đựng công văn màu ghi xám, chiếc bàn làm việc có lọ hoa hồng tỉ muội, rồi đến khung cửa sổ mở ra cả một khoảng trời đêm xào xạc bóng lá luồn qua ánh trăng, chiếc rèm cửa lay động dịu nhẹ theo ngọn gió thu. Rồi bóng chàng đứng trầm tư, lặng lẽ chờ đợi bên cửa sổ. Nàng sẽ ùa vào. Chàng dang tay chờ đón. Họ sẽ quyện vào nhau và nụ hôn sẽ thật nồng nàn dưới bầu trời đêm tình tứ. Bàn tay tôi cũng đã xòe rộng sẵn sàng, chỉ còn vài giây nữa thôi, đến đúng cảnh đó, khi mà nàng của tôi vẫn còn đang xúc động với những gì trên màn ảnh, tôi sẽ nắm lấy bàn tay mềm mại của nàng mà hơn 300 ngày nay tôi ao ước.
Chắc chắn nàng sẽ không còn đỏ mặt tía tai như mọi bận nữa. Nhưng… gì thế kia? Chẳng thấy nụ hôn nào tình tứ với bóng trăng hay gió thu. Ống kính máy quay lia đến chiếc ghế salon. Anh chàng nhân vật chính mình trần nhồng nhộng đang hì hục vật lộn với cô nàng phản diện bốc lửa. Cô ta rên lên những âm thanh ư ử sung sướng, vừa để thỏa mãn khoái cảm, vừa thỏa mãn niềm vui chiến thắng tình địch, ngoài ra còn bổ sung thêm tiếng huỳnh huỵch từ chiếc salon bọc da hiện đại. Nàng hét lên một tiếng thất thanh, còn tôi cũng hét lên kinh hoàng không kém. Cả rạp đứng bật dậy nhìn chúng tôi. Khuôn mặt nàng lộ rõ vẻ thù địch như thể đúng trăm phần trăm tôi là cái gã mượn gió bẻ măng kia còn nàng đang thui thủi đứng nhìn trộm ngoài khe cửa. "Giờ thì tôi đã biết bộ mặt thật của anh rồi. Nào thì đàn ông chân chính, nào thì nữ tính, nào thì bản năng...".
Ngay sáng sớm hôm sau, tôi tìm đến anh bạn quý hóa, nguồn cơn của mọi sự rắc rối để trút hết nỗi căm hờn: "Sao ông dám thay đổi kịch bản. Ông cậy ông là nhà văn thì muốn yêu là yêu, muốn bỏ là bỏ hử, hử?". Anh bạn tôi ngơ ngác, gãi đầu gãi tai: "Tại vì đến khi quay cảnh cuối, con bé diễn viên chính nó bụng bầu to tướng mà ông đạo diễn bảo rằng đây là cảnh đắt nhất, cần quay cho thật gợi cảm. Lẽ ra hai nhân vật chính đứng dưới ánh trăng. Anh con trai đặt tay lên eo cô gái nhưng bụng nó to thế. Đành phải sửa kịch bản". Tôi rên lên: "Ôi thôi, thế là ông hại tôi rồi". Anh ta ngạc nhiên mới hỏi làm sao. Sau khi nghe kể lể sự tình, anh cười rũ rượi: "Ông dốt lắm, thôi được rồi, cứ yên tâm mà về đi, chuyện đâu có đó".
Một tuần sau, đúng vào lúc tôi rơi vào nỗi tuyệt vọng tràn trề thì anh gọi điện. Anh đưa cho tôi một tờ báo mới tinh có in cái truyện được dựng thành phim nọ. Phần kết vẫn nguyên si như lúc đầu, thậm chí tác giả còn hào phóng thêm một đoạn nữa là chàng trai và cô gái lấy nhau, đẻ sòn sòn hai lượt, mà mỗi lượt lại sinh đôi, thành hai trai hai gái. Hai đứa con gái tả hao hao giống nàng, hai đứa con trai hao hao giống tôi. Tôi nửa mừng nửa lo mang đến cho nàng xem, nhưng chỉ tiết lộ bí mật có một nửa: "Ngay sau hôm đó anh tức quá đến tìm gặp trực tiếp ông tác giả kịch bản, hỏi xem tại sao lại cho cái kết vô lý thế. Ông ta nhận lỗi rằng việc thay đổi là do đạo diễn còn kỳ thực câu chuyện là như thế này".
Bây giờ tôi và nàng đã thành một gia đình. Chúng tôi cũng sinh được hai lượt nhưng may mắn không phải sinh đôi như trong truyện. Anh bạn nhà văn giờ đã trở thành khách quý trong gia đình. Sau vài lần căn bệnh dạ dày tái phát đi tái phát lại vì những đận uống mừng khỏi bệnh và sau những lời khuyên can của bạn bè, anh đã cam lòng bỏ rượu. Có lần chúng tôi mời anh đến nhà ăn tối. Trong khi ngồi chờ nấu nướng, anh kể chuyện cho hai đứa nhỏ của tôi nghe. Đúng lúc đó, vợ tôi mang chai rượu có người vừa biếu lên phòng khách. Đứa con gái nhỏ giục giã: "Rồi sao nữa hả bác? Bác kể tiếp đi, cô bé quàng khăn đỏ mang gì đến biếu bà?". Vợ tôi, rất kiên quyết, cho chai rượu vào trong tủ buffet và lạnh lùng... đóng tủ lại. "Rồi sao nữa ạ, bác kể nhanh lên?". Anh ngẩn mặt ra: "À... ừ thì... cô bé quàng khăn đỏ mang một giỏ bánh mì nóng rất là ngon và... ở dưới đáy giỏ còn có cả một chai rượu Vodka thật là ngon ngon ngon”.