Nhà lãnh đạo mới của Sở Cảnh sát London hôm 7/2 đã phát động một chiến dịch lớn chống các băng nhóm tội phạm đang hoành hành và lan rộng. Chính Thủ tướng David Cameron đã từng nêu rõ sự nhúng tay của chúng trong các vụ bạo động hồi mùa hè năm ngoái tại thủ đô của nước Anh.
|
Trụ sở của Sở Cảnh sát London. |
Hơn 1.300 cảnh sát đã thực hiện hơn 300 cuộc đột kích tại thủ đô London, nhắm tới hàng chục nghi phạm tấn công, ăn cắp và buôn lậu ma túy. 213 người đã bị bắt giữ; một “lượng lớn” côcain, chất cần sa được tịch thu cùng với 1 kg heroin và khoảng 34.000 bảng Anh (tương đương gần 54.000 USD) tiền mặt, Sở Cảnh sát London trong bản báo cáo mới nhất cho biết.
Chiến dịch được thực hiện theo yêu cầu của một đơn vị mới được thành lập để đấu tranh chống các băng nhóm tội phạm. 19 quận của thủ đô London liên quan nhiều nhất tới vấn đề này cũng sẽ có các lực lượng đặc biệt tại địa phương. Tất cả có tới khoảng 1.000 người được huy động tham gia chiến dịch.
“Đây là một bước tiến lớn trong cuộc đấu tranh chống các băng nhóm tội phạm”, cảnh sát trưởng Bernard Hogan-Howe hoan nghênh, đồng thời hứa tiến hành “một cuộc chiến tổng thể chống tội phạm” khi ông nắm cương vị chỉ huy một trong những lực lượng cảnh sát nổi tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên, ông Hogan-Howe khẳng định: “Chúng tôi không định tập trung vào các nhóm thanh niên lang thang, cũng như hình sự hóa cả một thế hệ”.
Theo Sở Cảnh sát London, khoảng 250 băng nhóm, trong đó 62 băng nhóm đặc biệt nguy hiểm đang hoạt động ở London. Chúng liên quan tới đường dây buôn bán ma túy và vũ khí hoặc chuyên gây ra các vụ bạo lực và cướp bóc.
Các băng nhóm này tập hợp tới 4.800 tên “dính líu đến khoảng 22% các vụ bạo lực nghiêm trọng, 17% các vụ ăn cắp, 50% các vụ án liên quan đến súng và 14% các vụ cướp bóc” tại thủ đô. Theo cảnh sát, đa số những nghi phạm này tuổi từ 18 đến 24, thậm chí có một số tên tuổi còn dưới 18.
|
Cảnh sát trưởng London Bernard Hogan-Howe. |
Hồi mùa hè năm ngoái, các nhà bảo thủ Anh đã nhiều lần cáo buộc các băng nhóm tội phạm gây ra các vụ cướp bóc và phá hủy tài sản trong các vụ bạo động chưa từng có kể từ 30 năm nay ở nhiều thành phố của nước Anh. Khi đó, David Cameron đã hứa tiến hành một “cuộc chiến tổng thể” chống các băng đảng và coi đây là “một ưu tiên mới của quốc gia”.
Cách tiếp cận mang tính ép buộc này đã nhận được sự hoài nghi của phe đối lập và các hiệp hội, dù nó đã kéo theo hơn 3.500 vụ bắt giữ và các bản án nặng đối với những người gây bạo động. Ngay cả Bộ trưởng Nội vụ Theresa May hồi tháng 9 đã thừa nhận rằng, “đa số những kẻ gây bạo động” dường như không thuộc các băng đảng tội phạm.
Trong bối cảnh chính trị đó, cảnh sát trưởng Hogan-Howe – người có tiếng là “chịu đựng giỏi” – đã xuất hiện như người hùng, sau sự từ chức của người tiền nhiệm vì những chỉ trích phản ứng kém trước bạo động.
Tuy nhiên, việc triển khai lực lượng trong chiến dịch quy mô lớn hôm 8/2 cũng gây nên một số phản ứng. “Không có phương thuốc thần kỳ nào” đối với vấn đề chống các băng nhóm tội phạm, một bình luận viên của BBC nhấn mạnh. “Đó là vấn đề rất phức tạp mà chỉ có thể giải quyết được bằng các chiến dịch của cảnh sát”.
T.T (Theo AFP, BBC)