Anh hùng bàn phím, họ là ai?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Anh hùng bàn phím là một lực lượng vô hình, nhưng có “quyền lực” không nhỏ trên mạng xã hội. Và cư dân mạng Việt Nam được đánh giá là một trong những nhóm “anh hùng bàn phím” có chỉ số thiếu chuẩn mực trong hành xử hàng đầu cõi mạng.

“Nỗi e sợ của các trọng tài quốc tế”

Người hâm mộ Việt và không ít quốc gia trên thế giới, khi nhắc đến lượng “fan cuồng” bóng đá của Việt Nam trên mạng xã hội thường bày tỏ sự e ngại bởi những hành xử quá khích của họ.

Tại nhiều trận đấu quốc tế, chỉ cần cảm thấy bất bình vì trọng tài, vì cầu thủ nước bạn, lập tức sẽ có hàng loạt fan hâm mộ cõi mạng săn lùng ra Facebook cầu thủ, trọng tài... để tấn công.

Vào tháng 6 vừa qua, sau trận Việt Nam - UAE, cho rằng đội tuyển Việt Nam đang bị đối xử bất công, các cổ động viên quá khích của Việt Nam đã tràn vào facebook cá nhân của ông Ali Sabah để bình luận những lời khó nghe, thậm chí vị trọng tài người Iraq còn bị dọa giết.

Trên trang cá nhân, ông Ali Sabah viết: “Tôi bị xúc phạm bởi những bình luận của người hâm mộ Việt Nam. Tôi chịu trách nhiệm trước luật pháp, nhưng không hiểu vì lý do gì họ chửi bới và xúc phạm tôi, thậm chí họ còn đòi giết tôi. Tôi cần cơ quan pháp luật giúp giải quyết việc này”.

Trọng tài Ali Sabah từng là nạn nhân trước sự tấn công trên mạng của cổ động viên quá khích người Việt.

Trọng tài Ali Sabah từng là nạn nhân trước sự tấn công trên mạng của cổ động viên quá khích người Việt.

Trước ông Ali Sabah, trọng tài Ahmad Alali (Kuwait), người điều khiến trận Việt Nam với Indonesia cũng bị “ném đá” dữ dội vì bỏ qua một số lỗi cầu thủ Indonesia đá xấu với các cầu thủ Việt Nam. Sự tấn công dữ dội của các cổ động viên quá khích từ Việt Nam đã khiến trọng tài Ali Sabah phải tạm khóa tài khoản.

Đây không phải là lần đầu tiên các cổ động viên quá khích Việt Nam có hành vi chửi bới, tấn công trên mạng xã hội. Năm 2013, khi trọng tài Cuneyt Cakir rút thẻ đỏ với Nani của MU trong trận đấu với Real Madrid tại Champions League, các cổ động viên quá khích của MU ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới tràn vào trang cá nhân của vị trọng tài này chửi bới, dọa giết.

Chính sự “điên cuồng” của một bộ phận cộng đồng mạng như trên đã khiến họ được nhiều fan hâm mộ quốc tế mệnh danh là “nỗi sợ hãi của các trọng tài” trước các trận đấu giữa các đội tuyển quốc tế với đội tuyển Việt Nam.

Ứng xử quá khích của cư dân mạng Việt Nam không chỉ diễn ra trong lĩnh vực bóng đá. Trong làng giải trí, nhiều sao quốc tế cũng trở thành “nạn nhân” của sự ném đá từ cộng đồng mạng Việt Nam khi giữa họ và một nghệ sĩ thần tượng nào đó của Việt Nam có tranh chấp. Cạnh đó, thi thoảng người ta cũng chứng kiến cảnh nhiều “anh hùng bàn phím” Việt Nam vào để lại những lời đùa cợt khiếm nhã, tục tĩu về hình thể, ăn mặc... của nghệ sĩ ngoại.

Trong các vấn đề xã hội khác, lực lượng “anh hùng bàn phím Việt” cũng nổi tiếng khi xảy ra không ít trận khẩu chiến kịch liệt với cư dân mạng quốc tế liên quan đến nhiều vấn đề.

Cách đây ít lâu, cư dân mạng Việt Nam “dậy sóng’’ khi phát hiện bản tin xuyên tạc sự thật đến từ nhà đài YTN News. Phía này dẫn thông tin công khai chê bai khu cách ly tại Đà Nẵng nghèo nàn, thậm chí các cán bộ Việt Nam đã đối xử tệ bạc với 20 công dân đến từ vùng dịch Daegu, Hàn Quốc.

Ngay lập tức, làn sóng chỉ trích, đòi nhà đài này cùng nhóm du khách phải xin lỗi đã bùng nổ trên mạng xã hội. Chỉ sau vài giờ đăng tải, hashtag #ApologizeToVietNam (Xin lỗi Việt Nam đi) hay #KoreansStopLying (Người Hàn hãy ngưng nói dối) đã vào top tìm kiếm thịnh hàng trên Twitter.

Sự lên tiếng chừng mực từ cư dân mạng đã khiến nhà đại diện phía Hàn Quốc phải lên tiếng xin lỗi, đính chính. Tuy nhiên, bên cạnh những lời phản ứng văn minh, thì cũng có không ít những kẻ lấy danh nghĩa “đòi công bằng” mà tấn công, chửi bới trên kênh Youtube và mạng xã hội của phía đài Hàn Quốc.

Theo khảo sát của Microsoft vào tháng 2/2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng - Digital Civility Index (DCI) của Việt Nam đang đứng thứ 5/25 của thế giới (chỉ số càng cao, mức độ văn minh càng thấp) - sau Nga, Colombia, Peru, Nam Phi.

Khảo sát này của Microsoft nhằm tìm hiểu nhận thức của thanh thiếu niên và người trưởng thành trên 25 quốc gia về cuộc sống trên mạng và những trải nghiệm của các đối tượng này đối với 21 rủi ro do các hành xử không đúng mực gây ra.

Cũng theo khảo sát của Microsoft, top 5 chủ đề người Việt Nam thường có những hành xử không đúng mực bao gồm các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%).

“Rác trên mạng” đến từ hành xử thiếu văn minh

Những năm qua, mạng xã hội khá thịnh hành những “diễn đàn”, những “nhóm riêng tư”, ở đó tập hợp những người có cùng mối quan tâm, để cùng nhau bàn luận về những chủ đề nào đó. Tuy nhiên, đây lại cũng là “mảnh đất” khá tự do cho lực lượng “anh hùng bàn phím” tha hồ tự tung tự tác. Thực tế là, tại những diễn đàn, nhóm nói trên, nhiều “anh hùng bàn phím” tham gia bàn luận về các vấn đề chính trị, xã hội dù chưa thực sự chứng kiến hay hiểu rõ. Không chỉ thế, họ còn chia sẻ các thông tin, hình ảnh, video nhảm nhí, thiếu chuẩn mực đạo đức, tung tin giả có nội dung xấu, độc, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội để câu like, câu view, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Theo khảo sát của Microsoft vào tháng 2/2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng - Digital Civility Index (DCI) của Việt Nam đang đứng thứ 5/25 của thế giới

Theo khảo sát của Microsoft vào tháng 2/2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng - Digital Civility Index (DCI) của Việt Nam đang đứng thứ 5/25 của thế giới

Bất cứ một sự việc dầu lớn, dầu nhỏ xuất hiện, lập tức mạng xã hội xuất hiện hàng loạt ý kiến trái chiều. Và sau đó là những cuộc công kích mạnh mẽ dành cho các “nhân vật chính” trong sự việc, rồi lan dần ra đến công kích, chửi bới, thóa mạ những ai đưa ý kiến trái chiều với mình.

Rồi có cả những trường hợp bị “vạ lây” trước cơn giận dữ của cộng đồng mạng. Đó là khi nhiều nghệ sĩ trong showbiz Việt bị lên án vì thiếu minh bạch trong hoạt động từ thiện, quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, hành xử lệch lạc, để rồi hàng loạt nghệ sĩ khác, dù sống chuẩn mực, dù vẫn cống hiến cho nghệ thuật, vẫn bị “anh hùng bàn phím” lao vào trang cá nhân chửi bới, tấn công...

Có những thời điểm, người ta ví von, mạng xã hội như đang “nhiễm độc” bởi hàng loạt thông tin giả mạo, đồn nhảm, tiêu cực... Những thông tin ấy được coi là “rác trên mạng”, đến từ hành xử thiếu văn minh của một bộ phận cư dân mạng.

Trước đó, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐBTTTT ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”. Bộ Quy tắc này gồm 3 chương, 9 điều, được xem là “thể chế mềm” điều chỉnh các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng và có tính chất khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Mục đích chính của Bộ quy tắc ứng xử này là nhằm tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đồng thời, Bộ Quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chỉ mang tính chất khuyến cáo, khuyến nghị, nhưng khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

Thời gian qua, đã có không ít trường hợp bị xử phạt từ vài triệu đồng và lên đến 20 triệu đồng vì các hành vi, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng.

Điều quan trọng nhất ở đây vẫn là ý thức từ mỗi người dùng mạng xã hội. Dù mạng xã hội có thể giúp người dùng ẩn danh, nhưng mỗi một lời bình luận, mỗi một chia sẻ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cả cộng đồng, môi trường mạng xã hội nói chung. Những bình luận thiếu trách nhiệm cũng rất có thể sẽ khiến chủ nhân của nó bị “tuýt còi”, chịu chế tài hoặc vướng vòng lao lý.