Khi người trẻ trở thành “thánh chửi” trên game

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người trẻ ngày nay có nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn tài nguyên vô tận trên Internet nhằm phục vụ cho việc học tập, làm việc và đặc biệt là giải trí. Thời đại 4.0, phải kể đến ngành giải trí số 1 hiện nay - game online.
Nhức nhối vấn nạn chửi nhau trong game online.
Nhức nhối vấn nạn chửi nhau trong game online.

Bên cạnh những tính năng hấp dẫn, thu hút người chơi thì game online còn tồn tại vấn nạn khiến nhiều game thủ cũng phải đau đầu chính là câu chuyện văng tục, chửi bậy của một số lượng không nhỏ người chơi hiện nay.

Không dám nhận mình là game thủ Việt

Sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng, mệt mỏi, nhu cầu giải trí là tất yếu và các bạn trẻ có muôn vàn phương thức để giải tỏa trong thời đại 4.0. Trong đó nhất định phải kể đến game online, được đông đảo bạn trẻ lựa chọn. Đó là đồ họa sống động, nhân vật và tình tiết được dàn dựng công phu, bắt mắt...

Đồng thời, thế giới trong game cũng ẩn chứa rất nhiều điều thú vị chờ người chơi khám phá, thậm chí rất nhiều bài học hay ý nghĩa nhân văn cũng được các nhà phát triển lồng ghép vào đây.

Không phải như thể loại game offline, tự chơi tự cảm nhận, các tựa game online thu hút hơn hẳn chính là ở kênh chat. Kể từ khi những tựa game online được đưa về Việt Nam, các game thủ hay nói đơn giản hơn là người chơi đã có thể giao tiếp được với nhau thông qua những kênh chat. Chính những kênh chat này đã giúp kết nối cộng đồng, giúp người chơi này dễ dàng kết bạn, giao tiếp với người chơi khác.

Thế nhưng, cũng từ đó, vấn nạn tranh luận thô tục trong game online bắt đầu hoành hành. Ở bất kì tựa game nào đi chăng nữa, hình ảnh các câu chửi thiếu văn hóa vẫn xuất hiện “đều đặn” trên khắp các khung chat trong game.

Thực chất, việc nói tục và chửi bậy vốn không xa lạ gì trong đời sống xã hội. Nhưng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, cái chúng ta được dạy là không nói tục, chửi bậy, điều đó thể hiện lên một con người có văn hóa.

Nếu bình thường ở ngoài xã hội thật khó để có thể văng tục vào mặt một người không quen biết nhưng ở trong môi trường game online lại là điều hoàn toàn khác. Những game thủ thiếu văn hóa có thể mặc sức dùng những từ ngữ tục tĩu, khó nghe nhất để nói về con người hoặc một sự vật mà họ gặp phải trong game.

Dần dần, từ những cuộc tranh luận lại “nổ” ra những trận cãi vã, chửi bới nhau không hồi kết. Và cứ thế việc văng tục, chửi bậy dường như đã trở thành một nét “văn hóa” không mấy đẹp đẽ trong cộng đồng game thủ. Thứ “văn hóa” này như một “thói quen khó bỏ”, ngấm vào máu các game thủ và có thể được đem ra thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi.

Cứ chơi game là chửi, đầu tiên chửi tool (công cụ trong game), chửi hack, tiếp đó mạng lag cũng chửi, rồi chửi đồng đội, chửi đối phương, vui cũng chửi mà buồn cũng chửi,… Có thể nói, cảm xúc của người chơi đều được thể hiện qua… những câu chửi.

Thậm chí, chửi ở sân nhà chưa đủ, họ còn đem “văn hóa” chửi “xuất khẩu” sang cả nước ngoài khi chơi ở các máy chủ khác. Cũng đã có không ít lần, game thủ Việt bị cấm cửa ở nhiều tựa game online nước ngoài chỉ vì cách sử dụng từ ngữ của một bộ phận game thủ quá lỗ mãng.

Tình trạng này tồi tệ tới mức, khi chơi game ở server nước ngoài, nhiều người đã chẳng dám tự nhận mình là người Việt Nam. Họ sợ rằng, với mức độ khét tiếng mà game thủ nước ngoài đã được nghe nói về game thủ Việt, họ sẽ bị tẩy chay khỏi cộng đồng game mà họ đã và đang cố hết sức mình để có thể hòa nhập.

Vậy câu hỏi được đặt ra là từ đâu mà xuất hiện vấn nạn chửi này? Câu trả lời không ai khác ngoài chính người chơi, từ các game thủ đang đắm chìm vào tựa game mà mình yêu thích. Họ chửi để thể hiện bản thân, chửi để xả giận hay đơn giản chửi cho… sướng mồm, tất cả đều là những hành động thiếu văn hóa của bất cứ cộng đồng game thủ nào trên toàn thế giới.

Điều này được lí giải bởi các nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khác nhau. Nguyên nhân đầu tiên và chính yếu nhất nằm ở nhận thức của mọi người. Khi hầu hết các game thủ đều đã quá quen với việc cãi nhau vì hiện tượng này xuất hiện nhan nhản khắp nơi, từ trò chơi cho tới diễn đàn và dần dần bị lạm dụng một cách thái quá, đến mức nó trở thành một hành vi bình thường. Không có một chế tài nào của nhà phát hành hay chuẩn mực đạo đức nào của xã hội có thể ngăn cản họ.

Đã có nhiều game thủ phản ánh, báo cáo vấn nạn trên, nhiều nhà phát hành game đã mạnh dạn triển khai những biện pháp răn đe, chấn chỉnh như liên tục bổ sung những từ cấm vào danh sách nhưng hiệu quả ngăn chặn lại không cao vì game thủ luôn tìm cách lách luật, sáng tạo ra các ký tự thay thế. Hơn nữa rất ít nhà phát hành dám khóa nick vĩnh viễn người chơi có lời lẽ thóa mạ bạn chơi, đối thủ nên việc chửi bậy trong game từ xưa đến nay gần như đã trở thành tiền lệ rất xấu.

Hơn nữa, khi tham gia vào một tựa game, thay vì coi đây là một trò chơi giải trí, nhiều người dồn hết tâm huyết, thời gian và sức lực của mình để “chiến đấu” trong game, nhất là với các game có sự cạnh tranh khốc liệt về kĩ năng. Chính vì vậy, vấn nạn chửi xuất hiện như một lẽ tất nhiên khi game online sinh ra dành cho nhiều người chứ không phải mình bạn.

Từ những yếu tố trên, có thể nói môi trường game online đang là một “mảnh đất màu mỡ”, lý tưởng để một bộ phận không nhỏ những game thủ xấu phát triển nét “văn hóa” đáng xấu hổ này. Dù nhiều người vẫn biện hộ cho vấn nạn này bằng nhiều mỹ từ như để “thể hiện bản thân”, “là nơi xả giận” hay “chửi cho sướng mồm”. Thì chính những game thủ chân chính đều nhận thức được rằng đây hoàn toàn không phải thứ nên được cổ súy mà cần phải được tẩy chay, dẹp bỏ hoàn toàn.

Đâu là thuốc chữa cho game thủ?

Có lẽ, để chấm dứt hẳn vấn nạn chửi nhau này rất khó, bởi nó đã hình thành và trường tồn cùng với game online suốt bấy nhiêu năm qua. Nhưng hạn chế hết mức thì có thể sẽ làm được.

Trước hết, cần một sự đồng lòng của toàn bộ game thủ dù là trên thế giới hay Việt Nam. Chửi bới bắt đầu từ người chơi, vậy nên người chơi chính là người duy nhất có thể dẹp bỏ được vấn nạn này. Bản thân mỗi người tham gia vào bất cứ tựa game online nào cũng nên nhìn nhận lại chính mình. Có thể chúng ta chỉ chửi đùa hay chửi cho vui, nhưng đôi khi việc đó đã vô tình làm xấu đi hình ảnh của game thủ Việt. Nếu ý thức được điều đó và xác định tâm lý giải trí mỗi khi chơi game, có lẽ sẽ chẳng còn game thủ nào muốn chửi, thay vào đó, sẽ trải nghiệm game một cách tuyệt vời nhất.

Bạn T.Nghĩa (20 tuổi, Hà Nội) – một người rất thích chơi game chia sẻ cách giữ bình tĩnh, không chửi bậy trong game của riêng mình: “Khi chơi game em luôn tâm niệm tất cả chỉ là game thôi, tất cả mọi thứ chỉ là thế giới ảo. Tất nhiên là nhiều lúc em cũng bị cuốn vào đó, cảm xúc thất vọng, tức giận là điều không tránh khỏi. Nhưng sao em lại phải bực mình bởi một thứ thoát ra vào lại là xong. Chính những suy nghĩ đó đã giúp em không tốn thời gian vào những cuộc cãi vã vô bổ trên đó”.

Có thể thấy rằng, nếu muốn thì các game thủ đều dễ dàng thực hiện được những cách kiềm chế của riêng mình như bạn T.Nghĩa. Nhưng vấn đề ở đây là họ có thực sự muốn hay không mà thôi.

Ngoài ra, việc phối hợp đến từ chính các nhà phát hành game là vô cùng cần thiết. Có lẽ đã đến lúc, các nhà phát hành cần mạnh tay hơn trong việc dọn sạch “rác lời nói” trên game online. Lấy ví dụ điển hình như một tựa game với lượng người chơi đông đảo khắp thế giới đã ứng phó vấn nạn này bằng những cách cứ hễ khi nào người chơi gõ ra những từ khóa “nóng”, hệ thống sẽ tự động chuyển đổi toàn bộ thành ký hiệu “*”. Ngoài ra, nhà phát hành cũng xây dựng một hệ thống Report để người chơi có thể báo cáo về những hành vi xấu khi chơi, loại bỏ thẳng tay những game thủ vô văn hóa.

Thực tế, một vài năm gần đây khi các tựa game khéo léo đưa ra nhiều hình phạt cực nặng dành cho bất cứ ai có lời nói tục, chửi người chơi khác. Cộng thêm ý thức và hiểu biết của game thủ, đã khiến vấn nạn văng tục, chửi bậy đang dần suy giảm. Tuy nhiên, suy giảm không có nghĩa là nó đã chấm dứt, đặc biệt tại Việt Nam.

Chính vì vậy, để vấn nạn chửi bới vô văn hóa trên game online chấm dứt hoàn toàn, tất cả đều phụ thuộc vào ý thức của cộng đồng và bản thân. Bất kỳ người chơi nào trước nhất vẫn nên nhìn nhận lại thói quen chơi game của mình để tạo ảnh hưởng tốt tới những game thủ khác. Chỉ khi đó, thế giới ảo tại Việt Nam nói riêng hay toàn thế giới nói chung mới trong sạch hơn vắng bóng những “tiếng chửi”.

Đọc thêm