Tôi đã gặp và viết về một số nhân chứng lịch sử. Nhưng “ trang nhan sắc một thời” phải là bà Hoàng Thị Nghị- Anh hùng LLVTND. Ở tuổi 82, gương mặt bà vẫn lưu lại nét thanh tao, hàm răng trắng và nhỏ đều. Những bức ảnh đen trắng của bà trong trang phục áo dài, tóc chải ngôi lệch đài các như tiểu thư Hà Nội xưa vẫn ngời lên hình ảnh cô Nghị năm nào. Song, bà chưa từng sống trong nhung lụa. Một phần vì mảnh đất Đồ Sơn nơi bà sinh ra và lớn lên không phải là chốn phồn hoa. Phần nữa, quan trọng hơn, từ năm 18 tuổi, bà đã đi theo con đường cách mạng- một nữ địch vận dũng cảm ở các mặt trận Hà Nội- Gia Lâm, Hải Phòng 300 ngày đêm và ở cả miền Nam- Bà còn là nữ tù nhân chính trị với 2 lần bị địch đày ra Côn Đảo. Những ngón đòn tra tấn vô cùng dã man của kẻ thù khiến bà tuyệt đường sinh nở. Nhưng bà vẫn còn hạnh phúc, niềm vui với các hoạt động xã hội, với 18 năm liền làm Chủ tịch Hội Từ thiện quận Đồ Sơn và một mái ấm gia đình…
|
Bà Hoàng Thị Nghị. |
Trong căn nhà riêng ở Đồ Sơn, bà dành cho tôi cuộc trò chuyện rất thú vị.
- Bác có thể kể lại mốc thời gian đầu tiên tham gia cách mạng?
- Tôi sinh năm 1929. Năm 1947, khi tròn 18 tuổi, tôi bắt đầu tham gia cách mạng, lúc đầu là lính trong Ban địch vận Đồ Sơn. Sau đó, đi học ở trường cán bộ địch vận Trung ương. Nhiệm vụ của tôi là dựa vào dân, các lực lượng để vận động binh lính Pháp giã ngũ, về với gia đình
- Các tư liệu lịch sử đều cho thấy Hải Phòng 300 ngày đêm rất căng thẳng. Bác đã hoạt động ở mặt trận ấy như thế nào?
- Ngày 20-11-1954, tôi về Tổng cục Chính trị nhận nhiệm vụ mới là vào miền Nam . Nhưng trước đó, Cục địch vận Trung ương phân công tôi phục vụ các mặt trận Gia Lâm - Hà Nội, mặt trận Hải Phòng 300 ngày. Hải Phòng 300 ngày là một thành phố nặng nề và hỗn độn. Với lợi thế là người địa phương, có nhiều mối quan hệ, tôi tiếp tục mở rộng các đầu mối lấy tin tức từ địch, gây dựng cơ sở nội tuyến và địch vận. Nhưng quan trọng nhất lúc đó còn là lòng dân che chở. Tôi nhớ có một lần tôi bị tay cai Xương phụ trách bốt Bang Tá - Đồ Sơn bắt vì nghi tôi hoạt động ở vùng tạm chiếm. Nhưng bằng sự mưu trí, tôi đánh lạc hướng cai Xương, chạy vào nhà bà Hoàng Thị Bằng- mẹ vợ đồng chí Đặng Kinh. Bà Bằng nhanh trí bảo chồng lên giường giả ốm, rồi lấy các thùng bia che chung quanh gầm giường mà tôi đang trốn ở đó. Cai Xương xộc vào, tra hỏi một hồi, không thấy tôi, hậm hực bỏ đi. Mặt khác, do nay ở mai đi, lúc thay hình đổi dạng, nên tôi còn nhờ tới nhiều gia đình khác che chở, nuôi giấu tôi. Đó là nhà ông bà Huấn buôn bán ở chợ Sắt ( nhà ở khu vực ngã tư Mê Linh- Hai Bà Trưng bây giờ). Tôi cũng ở với bà Đoàn Chuẩn- chủ hãng nước mắm Vạn Vân, phố Quang Trung, nhà ông Hoàng Đình Dậm phố Lê Lợi - người giới thiệu cho tôi một số cơ sở khác khi tôi vào hoạt động ở miền Nam sau này. Trong số nhiều nhân mối, có cơ sở nội tuyến của bà Hoàng Thị Toan cũng là người Đồ Sơn, lúc ấy vào nội thành kinh doanh làm ăn và trở thành chủ hãng ô tô lớn. Rồi ông Ký bán than ở chợ Cột Đèn cùng nhiều cơ sở khác. Không có sự che chở này, tôi khó hoàn thành nhiệm vụ.
- Hoạt động địch vận mà đẹp như bác có lúc nào bị phiền toái?
- Tôi không thấy phiền toái. Nhưng sự xinh đẹp đã gây cho tôi tai họa: Số là sau khi rời Hải Phòng vào hoạt động ở miền Nam được 18 tháng, tôi bị bọn cảnh sát đặc biệt miền Đông bắt. Hôm đó là ngày 21-3-1956. Nguyên do anh Huỳnh Văn Đức ( người cùng tổ hoạt động) cũng bị bắt không chịu nổi đòn tra tấn mà khai ra tôi. Chúng đánh tôi dã man, rồi lại dụ dỗ. Nhưng tôi một mực không khai. Bọn địch nham hiểm, đánh tôi lần nữa để cho anh Đức chứng kiến. Lợi dụng lúc chúng nghỉ tay bỏ đi, tôi mới gọi anh Đức lại gần và bảo: “ Đồng chí ơi! Tôi rất hiểu và thông cảm khi đồng chí không chịu nổi đòn thù mà khai ra tôi. Nhưng đến nước này, ta phải đánh lạc hướng chúng. Tôi sẽ khai là : “Anh Đức có vợ con. Thấy tôi xinh đẹp muốn lấy làm vợ hai. Tôi không muốn cướp chồng, nên anh ta bực tức gây thù oán với tôi”. Và anh cũng phải cải cung như vậy. Nếu không, tôi cũng lại khai tuốt ra về gia đình anh, về các cơ sở của ta, thì chúng ta sẽ mất hết”. Anh Đức cúi đầu, đồng ý cải cung. Bọn địch tin. Nhờ vậy, anh Đức vào tù ngay mà không bị chúng tiếp tục tra tấn nữa.
- Vậy bác “ di cư vào Nam ” năm nào?
- Ngày 2 tháng Giêng năm 1955, tôi rời Hải Phòng vào miền Nam từ sân bay Cát Bi, với lý lịch giả là vợ một trung úy ngụy. Vào đó, tôi gặp được ngay anh Hoàng Đình Nhụ- cơ sở do vợ chồng ông Dậm ở Hải Phòng giới thiệu từ trước. Từ đây, tôi vào vai “vợ” của một đồng chí ( sau đó lại “ly hôn” ngay vì sợ đóng giả không thành ), tiếp tục hoạt động dưới nhiều hình thức như bán hàng xén, bỏ mối hàng ở các chợ, gây cơ sở… Tổ công tác ( sau lên đội công tác) do tôi phụ trách phát triển khá sâu rộng, đã giáo dục, cảm hóa, giao nhiệm vụ cho hàng trăm sĩ quan binh lính, bộ binh, thiết giáp, pháo binh. Rồi ngày 21-3-1956, tôi bị bắt như kể trên.
- Thật khó hình dung nổi những ngày bác bị đày ra Côn Đảo?
- Tôi bị đày ra Côn Đảo lần thứ nhất năm 1957. Khi đó, tôi biết chị Võ Thị Sáu là người phụ nữ đầu tiên bị đày ra Côn Đảo và hy sinh tại đây. Sau hơn 3 năm tù chịu nhiều cực hình tra tấn, năm 1960, tôi được ra tù. Lại về đơn vị cũ hoạt động, chỉ huy trận đánh đồn Lái Cua (Long An), địch vận cùng trung đoàn 38 pháo binh đánh Gò Đậu và bị bắt lần thứ 2 năm 1969. Chúng lại đày ra Côn Đảo, lại đấu tranh, lại nếm đòn thù chết đi, sống lại… Đêm 30-4, rạng sáng 1-5, 1975, tôi vận động cai tù mở khóa, cùng hàng trăm tù chính trị đứng lên tự giải phóng và vận động binh lính ngụy đầu hàng, làm lại cuộc đời. Từ “ địa ngục trần gian” Côn Đảo, tôi trở về với đất liền. Khi đó tôi 46 tuổi. Nhìn lại, xem như cả quãng đời thanh xuân - một tuổi trẻ đã tôi luyện trong lò lửa cách mạng rồi
- Xin cảm ơn bác về câu chuyện cuộc đời thật có ý nghĩa này!./.
Mộc Miên thực hiện