Áo dài ơi...

Có lẽ, áo dài là loại sản phẩm may mặc cho đến giờ này người ta vẫn thích làm nên bằng cách thức thủ công nhất, mỗi áo dành riêng cho một phụ nữ.

Có lẽ, áo dài là loại sản phẩm may mặc cho đến giờ này người ta vẫn thích làm nên bằng cách thức thủ công nhất, mỗi áo dành riêng cho một phụ nữ. Không có công nghệ sản xuất đại trà cho áo dài. Thướt tha, gợi cảm, dịu dàng, nền nã… áo dài là nỗi nhớ thuở đi học, là niềm hạnh phúc của cô dâu ngày bước về nhà chồng, là ngày được đứng trên sân khấu kể chuyện về truyền thống dân tộc, là ngày tình cờ ra phố và muốn mềm mại, tươi trẻ hơn…
Bà Nguyễn Thị Sanh (phường 3, Đà Lạt) bên một góc áo dài của gần 60 năm cuộc đời.
Bà Nguyễn Thị Sanh (phường 3, Đà Lạt)
bên một góc áo dài của gần 60 năm cuộc đời.

Trong một con hẻm ở trung tâm Đà Lạt, tình cờ, tôi bắt gặp một người phụ nữ đang phơi hàng chục bộ áo dài từ những thập niên 70 của thế kỷ 20. Thấy lạ, dừng lại hỏi thăm, giọng ấm áp xứ Huế pha trộn với phong cách rất sôi nổi của một người đã sống lâu ở phương Nam, bà Nguyễn Thị Sanh - một công dân phường 3, thành phố Đà Lạt trả lời rằng đó là công việc thường xuyên của bà. Với hàng trăm bộ áo dài đang cất giữ, cứ đều đặn định kỳ, bà giặt áo và đem áo ra phơi để màu áo vẫn còn tươi mới. Bộ sưu tập áo dài gắn bó với từng giai đoạn cuộc đời được bà gìn giữ; chồng, con và cả cháu ngoại của bà nhìn vào đó mà cũng lan truyền cả niềm phấn chấn. Từ chiếc áo tím giản dị khi còn là nữ sinh Trường Đồng Khánh xứ Huế, những chiếc áo về sau làm từ gấm, vải xoa, xít bóng, xít lạnh, nhung mịn, nhung bông ép, voan, ren, lụa tơ tằm, đũi... Các bộ áo dài ấy đi cùng chiều dài thời trang, từ tà ngắn, tà dài, bốn tà, tay phồng, tay nối, tay lửng, tay xòe… Họa tiết trên áo thêu bông hồng, bông mai, trống đồng, thổ cẩm, đính cườm… Tất cả những chiếc áo dài ấy đều gắn với những niềm vui của cuộc đời bà, từ chiếc áo dài mẹ chồng tặng ngày cưới, dịp năm mới, đi dự ngày vui của bạn bè, ngày con thành gia thất, cả mỗi dịp bầu cử của đất nước bà cũng chuẩn bị một bộ áo dài mới để mừng ngày trọng đại. Bà tôn thờ áo dài vì khi xưa nhìn mẹ gánh hàng ra chợ bán cũng mặc áo dài đi guốc mộc. Khoác lên mình tà áo, cuộc đời như thanh thoát hơn.

Người Đà Lạt với tay nghề đan len, móc sợi đã sáng tạo nên những chiếc áo dài được kết lại từ những sợi mảnh dẻ. Nói đến áo dài sợi, nhiều phụ nữ Đà Lạt vẫn nhớ đến cái tên Nguyễn Thị Chiến - người từng phụ trách kỹ thuật thêu móc của một đơn vị dệt vị dệt giãn cùng những đường cong của người phụ nữ, đẹp và độc đáo, dù phải mất cả khoảng thời gian dài chờ đợi để hoàn thiện sản phẩm vẫn  là sự lựa chọn của nhiều chị em. Làm thủ công, áo dài sợi trở thành dạng áo dài cao cấp bậc nhất, là sản phẩm thủ công tinh xảo “made in Dalat”.

Mùa Tết, các cửa hàng áo dài lại đông khách hơn lúc nào hết. Lấy số đo may áo dài như thước đo chuẩn xác nhất cho các bà, các chị sau mười hai tháng chộn rộn việc công, việc tư. Để rồi những tà áo khoác lên người một sức sống mới cho một năm mới thanh tân. Lời hỏi thăm về những xấp vải mới cứ khẽ khàng tại mười tám sạp vải áo dài ở Chợ trung tâm Đà Lạt . Những hiệu áo dài tên tuổi từ Ái Nghĩa, Hiền, Trinh, Na, Thùy Dương… đến những bàn may nhỏ dưới hẻm Xuân An, trên dốc Nhà Làng… vẫn đều đặn những đường cắt may cho những chiếc áo, dù cần lấy gấp cho mùa xuân cũng chưa bao giờ đồng loạt…
Yên Nguyên

Đọc thêm