“Áo mới” VINACONEX trước kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên 2021

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Tổng công ty cổ phần VINACONEX (mã VCG), cổ đông đón tin vui khi HĐQT trình kế hoạch chia cổ phiếu thưởng từ cổ phiếu quỹ. Theo đó, hơn 36,2 triệu cổ phiếu quỹ sẽ được chia thưởng cho các cổ đông với tỷ lệ 9%.
“Áo mới” VINACONEX trước kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên 2021

Chia thưởng cổ phiếu quỹ: Tin vui trước thềm đại hội VCG

Trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của VINACONEX, cổ đông của Tổng công ty đón tin vui khi HĐQT trình kế hoạch chia cổ phiếu thưởng từ cổ phiếu quỹ. Theo đó, 36.216.961 cổ phiếu quỹ sẽ được chia thưởng cho các cổ đông với tỷ lệ phân phối 9%.

Theo quy định hiện nay, việc chia thưởng này không bị điều chỉnh giá vào ngày chốt quyền, bởi vậy cổ đông của VCG sẽ được lợi rất nhiều. Chẳng hạn, nếu sở hữu 10.000 cổ phần, cổ đông được chia thưởng 900 cổ phần nhân với thị giá VCG hiện nay, số tiền lên tới gần 45 triệu đồng.

Cùng với những điểm sáng tích cực trong hoạt động doanh nghiệp, thị giá cổ phiếu VCG cũng đã bứt phá và thiết lập nền giá mới quanh 48.000 đồng/cổ phần. Mức giá này cao gần gấp đôi so với giá cổ phiếu VCG đạt được khi Nhà nước thoái vốn tại VINACONEX.

Với những nền tảng vững chắc đã tạo lập được từ kết quả sản xuất kinh doanh tích cực đạt được trong 2 năm sau tái cấu trúc vốn, HĐQT VINACONEX rất tự tin khi trình cổ đông kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt khoảng 12.230 tỷ đồng, tăng 141% với kết quả thực hiện năm 2020.

Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021 dự kiến đạt hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 60% so với thực hiện năm 2020 (do năm 2020 có lợi nhuận tăng đột biến từ hoạt động đầu tư tài chính). Lãnh đạo Tổng công ty đã từng chia sẻ về định hướng dần dịch chuyển cơ cấu lợi nhuận phân bổ đều trong 3 lĩnh vực hoạt động chính là xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính.

Quản trị tập trung và hiệu quả

Trong 2 năm qua, VCG đã xác định chiến lược phát triển với 3 lĩnh vực chính, tạo thế chân kiềng vững chắc cho doanh nghiệp, đó là xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính. HĐQT VCG thực hiện các hoạt động tái cấu trúc, tăng cường quản trị nội bộ, nâng cao năng lực tài chính, chú trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu của VINACONEX, bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Thứ nhất ở mảng xây dựng, tính đến hết quý I/2021, giá trị các hợp đồng xây dựng mà VINACONEX đã kí ước đạt gần 15.000 tỷ đồng. Trong đó một số dự án có giá trị lớn như: 3 trong số các gói thầu lớn nhất của cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45); Dự án Mikazuki Đà Nẵng ; Tổ hợp hóa dầu Long Sơn; hay một số dự án có vốn đầu tư công khác như Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Bệnh viện K trung ương…

Trong lĩnh vực bất động sản, VINACONEX đã tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án trọng điểm, đang triển khai thi công để sớm có sản phẩm đưa ra thị trường như dự án Cát Bà - Amatina; Dự án chung cư cao cấp 93 Láng Hạ; Dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại Móng Cái...

VINACONEX cũng tích cực tích lũy quỹ đất với tham vọng đạt được 5.000 ha đất vào năm 2025, nhiều dự án đang trong quá trình triển khai như dự án khu khách sạn Resort Tam Kỳ, Quảng Nam; Dự án khu nghỉ dưỡng Condotel Resort ven biển Tuy Hòa, Phú Yên; Dự án khu dân cư đô thị Km3, Km4 phường Hải Yên, Móng Cái….

Với mảng hoạt động đầu tư tài chính, VCG đang nắm giữ nhóm các Công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh hiệu quả (năng lượng, điện, nước, giáo dục, xuất khẩu lao động..). Duy trì hoặc nâng tỷ lệ sở hữu vốn đảm bảo quyền chi phối điều hành đối với các công ty chủ lực, có triển vọng phát triển là định hướng chiến lược mà VINACONEX đang theo đuổi.

Mở rộng hợp tác nước ngoài

Nét nổi bật khác ở VINACONEX là chủ động hợp tác với các tên tuổi lớn trên thế giới để đón đầu xu hướng, nâng cao chất lượng các sản phẩm lên đẳng cấp quốc tế. Muốn đi xa thì đi cùng nhau, chọn được đối tác đồng hành là những thương hiệu quốc tế dày dạn kinh nghiệm sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho VINACONEX. Có thể kể đến những cái tên như Hyundai, Posco, Taisei, Toyota Tsusho, Bluescope Lysaght, Tập đoàn Mikazuki…

Việc các tập đoàn có quy mô toàn cầu bắt tay hợp tác với VINACONEX đã cho thấy họ đánh giá cao vị thế và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt trong tiến trình VINACONEX đang nỗ lực trở thành một trong những Tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn Hyundai từng chia sẻ, họ mong muốn tiếp cận và có mặt tại thị trường Việt Nam, một nền kinh tế năng động và có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy vậy, trong quá trình đầu tư hoặc kết nối các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam, họ cần những đối tác địa phương có năng lực, am hiểu văn hóa và khả năng phát triển các dự án tầm cỡ. VINACONEX là một trong những đối tác như vậy mà Hyundai đã có cơ hội được hợp tác ở Việt Nam

Bức tranh tài chính ấn tượng

Với nhiều chuyển biến trong hoạt động, đặc biệt đề cao tính hiệu quả, VINACONEX cũng đã có một năm 2020 về đích rực rỡ. Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty cho thấy, lợi nhuận trước thuế của VCG đạt 2.126 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2019. Lãi sau thuế hợp nhất của cả hệ thống đạt 1.690 tỷ đồng, gấp 2,15 lần so với cùng kỳ. Nhờ vậy, thu nhập trên mỗi cổ phần VCG đạt 3.667 đồng, tăng hơn 150% so với mức 1.462 đồng của năm 2019.

Dòng tiền của VCG khá dồi dào khi công tác đầu tư liên tục được đẩy mạnh song tiền và các khoản tương đương tiền cuối năm theo báo cáo hợp nhất đạt tới 1.995 tỷ đồng. Khoản mục này tại công ty mẹ là 1.587 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ.

Với sự lột xác sau 2 năm tái cơ cấu, nhiều cổ đông của VINACONEX cho biết, sẽ tiếp tục nắm giữ cổ phiếu của Tổng công ty và đặt niềm tin vào những thành công của doanh nghiệp trong thời gian tới. Thị trường đang kỳ vọng vào những thông tin, chiến lược được công bố tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của VINACONEX dự kiến tổ chức ngày 27/4 tới đây.  

Đọc thêm