Áp dụng giá sàn vé máy bay: Người tiêu dùng mất cơ hội hưởng chương trình giảm giá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đó là ý kiến của TS.Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khi trả lời PLVN xung quanh đề xuất giá sàn vé máy bay.
TS.Ngô Trí Long
TS.Ngô Trí Long

Ông có thể cho biết quan điểm của mình về việc đề xuất áp dụng giá sàn vé máy bay mà Cục Hàng không đề xuất?

- Hiện nay, nhà nước có 2 phương thức quản lý giá, bao gồm Nhà nước định giá và để cho thị trường định giá. Nếu là thị trường cạnh tranh thực sự đầy đủ thì Nhà nước sẽ để cho thị trường định giá. Nếu có hiện tượng doanh nghiệp (DN) có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền thì Nhà nước định giá trần để điều tiết thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Luật Cạnh tranh đã quy định rất rõ, DN được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường trong các trường hợp như sau: 1 DN chiếm thị phần từ 30% trở lên; 2 DN chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; 3 DN chiếm tổng thị phần là từ 65% trở lên; hoặc 4 DN chiếm tổng thị phần từ 75% trở lên…

Ví dụ như thị trường bán lẻ xăng dầu. Hiện có 38 DN cùng tham gia thị trường nhưng riêng 3 DN, gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) đã chiếm gần 70% thị phần. Đây được xác định là nhóm thống lĩnh thị phần nên Nhà nước phải định trần giá bán lẻ xăng dầu.

Tương tự như vậy, đối với ngành Hàng không, chỉ riêng Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chiếm 35% thị phần, Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet) 36% và Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) 13%.

3 DN nói trên đã chiếm trên 80% thị phần vận tải nội địa nên bắt buộc Nhà nước phải có quy định giá trần để tránh xảy ra hiện tượng, khi nhóm DN này có vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường thì họ có thể tự định giá, tự tăng giá vé, các DN khác cũng sẽ tăng theo và quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Do vậy, đề xuất áp giá sàn với tư duy “cần cứu Vietnam Airlines vì có nguồn vốn lớn của nhà nước” là tư duy bất bình đẳng trong nền kinh tế thị trường, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tại sao không đặt vấn đề, trong một môi trường kinh doanh như nhau, họ tồn tại được còn mình thì không tồn tại được?

Vậy trong trường hợp nào mới có thể áp dụng giá sàn, thưa ông?

- Theo Luật Giá, đối với DN bán, Nhà nước quy định giá trần (như ngành Xăng dầu, Hàng không), còn đối với những DN mua, nếu có nhóm DN thống lĩnh thị phần thì Nhà nước phải quy định giá sàn. Bởi có thể xảy ra hiện tượng, có hàng trăm người bán mà ít người mua thì người mua sẽ hạ thấp giá mua, gây thiệt hại cho người bán. Ví dụ ngành Điện đang độc quyền mua, Nhà nước phải áp dụng giá mua cụ thể để đảm bảo quyền lợi của các nhà cung cấp tham gia thị trường này.

Nhưng ngành Hàng không thì khác, bởi ngành này là các DN bán, chỉ có thể áp giá trần, nếu áp giá sàn là vi phạm luật pháp, vi phạm thể chế quản lý giá của Nhà nước.

Nhưng có người cho rằng, nếu không áp giá sàn thì có thể xảy ra hiện tượng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, thưa ông?

- Chúng ta đã có đủ công cụ để kiểm soát hiện tượng này. Tuy rằng không quy định giá sàn nhưng nếu trên thị trường có những DN bán với một mức giá quá thấp thì Nhà nước sẽ phải xem việc quy định giá thấp, giá rẻ như vậy có bán phá giá không.

Nếu Nhà nước chứng minh được giá này không bán phá giá, hoàn toàn tuân thủ pháp luật thì điều này phải khuyến khích. Ngược lại, nếu chứng minh được việc bán phá giá, thì luật pháp cũng có những quy định về vấn đề này, cứ căn cứ vào đó mà xử lý.

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam cũng đã quy định các DN quyết định mức giá trong khung giá do Bộ Giao thông Vận tải quy định. Trong khung giá này, giá sàn vé máy bay tương đương bằng 0.

Theo ông, nếu áp dụng giá sàn vé máy bay như đề xuất mới đây sẽ gây ra những hệ lụy gì?

- Tác động mạnh mẽ đầu tiên sẽ là ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, họ sẽ không được hưởng những chương trình giảm giá kích cầu như trước đây nữa. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước đang kích cầu du lịch thì phải có sự giảm giá mới có thể thu hút du khách. Nếu áp giá sàn như đề xuất, giá vé sẽ tăng so với trước đây, không thể kích cầu du lịch được.

Chưa kể, Việt Nam đang chứng minh cho thế giới thấy chúng ta đang thực hiện chính sách kinh tế để có thể được công nhận là nền kinh tế thị trường mà các hành vi của mình là phi thị trường thì cản trở các nước công nhận điều này vì áp giá sàn vé máy bay là một hành vi phi thị trường.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm