Để Trung tâm tài chính quốc tế hoạt động hiệu quả: Trọng tâm, nền tảng vẫn là vấn đề cơ chế, pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu: Việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế cũng phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước, nhưng để Trung tâm hoạt động có hiệu quả cần chú ý rất nhiều khía cạnh và trọng tâm, nền tảng vẫn là vấn đề cơ chế, pháp lý.
TS. Nguyễn Trí Hiếu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Cần cơ chế pháp lý “đặc biệt” cho Trung tâm hoạt động

Thưa ông, một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay chính là việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Theo ông, việc làm này có thực sự cần thiết, phù hợp tại thời điểm này?

- Chúng ta dự định xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại một số tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Theo tôi đây là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, bởi TP Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại lớn nhất cả nước và cũng là nơi các nhà đầu tư luôn nhắm đến đầu tiên khi đến Việt Nam.

Việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam cũng phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước, nhưng để xây dựng được Trung tâm này, chúng ta phải chú ý hai vấn đề lớn: Vấn đề thứ nhất là vốn: Một trung tâm tài chính lớn đủ lớn phải được trang bị hiện đại và nằm ở một vị trí đắc địa và phải được đầu tư một số vốn rất lớn vào đó. Vậy nguồn vốn đó nên huy động ở đâu, từ nguồn vốn công hay tư, nguồn vốn trong hay ngoài nước cũng phải tính tới. Vấn đề thứ hai cần quan tâm là Trung tâm tài chính quốc tế được tổ chức ra sao để nó mang tính hấp dẫn. Cụ thể, nó phải được xây dựng ở những vị trí đẹp, ở trung tâm thành phố, thuận tiện giao thương. Đó phải là một cao ốc có sức chứa tất cả những định chế tài chính, từ ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, rồi các công ty xuất nhập khẩu, tất cả những doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan...

Đặc biệt nữa, vấn đề con người, công nghệ cũng phải tính tới khi xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế. Về con người, phải có đội ngũ chuyên gia, chuyên viên, những người kinh doanh có năng lực để có thể tham gia điều hành Trung tâm. Về công nghệ, phải kết nối với các công nghệ hiện đại nhất, ví dụ như AI.

Theo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, sẽ áp dụng một cơ chế tài chính đặc thù trong Trung tâm, bao gồm các chính sách về ngoại hối; Các ưu đãi cho hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng, liên quan đến tài chính xanh… Có thể nói, đây là một cơ chế thông thoáng, cởi mở, hỗ trợ các thành viên tham gia vào hoạt động tại Trung tâm. Ông bình luận thế nào về các chính sách này?

- Một Trung tâm tài chính quốc tế lớn, quy mô như thế cần có những cơ chế ưu đãi để làm sao thu hút được các doanh nghiệp tài chính, như ưu đãi về thuế. Bởi lẽ, trong những năm đầu tiên họ phải đầu tư rất nhiều. Đến khi nào họ chạm tới điểm “hòa vốn” thì mới bắt đầu có lời. Trước khi họ đến được điểm “hòa vốn” đó, cần phải áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế để họ cảm thấy hấp dẫn khi tham gia vào Trung tâm tài chính quốc tế này. Rồi có thể còn phải có các dịch vụ liên quan đến giao dịch quốc tế với hệ thống thông tin truyền thông hiện đại, với các biện pháp hoàn hảo về bảo mật và an ninh mạng.

Việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là một “đột phá” của Việt Nam và cũng là xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, để Trung tâm ra đời, vận hành và phát triển theo đúng quỹ đạo là việc làm không hề đơn giản. Theo ông, Trung tâm tài chính quốc tế nên được triển khai theo hướng nào và phải được quản lý ra sao?

- Chúng ta cũng đã bắt đầu lên kế hoạch cho việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và Chính phủ, đặc biệt là UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng một cái khung cho việc xây dựng Trung tâm. Tôi cũng được biết, Trung tâm tài chính quốc tế tại London (Anh) cũng đang hỗ trợ tích cực cho hoạt động này của Việt Nam. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên hiện nay, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn. Nếu chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ không thể thay đổi mạnh mẽ thì sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Và khi mà chúng ta đang phải đối phó với tất cả những vấn đề, như thuế quan, xuất nhập khẩu, kinh tế đình trệ, rồi phải đối mặt với nguy cơ các nhà đầu tư đang muốn rút khỏi Việt Nam thì năm nay không phải là thời điểm tốt để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng nếu chúng ta có một kế hoạch, dự án tốt với những kế hoạch dự phòng phù hợp, thì bất cứ lúc nào cũng là thời điểm phù hợp để có thể khởi công công trình này, dù bên cạnh đó là rất nhiều khó khăn.

Sau khi ra đời, tất nhiên phải có một cơ chế quản lý Trung tâm tài chính quốc tế. Trước tiên, chúng ta phải có một cơ chế pháp lý, quy chế đặc biệt cho Trung tâm đó. Cụ thể: Các giao dịch tại Trung tâm tài chính quốc tế được phép thực hiện và quản lý như thế nào dưới các quy định luật pháp của Việt Nam và liệu các quy định luật pháp của Việt Nam sẽ tương thích hay đối lập với thông lệ quốc tế? Hơn nữa, nhiều vấn đề mới sẽ phát sinh. Cụ thể là việc Chính phủ đang nghiên cứu việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số (Cryptocurrency) và tiền kỹ thuật số sẽ được quy định chặt chẽ hơn và được phát triển và mở rộng trong tương lai. Rồi một tòa án có khả năng và thẩm quyền để xử lý các tranh chấp liên quan đến giao thương quốc tế khi mà các giao dịch quốc tế tăng gấp bội qua sự phát triển của Trung tâm tài chính.

Vấn đề trọng tâm ở đây vẫn là một là một nền tảng pháp lý chặt chẽ quy định các hoạt động của Trung tâm tài chính. Trên nền tảng đó, chúng ta bắt đầu xây dựng các cơ sở vật chất, con người, tới kỹ thuật, triển khai chương trình marketing trên thế giới, để họ biết rằng Việt Nam đã có một Trung tâm tài chính quốc tế như Singapore; Hồng Kông…, (Trung Quốc) lôi kéo, thu hút sự quan tâm của các nhà nhà đầu tư tài chính trên thế giới.

Nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật

Là một chuyên gia về tài chính toàn cầu, ông có những kinh nghiệm nào hay, thực tế từ các nước phát triển tốt về lĩnh vực này để khuyến cáo với Việt Nam?

- Một vấn đề mà tôi rất quan tâm đối với việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là liệu các nhà đầu tư có sự tin tưởng vào Trung tâm tài chính này không? Ngay cả thị trường chứng khoán chúng ta vẫn đang ở mức thấp nhất, vẫn là thị trường cận biên. Từ đây chúng ta tìm cách bước vào thị trường mới nổi và sau hết là thị trường phát triển. Vì thế, ngoài hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế, chúng ta phải đưa thị trường chứng khoán của chúng ta từ cận biên lên thị trường mới nổi, để tạo uy tín. Từ đó, thu hút các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, để có thể hỗ trợ Trung tâm tài chính quốc tế.

Cùng với việc nâng hạng thị trường chứng khoán, hệ thống pháp luật của Việt Nam phải thay đổi nhanh chóng. Việt Nam có rất nhiều luật, quy định, nhưng còn rườm rà và chồng chéo. Tôi sống ở bên Mỹ và thấy rằng luật của Mỹ rất đơn giản và tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân Mỹ rất cao. Họ không cần nhiều luật, nhưng họ rất tôn trọng pháp luật. Còn các quy định pháp luật của Việt Nam thì rất nhiều nhưng mâu thuẫn và phủ định nhau. Đặc biệt, tính tuân thủ pháp luật của người dân rất thấp. Ngay cả khi một bộ luật còn chưa ra đời, các doanh nghiệp đã tìm mọi cách để “lách luật” trước, còn ở nước ngoài thì ngược lại họ đi tìm các biện pháp để tuân thủ. Do đó, các DN cần phải thay đổi tư duy và nâng cao hơn nữa tinh thần thượng tôn pháp luật.

Với tinh thần đó, nó sẽ tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Bởi các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam, họ luôn cố gắng tìm hiểu và tuân thủ hệ thống pháp luật của nước ta. Trong trường hợp, các doanh nghiệp trong nước cứ giữ tinh thần cũ, tư duy cũ, cố tình “lách luật” thì sẽ tạo ra một sân chơi không công bằng đối với các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Một trong những lo ngại của các chuyên gia trong việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam là khi Trung tâm đi vào hoạt động không thu hút được khách hàng, trong khi chúng ta đầu tư quá nhiều kinh phí vào đó. Theo ông, để Trung tâm tài chính quốc tế thực sự hấp dẫn, cần phải có thêm yếu tố nào?

- Để xây dựng một trung tâm tài chính, thương mại lớn như thế phải đầu tư một khoản kinh phí rất lớn. Cũng chính vì thế chúng ta phải tính đến hiệu quả của hoạt động này. Chúng ta có thể dự trù Trung tâm tài chính có thể đạt điểm hòa vốn sau khi đi vào hoạt động 3 - 5 năm và điểm thu hồi vốn đầu tư có thể đạt được sau khoảng 10 năm. Đây là một gánh nặng tài chính cho ngân sách quốc gia và dự án này có rủi ro tiềm ẩn. Đối với các nhà quản lý, xây dựng và thiết kế Trung tâm phải đưa ra những phương án, kịch bản khác nhau, với những giả định khác nhau. Những kịch bản và giả định đó cần sự tham gia, đóng góp ý kiến từ tất cả các chuyên gia, nhà kinh tế, cũng như sự tham gia rộng rãi từ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và người dân.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đọc thêm