Nợ xấu đe dọa tính ổn định hệ thống tín dụng
Ngày 1/1/2024 đánh dấu thời điểm kết thúc hiệu lực của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; là quy định thí điểm nhằm tạo điều kiện cho TCTD xử lý nhanh, dứt điểm các khoản nợ xấu tồn đọng.
Việc văn bản này không được gia hạn hay luật hóa thành quy định mang tính ổn định, đã tạo ra một khoảng trống pháp lý nghiêm trọng, đặc biệt trong vấn đề xử lý TSBĐ, là công cụ pháp lý quan trọng nhất để TCTD bảo vệ khả năng thu hồi vốn.
Nghị quyết 42/2017 đã cho phép TCTD thực hiện quyền thu giữ TSBĐ với điều kiện nghiêm ngặt và quy trình minh bạch. Khi quy định này hết hiệu lực mà chưa có quy định kế thừa tương ứng, việc TCTD tiếp tục thu giữ TSBĐ, nếu không được sự đồng thuận từ bên bảo đảm, sẽ đứng trước rủi ro pháp lý đáng kể.
Trước hết, TCTD không có quyền cưỡng chế tài sản một cách đơn phương nếu không có căn cứ pháp lý rõ ràng. Khi Nghị quyết 42/2017 hết hiệu lực, bất kỳ hành vi thu giữ TSBĐ nào, dù có thỏa thuận trong hợp đồng, cũng có thể bị xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu hoặc chiếm giữ trái luật, dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng, gồm cả trách nhiệm hành chính hoặc hình sự.
Thiếu cơ chế thu giữ TSBĐ khiến TCTD gặp khó trong việc xử lý nhanh TSBĐ, từ đó kéo dài thời gian thu hồi nợ xấu, ảnh hưởng đến thanh khoản và an toàn vốn. Việc phải khởi kiện, chờ bản án có hiệu lực và thi hành án (THA) thường kéo dài rất lâu, chưa kể đến trường hợp tranh chấp kéo dài, tài sản bị xuống cấp hoặc không thể phát mãi do tình trạng pháp lý không rõ ràng.
Trong Báo cáo 54/BC-CP năm 2022, Chính phủ đã chỉ ra: Sau khi Nghị quyết 42/2017 hết hiệu lực, “một số TCTD lúng túng trong xử lý TSBĐ; tình trạng chây ỳ của bên vay có xu hướng tăng trở lại do thiếu áp lực pháp lý”…
Cần luật hóa một cách rõ ràng và chặt chẽ
Để khắc phục khoảng trống pháp lý hiện nay sau khi Nghị quyết 42/2017 hết hiệu lực, đồng thời tạo sự cân bằng hài hòa giữa quyền lợi của TCTD và quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của bên bảo đảm, cần thiết hoàn thiện pháp luật theo hướng luật hóa một cách rõ ràng và chặt chẽ cơ chế thu giữ TSBĐ.
![]() |
Các ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các tổ chức, doanh nghiệp nhưng cũng đứng trước nguy cơ bị nợ xấu. |
Trước hết, cần bổ sung quy định cụ thể trong Luật các TCTD về quyền thu giữ TSBĐ theo phương thức có điều kiện như quy định tại Điều 7 Nghị quyết 42/2017. Theo đó, TCTD chỉ được thực hiện hành vi thu giữ TSBĐ nếu có đầy đủ thỏa thuận bằng văn bản trong hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã được đăng ký hợp pháp, tài sản không đang bị tranh chấp hoặc kê biên, quá trình thu giữ tuân thủ đầy đủ các bước công khai, thông báo đến bên bảo đảm cũng như cơ quan liên quan. Việc thu giữ cần được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của chính quyền cơ sở nhằm tránh lạm dụng, minh bạch và bảo đảm trật tự xã hội.
Cần xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp xã và cơ quan công an trong việc phối hợp, hỗ trợ và giám sát quá trình thu giữ, đặc biệt trong việc giữ an toàn, an ninh trật tự, xử lý các tình huống phát sinh. Việc phối hợp này không chỉ dừng ở tính khuyến nghị mà cần được cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật có tính bắt buộc, ràng buộc trách nhiệm pháp lý rõ ràng.
Ngoài ra, cần thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông về tình trạng pháp lý TSBĐ. TCTD cần được trao quyền tra cứu thông tin liên quan đến tài sản trước khi tiến hành thu giữ TSBĐ, nhằm không để xảy ra tình trạng thu giữ nhầm tài sản đang bị tranh chấp, kê biên hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT). Cơ sở dữ liệu này cần được vận hành trên nền tảng kết nối giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, Tòa án, Cơ quan THA dân sự và Văn phòng đăng ký đất đai nhằm bảo vệ tính cập nhật, chính xác và khả năng tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả, đúng thẩm quyền.
Để tạo điều kiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên bảo đảm, đồng thời giữ gìn tính hợp pháp của quá trình thu giữ, cần xây dựng cơ chế kiểm soát và khiếu nại hiệu quả. Trong đó, nên cho phép bên bảo đảm được quyền gửi đơn khiếu nại khẩn cấp khi cho rằng việc thu giữ TSBĐ vi phạm trình tự hoặc xâm phạm quyền lợi chính đáng. Trường hợp có căn cứ, cơ quan thẩm quyền cần có thể áp dụng ngay BPKCTT nhằm tạm dừng việc thu giữ TSBĐ.
Đồng quan điểm về vấn đề cần hoàn thiện quy định về quyền thu giữ TSBĐ, GS.TS. Võ Xuân Vinh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, ĐH Kinh tế TP HCM) cũng cho rằng cần luật hóa quyền thu giữ TSBĐ của TCTD và tổ chức xử lý nợ (TCXLN); đi kèm với các quy định chi tiết, minh bạch về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện, gồm cả việc thông báo cho bên bảo đảm và các bên liên quan. Cần quy định rõ các trường hợp được phép thu giữ và các biện pháp bảo vệ quyền lợi của bên bảo đảm trong quá trình thu giữ, không vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội.
Tiếp đến là đẩy nhanh thủ tục tố tụng và thi hành án. Cần luật hóa các quy định cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan TSBĐ tại tòa án. Đồng thời, hoàn thiện các quy định liên quan kê biên, xử lý TSBĐ trong quá trình THA dân sự, có sự phối hợp hiệu quả giữa TCTD và cơ quan THA.
“Chúng ta cũng cần giải quyết rốt ráo các vướng mắc liên quan đến TSBĐ là vật chứng, tang vật. Theo đó, luật hóa quy định về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự hoặc tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho TCTD để xử lý, với các điều kiện và thủ tục rõ ràng để không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ việc”, GS.TS Vinh nói.