APEC sẽ tăng cung cấp năng lượng sạch trong khu vực

Việt Nam đã hợp tác rất tốt về năng lượng với các nước láng giềng và các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Trong thời gian tới, APEC sẽ tăng cường an ninh năng lượng, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cung cấp năng lượng sạch trong khu vực.

Việt Nam đã hợp tác rất tốt về năng lượng với các nước láng giềng và các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Trong thời gian tới, APEC sẽ tăng cường an ninh năng lượng, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cung cấp năng lượng sạch trong khu vực.

Hôm qua (22/3), Hội nghị Thượng đỉnh Năng lượng khu vực Châu Á -Thái Bình Dương 2012 với chủ đề “Tạo ra các nguồn năng lượng sáng tạo: Tiếp sức cho một châu Á thịnh vượng” do Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Văn phòng Nghiên cứu Châu Á Quốc gia (Mỹ) tổ chức đã kết thúc tại Hà Nội. Dự Hội nghị có hơn 150 đại biểu gồm các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu về năng lượng từ hơn 20 nước trên thế giới.

Hiện nay, Châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn xuất phát từ nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Yêu cầu cấp bách đặt ra đối với các nước khu vực là phải nhanh chóng cải cách hệ thống năng lượng, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, mở rộng mạng lưới phân phối và tiêu thu điện sang các vùng nông thôn, các vùng kém phát triển hơn nhằm duy trì tốc độ tăng trường kinh tế cao, phát triển bền vững, giúp xoá đói giảm nghèo, và bảo vệ môi trường.

Các đại biểu cho rằng các chính phủ ở Châu Á cần tạo ra một môi trường khuyến khích đầu tư phát triển nguồn cung năng lượng mới, phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất năng lượng sạch, và sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả.

Về xây dựng thị trường điện hiệu quả và linh hoạt, các đại biểu đều nhận thấy tầm quan trọng phải có một thị trường điện tự do, cạnh tranh lành mạnh, vừa giúp tăng doanh thu để các công ty có thêm nguồn tài chính đầu tư nghiên cứu và phát triển các nguồn cung cấp điện mới, nhưng cũng phải tăng khả năng tiếp cận điện của người dân.

Các đại biểu xác định trở ngại lớn nhất để xây dựng thị trường năng lượng hiệu quả là việc định giá năng lượng như điện, than, khí hoá lỏng. Hiện nay, các chính phủ thường định giá điện thấp hơn giá thành sản xuất. Việc định giá điện không theo cung cầu thị trường đã làm cho nhiều các công ty điện lực rơi vào tình trạng bất ổn về tài chính, không thể mở rộng để đáp ứng nhu cầu mới về điện ngày càng tăng cao.

Ngoài ra, việc định giá điện thấp hơn giá thị trường còn tạo ra môi trường kinh doanh kém thuận lợi, giảm niềm tin của nhà đầu tư, không khuyến khích sự tham gia của khu vưc tư nhân cũng như nhà đầu tư nước ngoài vào ngành điện.  Các đại biểu cho rằng việc định giá điện, cũng như các nguồn cung cấp năng lượng khác theo giá thị trường, sẽ giúp xây dựng được môi trường công bằng, cạnh tranh bình đẳng và do đó buộc các doanh nghiệp phải tìm các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo các đại biểu, cần phải thực hiện nhiều bước để thiết lập một môi trường kinh doanh lành mạnh: chính phủ phải có chính sách rõ ràng về mục tiêu phát triển thị trường điện; xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp, minh bạch, dễ tiên lượng, có biện pháp quản lý rủi ro, và tính đến lợi ích của tất cả các bên liên quan; thiết lập một cơ quan giám sát năng lượng độc lập nhằm tránh tình trạng độc quyền điện; và có các văn bản đầy đủ và chi tiết hướng dẫn hoạt động cho các thành viên tham gia thị trường.

Về hợp tác khu vực về năng lượng, các đại biểu cho biết một số trường hợp đã hợp tác rất tốt như ở khu vực Nam Á giữa Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal, hay tại Đông Nam Á giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước láng giềng trong khuôn khổ tiểu vùng sông Mê Công GMS.

Trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, APEC cũng đưa ra định hướng tăng cường an ninh năng lượng, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cung cấp năng lượng sạch trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đưa ra các sáng kiến như “Sáng kiến Mạng lưới Điện thông minh”. Trên phạm vi toàn cầu, Liên Hợp Quốc xác định năm 2012 là năm “Năng lượng bền vững cho tất cả các nước”, “tạo điều kiện tiếp cận năng lượng cho người dân với chi phí giảm”.

Các đại biểu cũng quan tâm đến việc phát triển điện hạt nhân tại Châu Á.

Việt Nam ưu tiên đảm bảo an toàn hạt nhân

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thanh Nghị tuyên bố: "Việt Nam luôn xác định bảo đảm an ninh an toàn là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển và ứng dụng năng lượng hạt nhân, đồng thời ủng hộ quyền của các quốc gia được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, cũng như là các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân".

Ông Nghị cũng khẳng định rằng, Việt Nam coi trọng và sẵn sàng mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân.

Về Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai tại Hàn Quốc từ ngày 26-27/3 tới, Việt Nam sẽ nêu bật các nỗ lực và biện pháp đã thực hiện thời gian qua nhằm đảm bảo an toàn hạt nhân ở mức độ cao nhất, đồng thời nỗ lực cùng các nước có các biện pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh an toàn hạt nhân, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị này.

Là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai tại Hàn Quốc nhằm khẳng định chính sách nhất quán trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và đảm bảo an ninh an toàn hạt nhân.

Trong thời gian qua, Việt Nam có nhiều hoạt động quan trọng trong lĩnh vực hạt nhân. Việt Nam và Nga vừa ký hiệp định về việc vận chuyển các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt về Nga.

Hiệp định này cùng với các Hiệp định về xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, khẳng định sự hợp tác mang tính chiến lược giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Phúc Lợi

Đọc thêm