Đáng chú ý, A/RES/75/27 là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công. Biến chủng mới của virus corona đang hoành hành tại Anh càng cho thấy cả thế giới không thể “tự đốt đuốc, dò đường” đi một mình mà cần phải có sự chia sẻ, phối hợp cùng nhau để chống lại dịch bệnh.
Đại dịch là hồi chuông cảnh tỉnh để cùng đoàn kết lại
Cách đây vừa tròn một năm, thế giới đã chào đón năm 2020 với rất nhiều niềm tin về một tương lai tốt đẹp. Thế nhưng, niềm vui hân hoan ấy chưa kéo dài được bao lâu thì “bóng ma virus Vũ Hán” đã phủ bóng đen lên toàn thế giới. Tính đến thời điểm này đã có gần trăm triệu người nhiễm virus và gần hai triệu người tử vong vì nguyên nhân virus tàn phá hệ miễn dịch cơ thể.
Rất nhiều cường quốc trên thế giới đã và đang lao đao vì virus corona từ tỷ lệ người nhiễm bệnh tăng cao hàng giờ, hàng ngày cho tới “sức khỏe” của nền kinh tế sụt giảm nghiêm trọng, số người thất nghiệp, mất việc, bị giảm giờ làm, giảm lương tăng cao chưa từng có…
Trong bối cảnh như vậy, tư duy xác định từng quốc gia không thể “tự đốt đuốc, dò đường” đi một mình mà cần phải có sự chia sẻ, phối hợp, cập nhật thông tin, kinh nghiệm chống dịch, kết quả nghiên cứu vaccine với các nước trên thế giới để cùng nhau chống lại dịch bệnh là rất cần thiết. Và đây cũng chính là bối cảnh để Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc Nghị quyết A/RES/75/27.
Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, các tổ chức trong hệ thống của Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực khác, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các cá nhân và các thành phần liên quan khác kỷ niệm “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” vào 27/12 hàng năm nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch, từ đó, có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.
Ngày 27/12 được lựa chọn do đây là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vác-xin đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới.
Từ ý tưởng nhân văn và cấp thiết này của Nghị quyết, đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên LHQ. Các nước Canada, Niger, Senegal, Saint Vincent & Grenedines và Tây Ban Nha đã tham gia đồng tác giả với Việt Nam và 107 nước khác tại tất cả các khu vực đã tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết.
“Đại dịch đã khiến chúng ta trở tay không kịp nhưng nó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta tăng cường khả năng phòng chống dịch bệnh” - Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc đã nói như vậy khi ông thay mặt các nước đồng tác giả giới thiệu về Nghị quyết A/RES/75/27. Lời nhấn mạnh này của ông đã được nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin.
Cũng theo Đại sứ Đặng Đình Quý, trong quá trình thương thảo Nghị quyết, có những khó khăn và thuận lợi như thế nào, mà chúng ta phải vượt qua.
“Khó khăn thứ nhất là dịch bệnh phát triển rất phức tạp, các nước đều quan tâm vấn đề chống dịch, trong bối cảnh đó có rất nhiều nước đưa ra dự thảo nghị quyết, có những dự thảo được 5, 6 nước đưa ra nhưng không được thông qua mà chỉ có những ý chính của những dự thảo đó được đưa vào một nghị quyết chung về Covid-19.
Khó khăn thứ hai là quan niệm của các nước về nguồn gốc dịch bệnh, đồng thời là vai trò của cơ chế đa phương và các giải pháp đa phương, đặc biệt là của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho nên điều này được tranh luận rất nhiều, dẫn đến quá trình tham vấn rất khó khăn.
Nhưng, bên cạnh đó, chúng ta có thuận lợi lớn nhất là các nước đều thấy tác động của đại dịch Covid-19 quá kinh khủng, đều thấy sự cần thiết phải có sự chuẩn bị để chống, đối phó với dịch hiện tại, đồng thời phòng ngừa và chống các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Thuận lợi thứ hai là chính những thành tựu của Việt Nam trong kiểm soát dịch Covid-19 đã tạo ra một sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng quốc tế khi chúng ta đàm phán, cũng như khi chúng ta vận động các nước đồng bảo trợ” – trao đổi với truyền thông ông cho biết.
Việt Nam đoàn kết với quốc tế ứng phó với đại dịch Covid-19
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh để cả thế giới “sực tỉnh” và Nghị quyết A/RES/75/27 chính là kết quả từ sự “sực tỉnh” đó đến nhận thức cần đoàn kết cùng nhau tăng cường khả năng phòng chống dịch bệnh.
Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với chủ đề “Ðại dịch và các thách thức đối với hòa bình bền vững”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh các cam kết của Việt Nam và kêu gọi tăng cường hợp tác, đoàn kết quốc tế cùng ứng phó thành công đại dịch.
Thực tế cho thấy, ngay từ những ngày đầu tiên cũng như giai đoạn căng thẳng nhất khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam đã chủ động, trách nhiệm, chia sẻ khó khăn và đóng góp thiết thực vào nỗ lực chống lại đại dịch. Trong khả năng của mình, Việt Nam đã và đang sẵn sàng cung cấp các vật tư, thiết bị y tế “Made in Viet Nam”.
Thực hiện phương châm “Giúp bạn là tự giúp mình”, ngay khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Việt Nam đã tặng Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay, khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp hỗ trợ nhân dân Trung Quốc số vật tư y tế trị giá 100.000 USD để phòng, chống dịch.
Việt Nam đã tặng hai nước Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trị giá hơn 7 tỷ đồng cho mỗi nước; tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm, Myanmar 50.000 USD để chung sức phòng, chống Covid-19; tặng Cuba 5.000 tấn gạo…
Bên cạnh hoạt động trao tặng, viện trợ vật tư y tế, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng liên tục có các động thái, phát biểu hối thúc cộng đồng quốc tế, khu vực cùng chung tay chống lại “kẻ thù chung”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi thư tới các nghị viện thành viên Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) kêu gọi chung tay chống dịch Covid-19.
Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh; chủ trì Hội đồng điều phối ASEAN để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các đối tác để ứng phó dịch bệnh; tổ chức Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hoa Kỳ với chủ đề hợp tác quốc tế phòng, chống dịch Covid-19; khởi động cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực ASEAN và với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3); tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G20, Hội nghị cấp cao trực tuyến phong trào không liên kết về phòng, chống dịch bệnh…
Việt Nam đã cùng các nước như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, Australia, New Zealand… tiến hành nhiều cuộc điện đàm ở các cấp khác nhau, với số lượng kỷ lục chưa từng có trong hoạt động ngoại giao của nước ta.
Trong đó, Việt Nam cùng các nước tập trung cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước, tại khu vực và trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm và biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như các hình thức hợp tác hiệu quả trong công tác bảo hộ công dân, cung ứng trang thiết bị y tế, phối hợp trong các hình thức viện trợ nhân đạo, duy trì giao thông và giao thương cũng như việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mở cửa và hồi phục nền kinh tế hậu Covid-19…
… Trong khuôn khổ một bài báo, không thể kể hết những hoạt động Việt Nam đã, đang và sẽ làm để cùng thế giới chống lại dịch bệnh. Và đó cũng chính là tinh thần xuyên suốt, là “sợi chỉ đỏ” của Nghị quyết A/RES/75/27 về “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” hàng năm mà hôm nay 27/12/2020 là ngày đầu tiên kỷ niệm.
Để thay lời kết, xin nhắc lại lời của Ngoại trưởng Italia ông Luigi Di Maio: “Người dân Italia sẽ luôn ghi nhớ sự nghĩa hiệp và tinh thần đoàn kết mà Việt Nam đã thể hiện trong lúc cần thiết. Cùng đoàn kết, chúng ta sát cánh bên nhau! Cùng đoàn kết, chúng ta sẽ thành công!”.