Argentina không truy tố người bị hãm hiếp phá thai

Trong một phán quyết được cho là sẽ tạo ra một tiền lệ pháp lý lịch sử, Tòa án Tối cao Argentina ngày 13/3 đã chính thức hợp pháp hóa việc phá thai của các nạn nhân bị hiếp dâm, đồng nghĩa với việc họ sẽ không bị truy tố trước pháp luật khi bỏ đi kết quả của một hành vi phạm tội.

Trong một phán quyết được cho là sẽ tạo ra một tiền lệ pháp lý lịch sử, Tòa án Tối cao Argentina ngày 13/3 đã chính thức hợp pháp hóa việc phá thai của các nạn nhân bị hiếp dâm, đồng nghĩa với việc họ sẽ không bị truy tố trước pháp luật khi bỏ đi kết quả của một hành vi phạm tội.

Các nhà hoạt động kêu gọi hợp pháp hóa việc phá thai. Ảnh: BBC
Các nhà hoạt động kêu gọi hợp pháp hóa việc phá thai. Ảnh: BBC

Cuộc tranh cãi dài

Phán quyết nói trên được đưa ra sau một thời gian dài tranh cãi giữa các nhà làm luật cũng như công luận Argentina quanh yêu cầu phá thai của một nạn nhân bị hiếp dâm đến mang bầu khi mới 15 tuổi.

Theo kết quả điều tra, cô bé có tên AG này đã bị cha dượng lạm dụng tình dục và hiếp dâm trong vài năm liền nhưng mọi việc chỉ được đưa ra ánh sáng sau khi cô gái có thai. Tháng 2/2010, mẹ của cô gái nộp đơn yêu cầu bệnh viện khu vực Chubut cho con gái bà được bỏ thai.

Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện này trong một văn bản trả lời đã từ chối yêu cầu của người mẹ và nói rằng trường hợp của cô không nằm trong các trường hợp cho phép phá thai theo quy định của Bộ luật Hình sự Argentina. Ngày 12/3/2010, một thẩm phán cũng đã từ chối yêu cầu phá thai của cô gái với lập luận rằng, cả cô gái và bào thai đều dễ bị tổn thương như nhau nhưng quyền lợi của thai nhi được ưu tiên hơn so với tình trạng sức khỏe hiện tại của cô gái.

Đến cuối tháng 3/2010, Tòa án Tối cao Chubut đã đảo ngược phán quyết của tòa cấp dưới và cho phép A.G khi đó đang ở tuần thứ 23 của thai kỳ được phá thai.

Tiền lệ lịch sử

Phán quyết vừa được đưa ra hôm 13/3 giữ nguyên quyết định hồi năm 2010 của Tòa án Tối cao tỉnh Chubut, làm rõ một điều khoản tối nghĩa trong bộ Luật Hình sự có hiệu lực từ năm 1922. Theo đó, mục 2, điều 86 của Bộ luật Hình sự Argentina quy định, việc phá thai sẽ không bị truy tố “nếu việc mang thai là kết quả của một vụ hiếp dâm hoặc tấn công nhằm vào một phụ nữ có vấn đề về thần kinh”.

Điều khoản này được một số phẩn phán diễn giải rằng việc phá thai chỉ được chấp thuận trong các trường hợp người phụ nữ “có sức khỏe tâm thần” yếu ớt bị hiếp dâm. Ngược lại, một số thẩm phán khác cho rằng những người phụ nữ sẽ không bị truy tố đã phá thai sau khi bị cưỡng hiếp.

Tuy nhiên, theo phán quyết vừa đưa ra, những nạn nhân bị hiếp dâm giờ không cần phải được sự đồng ý của cơ quan tư pháp mà chỉ cần điền vào bản khai có tuyên thệ và nộp cho bác sỹ là sẽ được phép phá thai. Tòa án Tối cao là cơ quan tư pháp cao nhất của Argentina và quyết định của tòa này sẽ không thể bị kháng cáo. “Phán quyết này đã tạo ra một tiền lệ pháp lý tuyệt vời.

Tất cả những người phụ nữ giờ sẽ có quyền này mà không cần tòa án can thiệp tới” – luật sư Sandra Grilli nói. Grilli là người đại diện pháp lý cho cô bé AG - người đã bị cha dượng làm nhục và tìm cách tự tử khi phát hiện mình đã mang thai.

“Đây là một phán quyết nhân đạo. Nó sẽ cứu được rất nhiều mạng sống và giải thoát nhiều đau khổ” – bác sỹ Mabel Bianco – một bác sỹ tích cực trong các chiến dịch vận động ủng hộ phá thai ở Argentina nói.

Một báo cáo năm 2010 của Tổ chức Theo dõi nhân quyền cho thấy, mỗi năm có khoảng 400.000 đến 600.000 nghìn phụ nữ Argentina phá thai bất hợp pháp. Các nhà hoạt động tại nước này từ lâu đã dẫn chứng tỉ lệ tử vong cao của các sản phụ để chứng minh rằng các quy định hiện hành về việc cấm nạo phá thai không hiệu quả.

Theo các nhà hoạt động nhân quyền, phụ nữ, đặc biệt là các cô gái trẻ, thường gặp rủi ro cao khi phá thai trong các điều kiện nguy hiểm, mất vệ sinh.

Hà Dung (Theo BBC, Financial Times)

Đọc thêm