Hình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ chụp được cách đây khoảng một thángcho thấy hai khẩu pháo tự hành xuất hiện tại một trong những đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Dù pháo không gây ra mối đe dọa với máy bay hay tàu Mỹ nhưng chúng có thể vươn tới các đảo kế cận, theo Wall Street Journal.
Ông Mira Rapp Hooper, giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, chuyên theo dõi các diễn biến ở Biển Đông, cho hay, giới phân tích trước đó cũng phát hiện các hệ thống pháo trên ít nhất hai trong số những công trình bồi đắp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Đó là một bước leo thang và đáng lo ngại", Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, trong buổi họp báo diễn ra ngày 29/5 tại TP HCM, nhận xét về động thái di chuyển vũ khí tới đảo tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc.
"Nếu Trung Quốc triển khai khí tài quân sự đến chuỗi đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa thì đó thật sự là một nước đi đầy nguy hiểm", Jonathan Eyal, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.
Mỹ điều chiến hạm Fort Worth tuần tra gần Trường Sa để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Ảnh: US Navy |
Khủng hoảng quân sự
Giáo sư Michael Pillsbury, cựu giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược Trung Quốc của Lầu Năm Góc, cho rằng loạt hành động phô trương sức mạnh hay những thay đổi trong chính sách quốc phòng mà Bắc Kinh thực hiện kết hợp với việc nước này triển khai vũ khí tới đảo nhân tạo sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng quân sự trong tương lai.
Xinhua hôm 28/5 đưa tin, sau nhiều lần đối đầu với tàu chiến và máy bay Mỹ, quân đội Trung Quốc quyết định đưa một số hệ thống vũ khí tới tham gia cuộc diễu binh nhằm biểu dương lực lượng tại đảo Hải Nam. Những khí tài được triển khai gồm chiến đấu cơ J-10, máy bay chiến đấu hạng nặng WZ-10, xe tăng lội nước Type 63A, tên lửa chống tăng cùng các xe thiết giáp chỉ huy.
Vì Hải Nam có khả năng sẽ trở thành căn cứ quân sự chính của Trung Quốc nếu xung đột nổ ra trên Biển Đông nên Bắc Kinh muốn chuẩn bị tốt nhất cho người dân trên đảo để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống giao tranh, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho biết thêm.
Theo ông Eyal, "những động thái quân sự gần đây đã phơi bày mưu đồ của Trung Quốc muốn áp đặt quyền kiểm soát lên một trong những tuyến đường biển nhạy cảm bậc nhất thế giới. Chúng cũng cho thấy tham vọng lâu dài của nước này: duy trì hiện diện quân sự thường trực" trên Biển Đông.
Dù thượng nghị sĩ McCain đã nêu rõ nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc "vẫn còn khá xa xôi" nhưng rõ ràng việc Bắc Kinh phô diễn những vũ khí tối tân tại đảo Hải Nam là một nước cờ chính trị nhằm chứng minh rằng họ đang chuẩn bị cho một kịch bản đối đầu quân sự cuối cùng.
Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực sắp vướng vào một tình thế mới với nhiều rủi ro hơn trước, ở đó "Trung Quốc không chỉ đơn thuần khẳng định chủ quyền mà còn ra sức củng cố chúng bằng quân sự", ông Eyal nhấn mạnh.
Trung Quốc hôm 26/5 công bố Sách trắng Quốc phòng, tài liệu về chiến lược quân sự và những yêu cầu thay đổi trong tư duy quốc phòng của nước này. Ngoài đề ra yêu cầu quân đội phải thay đổi tư duy "coi trọng lục quân, xem nhẹ hải quân", Sách trắng lần này còn nhấn mạnh những nguy cơ an ninh mà Trung Quốc đang gặp phải, đặc biệt trên vấn đề biển đảo, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung trên Biển Đông gia tăng.
Global Times, phụ bản của People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân cơ hội này, khẳng định Bắc Kinh không muốn chiến tranh nhưng nếu mục đích cuối cùng của Washington là buộc họ phải ngừng các hoạt động trên Biển Đông thì Chiến tranh Thế giới thứ ba là "không thể tránh khỏi". Tờ báo này đồng thời thêm rằng mọi hành vi can thiệp từ các quốc gia bên ngoài đều có thể khiến xung đột bùng phát và Trung Quốc "sẵn sàng chấp nhận".
Giọng điệu có phần hung hăng cho thấy Bắc Kinh vẫn không hề có ý định từ bỏ việc mở rộng phi pháp các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Sự khăng khăng cùng những đánh giá sai lầm của Trung Quốc về tình thế hiện tại là yếu tố nguy cơ khiến "căng thẳng leo thang nhanh chóng và trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện", ông Robert Dujarric, giám đốc Viện nghiên cứu châu Á Đương đại thuộc Đại học Temple, bình luận.
Washington, tại hội nghị an ninh châu Á cuối tuần qua, khẳng định sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo tự do hàng hải và an ninh trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói hành động của Trung Quốc đang "làm xói mòn an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương" và Mỹ "có mọi quyền hợp pháp để quan tâm và tham gia".
Theo Jonathan Pollack, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Mỹ-Trung tại Viện Brookings, Washington, câu hỏi quan trọng nhất vào lúc này là Trung Quốc sẽ làm gì sau khi chuyển vũ khí tới đảo nhân tạo ở Biển Đông? Tiếp tục quá trình xây dựng hay tận dụng sức mạnh quân sự để đánh bật các nước khác khỏi tranh chấp?./.