ASEAN mở rộng phạm vi hợp tác để hội nhập kinh tế thế giới

Trong hai ngày 26, 27-8, tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 42, các Bộ trưởng đã tham vấn với các nước đối tác đã ký kết Hiệp định Khu vực tự do mậu dịch (FTA) với ASEAN, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand nhằm tìm kiếm giải pháp tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế giữa ASEAN và những nền kinh tế lớn của thế giới. AEM cũng gặp gỡ và thảo luận với Cao ủy Thương mại châu Âu (EU) Karel De Gucht tại phiên tham vấn AEM-EU lần thứ 9.

* Phát huy tiềm năng, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước

Trong hai ngày 26, 27-8, tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 42, các Bộ trưởng đã tham vấn với các nước đối tác đã ký kết Hiệp định Khu vực tự do mậu dịch (FTA) với ASEAN, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand nhằm tìm kiếm giải pháp tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế giữa ASEAN và những nền kinh tế lớn của thế giới. AEM cũng gặp gỡ và thảo luận với Cao ủy Thương mại châu Âu (EU) Karel De Gucht tại phiên tham vấn AEM-EU lần thứ 9.

Mô tả ảnh.

Phiên tham vấn AEM - Ấn Độ lần thứ 8.

Qua các buổi tham vấn, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN ghi nhận, thương mại giữa ASEAN và các nước đối tác vẫn diễn ra năng động. Mặc dù bị suy giảm trong năm 2009 nhưng kim ngạch thương mại vẫn cao hơn so với thời điểm trước khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, chiếm tỷ lệ 11,6% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. EU và Nhật Bản tiếp tục là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào ASEAN.

Trong đó, thương mại buôn bán hai chiều EU - ASEAN năm 2009 đạt 118 tỷ euro, chiếm hơn 5% tổng thương mại của EU. Riêng EU đã tài trợ nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật thương mại để giúp thúc đẩy sự hội nhập trong khu vực ASEAN. Những dự án này hoạt động trên một loạt các lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng năng lực thống kê, hỗ trợ các đàm phán Hiệp định FTA và sự phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Tại hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế Công nghiệp Mê Công - Nhật Bản, các Bộ trưởng đã thảo luận và thông qua Kế hoạch hành động thực hiện Sáng kiến hợp tác Kinh tế Công nghiệp Mê Công - Nhật Bản. Sáng kiến này chỉ rõ những điều cần làm để phát triển cơ sở hạ tầng phần cứng, phần mềm và tăng cường tạo thuận lợi thương mại, phát triển dịch vụ và các ngành công nghệ mới. Các Bộ trưởng ASEAN cũng hoan nghênh sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản với mục tiêu hình thành các cộng đồng thông minh tại Đông Á và các nước ASEAN nhằm xây dựng các hệ thống năng lượng thông minh và các cơ sở hạ tầng xã hội thông minh hướng tới một xã hội bền vững.

Sau khi ASEAN hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định FTA với Úc, New Zealand (2009) và Ấn Độ (2010), các nước ASEAN đã có thêm động lực để tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại trong khu vực phát triển. Các Bộ trưởng nhận định, bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu, tổng mức đầu tư FDI từ Úc - New Zealand vào ASEAN vẫn tăng, từ 10 tỷ USD năm 2008 lên 14,9 tỷ USD năm 2009. Năm 2009, thương mại ASEAN với Ấn Độ khá cao và Ấn Độ đứng thứ 7 trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của ASEAN.

Tại các cuộc đối thoại, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại thường xuyên với khu vực doanh nghiệp để các quan chức kinh tế có thể nắm rõ các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện. Đồng thời, lưu ý đến các chương trình hợp tác kinh tế trong việc cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các bên, đặc biệt là các nước kém phát triển. Hiện nay, mặc dù Hiệp định FTA với các nước đối tác đã được thực thi nhưng tỷ lệ sử dụng các FTA còn chưa cao, nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng triệt để những ưu đãi của Hiệp định FTA mang lại.

Do vậy, các Bộ trưởng đã giao các quan chức kinh tế xem xét nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục tình trạng này. Trong đó, chú trọng việc phổ biến thông tin cho công chúng, phát hành các tài liệu giới thiệu và tăng cường thuận lợi hóa thương mại thông qua đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa…

Với việc tổ chức các phiên tham vấn với những nước đối tác quan trọng, ASEAN tiếp tục khẳng định tinh thần hợp tác, sẵn sàng đối thoại với các khu vực kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn. Qua đó, một mặt tạo mối quan hệ thương mại, đầu tư, kinh tế ổn định, lâu dài và bền vững với các đối tác; mặt khác, khẳng định mục tiêu xây dựng một cấu trúc khu vực mới về hợp tác kinh tế, trong đó, ASEAN đóng vai trò trung tâm.

* Ngày 27-8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Võ Hồng Phúc đã chủ trì Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phát triển lưu vực Mê Công lần thứ 12 (AMBDC 12) với sự tham dự của đại biểu các nước ASEAN và Trung Quốc. Tại hội nghị này, các Bộ trưởng đã ghi nhận tiến độ triển khai các dự án phát triển lưu vực sông Mê Công. Theo đó, tính đến 13-7-2010 đã có 47 dự án đang được triển khai ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, các Bộ trưởng quan tâm đến dự án Đường sắt Singapore - Côn Minh và ghi nhận tiến độ triển khai dự án này.

Hiện tại, các đoạn còn thiếu đang được triển khai kết nối ở các mức độ khác nhau, tuyến kết nối các thủ đô nơi Đường sắt Singapore - Côn Minh đi qua có chiều dài khoảng 7.000 km. Được biết, dự án này đã huy động được 4,7 triệu USD vốn tài trợ không hoàn lại, ADB đã cho Campuchia vay khoảng 40 triệu USD. Thông qua hội nghị này, các Bộ trưởng cho rằng, các nước thành viên AMBDC cần phải nỗ lực hơn nữa để góp phần tăng cường sự kết nối và phát triển của khu vực.

* Ngày 28-8, Hội nghị lần thứ nhất Bộ trưởng Kinh tế 4 nước gia nhập ASEAN sau, gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) đã diễn ra nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Hội nghị đã khép lại chương trình hoạt động của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN 42 diễn ra tại Đà Nẵng từ 21 đến 28-8.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã ghi nhận mặc dù quan hệ kinh tế và thương mại giữa các nước CLMV có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây nhưng vẫn còn tiềm năng để đẩy mạnh hơn nữa những thành tựu đã đạt được như việc phát triển chợ biên giới và các hoạt động thương mại biên giới. Các Bộ trưởng nhất trí tập trung tạo những điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại giữa các nước CLMV và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại.

Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, các Bộ trưởng đã thảo luận và nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chương trình đào tạo nghề và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ hành chính công. Nhằm tăng cường dòng vốn đầu tư giữa các nước, các bộ trưởng đã nhất trí tạo thuận lợi cho các khoản đầu tư thông qua những ưu đãi riêng, khuyến khích đầu tư vào các khu kinh tế đặc biệt, khu chế xuất dọc theo khu vực biên giới giữa các nước. Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV và các nước ASEAN khác, các Bộ trưởng nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp chính sách trong các diễn đàn hợp tác tiểu vùng, khu vực và quốc tế nhằm thu hút các nguồn lực từ các đối tác phát triển.

Đồng thời, lưu ý các biện pháp như: Hợp tác xây dựng các dự án ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng; tăng cường hợp tác với các tổ chức khu vực và quốc tế như ADB, ERI và các nước đối thoại; tiếp tục nghiên cứu đề xuất thành lập Quỹ Phát triển CLMV nhằm mục đích thu hút các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển...

Dịp này, các Bộ trưởng quyết định Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV sẽ họp hai lần một năm gắn với Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, từng nước sẽ luân phiên thực hiện vai trò điều phối. Trong trường hợp các Hội nghị AME không được tổ chức tại các nước CLMV, các bên sẽ phối hợp với nước chủ nhà để triển khai hội nghị này.
    
Tin và ảnh: M.HẠNH

Đọc thêm