Cây “ATM phát gạo” nói trên được đặt tại khuôn viên trường Đại học Phú Xuân (số 28 Nguyễn Tri Phương, TP. Huế, Thừa Thiên Huế). Đây là ý tưởng của các giảng viên các trường Đại học Phú Xuân, Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế, Cao đẳng Công nghiệp Huế, được Công ty TNHH MTV Giải pháp Công nghệ 1A hỗ trợ và lắp đặt máy. Để vận hành cây ATM đặc biệt này, một số nhà hảo tâm tình nguyện mang gạo đến góp, ủng hộ khoảng 3 tấn gạo.
Về cơ chế hoạt động, mỗi lần bấm nút thì cây ATM này sẽ cho ra tầm 2kg gạo, bên cạnh sẽ có bàn hỗ trợ để nước mắm và dầu ăn cho những ai thật sự cần. Cho nên, những người đến nhận gạo đa phần là những người lao động chân tay, làm nghề đạp xích lô, bán vé số, lượm ve chai,…
Người dân khi sử dụng atm gạo sẽ được cung cấp gạo và dầu ăn, hoặc nước mắm nếu người dân cần thiết |
Tuy nhiên, trên thực tế, ngay từ sáng sớm ngày 11/4, việc phát gạo từ cây ATM nhằm hỗ trợ cho người dân đã bị hoãn lại bởi vì người dân tụ tập quá đông, trái với tinh thần giãn cách xã hội.
Lực lượng công an, cán bộ dân phố đã có mặt kịp thời để giám sát, hướng dẫn mọi người giữ khoảng cách an toàn và giải tán đám đông. Sau khi tạm hoãn việc phát gạo, một số người dân tìm chỗ vắng người, chờ đợi thông tin từ nhóm phát gạo thiện nguyện của trường Đại học Phú Xuân.
“Tôi bình thường bán ve chai, mà bữa nay dịch nên không buôn bán được. Gần đây có đứa cháu trong xóm bảo có phát gạo miễn phí nên cũng mong muốn tới nhận một ít gạo về cho đỡ khó khăn.” bà Nguyễn Thị Bé (hành nghề lượm ve chai ở phường Kim Long, TP. Huế) chia sẻ.
Trước tình huống trên, nhóm tổ chức đã tiến hành phát phiếu hẹn, ghi nhận thông tin bao gồm: tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại,… để chuyển gạo về tận nhà cho từng người. Theo nhóm tổ chức cho biết, hiện tại phương án này chỉ là tạm thời vì số lượng người đến nhận gạo quá đông.
“Hiện tại, nhóm đang nghiên cứu phương án phù hợp để hỗ trợ người dân nhận gạo sớm nhất. Dự kiến sẽ tiến hành lắp đặt thêm 3 điểm phát gạo ở các vị trí: Nhà thi đấu thể thao tỉnh (đường Hà Huy Tập), Trường CĐCN (đường Nguyễn Huệ) và 1 nơi ở phía bắc sông Hương.” chị Hồ Thị Hạnh Tiên (cán bộ Trường Đại học Phú Xuân) - phụ trách nhóm cho hay.