Giới chức Australia vừa gây chú ý khi công bố hàng loạt các thông tin mật về vật thể bay không xác định (UFO), còn gọi nôm na là đĩa bay, vốn được họ giữ kín lâu nay. Sự kiện đã lập tức thu hút sự chú ý của những người vẫn tin vào sự tồn tại của sự sống ngoài hành tinh và các nền văn minh ngoài Trái đất.
Suýt điều máy bay chiến đấu ngăn chặn đĩa bay
Các tài liệu được Trung tâm lưu trữ Quốc gia Australia công bố sau quá trình giữ bí mật dài 30 năm cho thấy rất nhiều hiện tượng nhìn thấy đĩa bay từng diễn ra tại nước này trong giai đoạn những năm 1970 - 1980. Nổi bật nhất là một báo cáo đóng dấu tuyệt mật ghi lại vụ chạm trán đĩa bay ở vùng Sydney, nằm trong khuôn khổ chiến dịch ''Close Encounter".
|
Hình ảnh duy nhất về "đĩa bay" được công bố kèm với bộ hồ sơ của Australia |
Chiến dịch này được Đơn vị kiểm soát và báo cáo số 3 tại căn cứ Williamtown của Không lực Hoàng gia Australia (RAAF) đóng gần Newcastle triển khai vào ngày 30/6/1983, sau khi người ta phát hiện có những vật thể bay lạ xuất hiện vào đầu tháng.
Các nhân viên kiểm soát không lưu ở Mascot, ngoại ô Sydney, nói rằng những vật thể bay lạ này xuất hiện ở khu vực nằm cách phía Bắc Sydney từ 100 - 200km và di chuyển với "tốc độ dao động từ 1100 - 6500 km/h ở độ cao rất lớn". Hoạt động của chúng đã khiến 2 chiếc máy bay chiến đấu Mirage của RAAF được đặt ở mức báo động cao thứ 2 và suýt nữa đã cất cánh can thiệp.
Ba quan chức cao cấp điều khiển hoạt động phòng thủ trên không sau đó đã được điều tới Sydney để kiểm tra sự cố và ra lệnh cho các máy bay chiến đấu phải ngăn chặn vật thể lạ nếu họ có cơ hội. Tuy nhiên, một quan chức sau đó đã đề nghị có sự so sánh dữ liệu với trung tâm rađa ở khu Mascot và các vùng bên cạnh. Không lâu sau đó, việc kiểm tra cho thấy các vật thể lạ được báo cáo ở Sydney thực tế đã xuất hiện do hiện tượng nhiễu tín hiệu giữa các trạm rađa.
Trong báo cáo gửi lên cấp trên, lãnh đạo Đơn vị kiểm soát và báo cáo số 3 nói rằng chiến dịch Close Encounter kéo dài 66 ngày rưỡi, trong đó người ta đã sử dụng xe công vụ để di chuyển trên quãng đường dài 1.000 km và còn dùng máy bay vận tải C130 Hercules để chở các quan chức phòng không. Ông kết luận rằng do hoạt động liên lạc kém giữa các trạm rađa nên đã gây nên sự tốn kém không cần thiết kể trên.
"Thật may mắn, chúng ta vẫn chưa đưa máy bay chiến đấu lên trời và vì thế sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho RAAF" - ông nói.
Hàng loạt vụ "chạm trán" khác nhau
Các báo cáo khác trong bộ hồ sơ mật còn có thông tin chi tiết về "một vật thể bay không xác định có hình tròn" đã xuất hiện tại khu vực Milo Station ở Adavale, Queensland. Báo cáo có nói tới một số bức ảnh đã được chụp vào thời điểm đó, nhưng chúng đã không được công bố cùng với hồ sơ.
Sĩ quan cảnh sát Geoffrey Russell từ đồn cảnh sát địa phương đã ghé qua địa chỉ được báo kể trên và viết một báo cáo cho Căn cứ Amberley của RAAF nằm gần Ipswich. Ông nói rằng đã thấy có những vết lõm hình tròn trên mặt đất. Ông nghi ngờ chúng do một kẻ nào đó đi xe máy và tạo ra với ý đồ nghịch ngợm, nhưng rồi lại từ bỏ ý kiến này. "Tôi có cảm giác đây không phải là trò đùa quá lố của ai đó, dù tôi không biết rõ thứ gì đã tạo nên các dấu ấn kia" - ông viết.
Theo Russell, các vòng tròn có đường kính 233 cm và nằm trong nó là một vòng tròn khác có đường kính 201 cm. Chúng nằm lõm sâu dưới đất khoảng 15 - 20 mm. Đất quanh vành ngoài của các vòng tròn này đã bị thổi bay tung đi, giống như tác động từ sức ép phản lực.
Một báo cáo đáng chú ý nữa nói rằng bác nông dân Robin Priebe ở Queensland đã gọi điện cho cảnh sát vùng Imbil vào 5h30 trong tháng 7/1983 để báo cáo về việc nhìn thấy đĩa bay xuất hiện trên trời ở phía Bắc thị trấn.
Báo cáo nói rằng Thượng sĩ Waterson sau đó đã tới hiện trường và cũng thấy "một vùng sáng trắng kỳ lạ xuất hiện trên trời với nhiều đốm sáng nhấp nháy ở xung quanh nó ''. Waterson cho biết ánh sáng không giống bất kỳ chiếc máy bay bình thường nào. Sĩ quan cảnh sát R. Keys ở cùng vùng Imbil cũng xác nhận hiện tượng tương tự và không thể lý giải được đó là thứ gì.
Về phần Priebe, ông còn mô tả kỹ hơn rằng ánh sáng ban đầu có màu đỏ sáng, sau đó chuyển dần thành sáng trắng và di chuyển từ từ về phía Đông. Thông qua ống nhòm, ông thấy vùng sáng có hình "như chiếc đĩa, với các vùng đường viền sáng hơn hẳn những vùng khác, bên cạnh 4 điểm sáng nhấp nháy chia đều quanh thân".
Bộ hồ sơ chỉ có duy nhất một bức ảnh, chụp lại các ánh sáng bất thường đã xuất hiện ở vùng Bendigo và được hàng trăm người chứng kiến vào tháng 5/1983. Một báo cáo do RAAF thực hiện có nói rằng đài truyền thanh 3BO ở Bendigo đã nhận được nhiều cú điện thoại từ độc giả báo cáo về hiện tượng và phát thanh viên Mike Evans của đài còn chụp được hình ảnh về những ánh sáng trên.
Tuy nhiên, RAAF bác bỏ thông tin đĩa bay, cho rằng đó có thể là đèn pha tàu hỏa, tia laser hoặc ánh sáng phản chiếu từ các ngôi sao đặc biệt sáng trong vũ trụ.
Một niềm đam mê khó tắt
Động thái công bố thông tin đĩa bay của Australia diễn ra sau khi hai nước nằm trong khối Thịnh Vượng chung là Anh và New Zealand cũng đã có các hành động tương tự, nhằm thỏa mãn sự tò mò của công chúng, đồng thời để xóa bỏ các thông tin nói rằng chính phủ có những chương trình bí mật liên quan tới người ngoài hành tinh.
Với Zoe D'Arcy, giám đốc phụ trách hoạt động cung cấp thông tin trực tuyến ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia, việc công bố thông tin ở Australia cũng nhằm đạt mục đích trên. "Trong khi các vụ chạm trán bí hiểm khiến bạn và tôi nghĩ về một chiếc đĩa bay, thì RAAF và các cơ quan khác có thể coi chúng như mối đe dọa an ninh" - ông giải thích.
Nhưng D'Arcy không phủ nhận độ hấp dẫn của các thông tin , bởi chúng liên quan tới đĩa bay, một trong những chủ đề đã khiến nhân loại tốn không biết bao nhiêu giấy mực và các tranh cãi về sự tồn tại của đĩa bay vẫn kéo dài tới tận giờ.
"Phần lớn các hồ sơ sẽ khiến các bạn nghĩ rằng, chà đây chắc chỉ là thiên thạch thôi. Nhưng cũng có những hồ sơ sẽ khiến các bạn băn khoăn tự hỏi rằng đó là thứ gì? Bản thân tôi cũng không thể giải thích được." - ông nói - "Vậy thực sự những con người đó đã gặp hiện tượng gì? Đây là một câu hỏi mở đã tạo rất nhiều hứng thú cho tôi và có thể là cả những người khác nữa".
Tường Linh (theo SMH)