Công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG) chính thức ký hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Liên đoàn Điền kinh (LĐĐK) Việt Nam hợp đồng độc quyền phát sóng. Mừng cho hai liên đoàn bội thu tiền mà họ cho là “mang tầm chiến lược”, nhưng không ít người vẫn lo ngại giới hạn của cái “tầm chiến lược” ấy.
Trong lúc nhiều liên đoàn thể thao dè dặt, hai liên đoàn trên mạnh dạn thương thảo và quyết định ký hợp đồng. Từ đây, AVG giành quyền độc quyền khai thác bản quyền truyền hình đối với các giải đấu thuộc 2 liên đoàn trên. AVG là chủ sở hữu bản quyền phát sóng, chỉ đồng ý để các đài trích 10% thời lượng để làm tin, phục vụ việc quảng bá hình ảnh giải đấu.
VFF và LĐĐK ký hợp đồng với AVG nhanh như vậy là bởi AVG đưa ra những đề nghị tài chính hấp dẫn: ngoài khoản tiền cố định hàng năm cho 2 liên đoàn mà cả hai còn được hưởng 20% lợi nhuận thu lại từ các hoạt động khai thác thương quyền giải đấu do AVG thực hiện. Với LĐĐK, mức phí cố định AVG đưa ra 50 triệu đồng. Với VFF, con số trên cao hơn và mỗi năm VFF sẽ thu trên dưới 30 tỷ đồng. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ hào hứng: “VFF không thể cứ để xem V-League “chùa” mãi được.
Với VFF, 30 tỷ đồng/mùa, kéo dài 3 mùa (2011 – 2013) ký với Eximbank là giá trị hợp đồng kỷ lục VFF. Nhờ bản hợp đồng này, giá trị tiền thưởng của V-League 2011 tăng từ 1 tỷ lên 3 tỷ đồng. Nhưng nay lại thêm hợp đồng độc quyền với AVG, VFF sẽ thu khoản tiền lớn.
Đã xuất hiện một kỷ lục chưa từng có đối với bản quyền các giải đấu thể thao của Việt Nam và nó kéo dài tới 20 năm. Nhưng chính sự kéo dài này khiến nhiều người băn khoăn trước khả năng lợi ích của người dân bị ảnh hưởng, xuất phát từ việc độc quyền của AVG. Thực tế vụ K+ đã chứng minh điều đó.
Kể từ đây, người Việt Nam xem bóng đá Việt, xem điền kinh Việt phải trả tiền, nhưng phải trả bao nhiêu, có như vụ K+ không cũng cần được AVG, VFF và LĐĐK thông tin cụ thể.
Trần Long