Cuối năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục với nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, vừa qua khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này thì nội dung tăng lương nhà giáo đã bị rút.
Đề xuất tăng lương giáo viên bị rút
Theo tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), vấn đề lương nhà giáo đã được xác định rõ trong Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng miền.
“Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương đang nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp để trình Trung ương. Vì vậy, để đảm bảo đồng bộ với các luật khác thì không sửa đổi vấn đề tiền lương của nhà giáo ở Luật này. Lương sẽ do Chính phủ quy định cụ thể”, tờ trình của Chính phủ nêu.
Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với dự luật cũng cho hay, đến nay Bộ Giáo dục đã nhận được ý kiến của 22 bộ, ngành. Trong đó 7/22 cơ quan đồng ý với dự luật, 15/22 đơn vị có góp ý. Riêng nội dung tăng lương nhà giáo không nhận được ý kiến đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp là Nội vụ và Tài chính. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Bộ Nội vụ để trình Chính phủ, trình Quốc hội phương án tổng thể về tiền lương và phụ cấp của nhà giáo để đảm bảo sự tương quan, thống nhất về tiền lương, phụ cấp với các ngành, nghề khác trong giai đoạn tới.
Bộ Nội vụ thì cho biết, nhà giáo hiện nay được xếp lương theo chức danh nghề nghiệp quy định tại bảng 3, được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề. Đây là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với nhà giáo... “Thời gian qua, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương và phụ cấp làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề”, Bộ Nội vụ nhấn mạnh. Cùng với một số lý do khác, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo trong dự luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ủng hộ quan điểm lương giáo viên phải được xếp cao nhất
Tuy nhiên, thảo luận về dự luật, nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương nhà giáo. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, giáo viên cần có chính sách tiền lương hợp lý, mang tính chất bền vững. Nếu chỉ tính đầu vào, quan tâm đến tín dụng sinh viên là chưa ổn mà cần chú ý đầu ra. Giáo viên phải được thụ hưởng chính sách tiền lương hợp lý thì mới thu hút người giỏi, đội ngũ nhà giáo mới có chất lượng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phân tích, Nghị quyết 29 quy định ưu tiên xếp tiền lương của nhà giáo cao nhất trong bậc thang lương - tức là không phải trong nhóm cao nhất. Do đó, cần sửa đổi quy định để khẳng định “xếp cao nhất” trong khối hành chính sự nghiệp, từ đó có cơ sở thực hiện.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, luật này rất quan trọng nên cần lấy ý kiến, có tham vấn xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của học sinh, tránh thử nghiệm. Đào tạo giáo viên cần tiệm cận chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, phải xem các nước ưu tiên đào tạo sư phạm thế nào? Tại sao sinh viên giỏi ở Việt Nam không tự nguyện vào học sư phạm?
Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quan điểm của Bộ Tư pháp trước việc rút đề xuất tăng lương giáo viên của Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: “Chúng tôi thống nhất ủng hộ quan điểm lương giáo viên phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Theo đó, nhà giáo xứng đáng được hưởng điều này với những lý do phù hợp và thuyết phục là giáo viên làm công việc rất đặc thù, nghề cao quý của những nghề cao quý.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, một số bộ không đồng tình với lý do là Chính phủ đang chuẩn bị đề án cải cách chính sách tiền lương. Đặc biệt điều mà Bộ trưởng Lê Thành Long băn khoăn là hiện nay, lương và phụ cấp của giáo viên đã được quy định ở khá nhiều văn bản như Luật, Nghị định và Thông tư. “Các văn bản về chế độ chính sách, tiền lương không có quy định riêng về chuyên ngành và trong trường hợp nếu chúng ta phải đợi văn bản quy định chung về tất cả chính sách thì e rằng sẽ chậm. Bộ Tư pháp và bản thân tôi cũng áy náy về vấn đề này”- Bộ trưởng Lê Thành Long nói.