Gần 10 năm nay, con ngõ hẹp chừng 5m2 ở vùng quê nghèo xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) của cô giáo Nguyễn Thị Thông đã trở thành nơi mang con chữ đến với bao trẻ em nghèo nơi đây.
Cũng như bao lớp học khác, có lớp, có cô và trò, chỉ khác là lớp học của cô Thông chỉ là con ngõ nhỏ được lợp bằng những tấm phên cũ nát, chiếc bảng được chắp vá, học sinh là những em nhỏ sáng đến lớp học chiều về phải đi làm kiếm sống.
“Tôi sẽ đem chữ về cho họ đỡ nghèo”
Sau hơn 30 năm công tác trong nghề, năm 2001, cô Thông về nghỉ hưu, sống độc thân cùng với người chị gái mù lòa. Về nghỉ hưu nhưng với lòng yêu nghề và hơn hết là chứng kiến cảnh những đứa trẻ nghèo quê mình không có điều kiện đến trường phải chịu cảnh thất học, cô Thông quyết định mở lớp dạy miễn phí. Học sinh của cô là những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiện đến trường hay cả những người lớn còn mù chữ.
|
Cô Thông luôn tận tâm chỉ bảo cho từng em học sinh.
|
Trò chuyện với chúng tôi vào một ngày đầu xuân, cô Thông tâm sự: “Tôi nghĩ mình sẽ đem chữ về cho họ đỡ nghèo, mình tìm đến với những mảnh đời cơ nhỡ để các em sớm hòa nhập với cộng đồng, dạy miễn phí chắc họ sẽ đến với tôi và sẽ cho con đi học”.
Từ những suy nghĩ và trăn trở đó, lớp học tình thương của cô Thông ra đời. Để có học sinh, cô bắt đầu lặn lội đến từng thôn, từng nhà một để vận động, thuyết phục các bậc bố mẹ cho con đến học chữ. Rồi những em học trò cũng tự tìm đến với cô. Nhưng biết dạy cho các em ở đâu? Cái khó ló cái khôn, cũng bởi nhà chật không đủ chỗ, cô Thông đã sử dụng ngõ ra vào làm lớp học, lấy thanh tre làm thước, dùng cánh cửa làm bàn và muợn sách về dạy.
Lớp học mỗi ngày một đông dần, từ buổi đầu chỉ có vài ba em rồi lên hàng chục em và thêm cả lớp dành cho những người lớn tuổi chưa biết chữ. Những học sinh đến với cô đều có cái chung là đói ăn, đói mặc và đói cả cái chữ. Khởi đâu lớp học tình thương là bao khó khăn với cả cô và trò. Học sinh nghèo không có tiền mua sách, sách cũ cải cách không còn phù hợp, trò thì đói, cô thì thiếu.
Thế là cô lại phải lặn lội đi khắp nơi sưu tầm những tài liệu, sách và tìm những nguồn hỗ trợ cho các em học sinh nghèo của mình.
Lớp học đầy ắp tình thương
Cứ sau mỗi buổi dạy, người ta lại thấy cô giáo Thông rời lớp học cuốc bộ khắp đường làng ngõ xóm, gặp lãnh đạo và Chi hội khuyến học nhờ tìm và giới thiệu cho mình những trẻ em lang thang hay những em có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật chưa được đi học để thuyết phục các em đến lớp.
Có nhiều trường hợp bố mẹ không cho con đi học và bản thân các em cũng không muốn đến lớp, cô Thông không tiếc thời gian, công sức và bỏ qua những mặc cảm, tự ái, cô khuyên các em đi học như đang khuyên nhủ chính con mình để các em phải ra lớp mới thôi. Trước tấm lòng của cô giáo nghèo, nhiều trường hợp lúc đầu không đồng ý rồi cũng đến với cô.
Trong quá trình học, em nào đột nhiên nghỉ học đến buổi thứ 2, dù bận mấy không kể sớm tối cô Thông liền tìm đến nhà thăm hỏi. Với đồng lương hưu ít ỏi, còn phải lo cho hai miệng ăn và trang trải cuộc sống, nhưng cô vẫn chắt bóp lo cho các em học sinh có đủ một bộ tài liệu để học. Với những học sinh quá khó khăn, cô gõ cửa các tổ chức đoàn thể hỗ trợ các em. Cô còn tìm đến những gia đình có điều kiện để xin quần áo cũ cho những em học sinh nghèo thiếu áo thiếu quần khiến anh đi học em phải nghỉ. Tháng nào cô Thông cũng cố gắng dành dụm ít lương hưu của mình dự phòng khi có cháu nào đói qúa để mua cái lót dạ cho các em.
|
Lớp học nằm trong con ngõ hẹp luôn đầy ắp tình thương.
|
Nhắc đến những học sinh của mình, cô Thông chia sẻ: “Có lần đang dạy, một học sinh bị tụt huyết áp, tôi phải cõng cháu chạy vội đến trạm xá. Sau buổi học, đến thăm gia đình mới được biết mẹ cháu bị ốm triền miên nên bữa đói bữa no, vì nể tôi mà gia đình cho cháu đi học. Tôi liền lên báo cáo với UBND xã và xin hỗ trợ và gia đình được xã hỗ trợ cấp cho mỗi cháu trong gia đình 10kg gạo”.
Không chỉ chăm lo từ cái ăn, cái mặc và sức khỏe của từng em mà trong qúa trình dạy cô Thông còn chỉ bảo các em rất tận tâm. Đối với học sinh yếu cô kèm cặp hoặc phân công cho em khá kèm thêm. Đã có nhiều em học sinh nhờ đó mà có đủ kiến thức để theo học tại trường và trưởng thành trong cuộc sống.
Những cố gắng không biết mệt mỏi của cả cô trò cũng đã được an ủi bằng những tấm lòng hảo tâm của nhiều cá nhân, đơn vị và tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Ngoài việc mở lớp học tình thương, cô Thông còn tham gia công tác khuyến học tại địa phương. Những cố gắng không biết mệt mỏi của người phụ nữ đã ngoài ngũ tuần đã khơi dậy truyền thống hiếu học và phong trào học tập nơi vùng quê nghèo ven biển xã Ngư Lộc.
Rời lớp học tình thương, chúng tôi ra về mang theo hình ảnh những khuôn mặt của những đứa trẻ đến lớp còn nhem nhuốc bởi những vất vả của đời thường, nhưng ánh mắt các em rạng ngời bởi các em đã được sưởi ấm bằng chính tình thương vô bờ của cô giáo Thông.
Theo Dân trí