Từ khi mới sinh ra, Sử Minh Triển, người dân tộc Chăm ở xã Phước Nam, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), không may bị bại liệt bẩm sinh. Càng lớn lên đôi chân càng teo tóp, việc đi lại hằng ngày phụ thuộc hoàn toàn vào đôi tay, nhưng Triển rất ham học. Năm 2007, Sử Minh Triển đã xuất sắc thi đỗ vào ngành Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng.
|
|||
|
Xa quê, sống một thân một mình, chuyện ăn ở, học tập của Triển trong những ngày đầu ở Trường Cao đẳng Công nghệ khó khăn, vất vả trăm bề. Do chưa có bạn bè, mỗi lần đi học, Triển tự lái xe lăn đến lớp và dùng tay đi lên cầu thang. Nhiều hôm thời tiết thay đổi, người mệt lả, không có ai giúp đỡ, Triển đành phải nghỉ học. Thấu hiểu hoàn cảnh đáng thương của Triển, người bạn học cùng lớp Nguyễn Trọng Tấn, nhà ở phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tình nguyện cõng Triển đến trường trong suốt gần 3 năm qua.
Bất kể mưa hay nắng, cứ đầu mỗi buổi học, Tấn đến ký túc xá Trường Cao đẳng Công nghệ cõng Triển đến lớp, với quãng đường dài gần 200 mét. Nhiều hôm trời nắng nóng, cõng bạn mệt toát mồ hôi, nhưng Tấn vẫn mỉm cười hạnh phúc khi giúp bạn. Còn người dân sống ở gần khu vực trường, mỗi lần nhìn thấy cảnh Tấn cõng Triển đến lớp, ai nấy đều thán phục tình cảm của đôi bạn trẻ này. Không những thế, nhiều lần Tấn chạy xe máy từ nhà xuống ký túc xá để giúp Triển học bài, rồi thi thoảng chở Triển đi dạo cho biết phố phường Đà Nẵng. Triển kể, nhiều lần biết được em hết tiền ăn do gia đình chưa gửi kịp, Tấn chạy xuống giả vờ chở em về nhà chơi, rồi sau đó xin tiền bố mẹ đưa cho em. Tuy giá trị không lớn, nhưng khi cầm trên tay số tiền vài chục nghìn hay trăm nghìn của Tấn đưa cho, Triển đã xúc động đến rơi nước mắt.
Nói về động cơ giúp bạn của mình, Nguyễn Trọng Tấn tâm sự: Những ngày đầu khi mới gặp Triển, thấy bạn ấy chỉ một thân, một mình, lại bị khuyết tật đi lại vất vả, nên em cảm thấy thương cảm vô cùng. Từ đó, em tự hứa với lòng mình là sẽ cố gắng tranh thủ thời gian để giúp đỡ bạn ấy, nhằm động viên Triển vươn lên trong học tập. Và không phụ lòng thương yêu, giúp đỡ của Tấn, trong gần 3 năm qua, Triển đã nỗ lực học tập và đạt kết quả cao, với kết quả hằng năm luôn đạt loại khá. Triển cho biết, sau khi tốt nghiệp cao đẳng trong năm học 2009-2010 này, em sẽ tiếp tục học liên thông lên đại học ở Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, phấn đấu sau này trở thành kỹ sư giỏi về công nghệ thông tin để có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân mình.
Về phần mình, Nguyễn Trọng Tấn cũng cho biết, nếu trong thời gian đến Triển tiếp tục học liên thông ở Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, em sẽ cố gắng tranh thủ dàn xếp thời gian đưa bạn đi học, để giúp Triển đạt được ước mơ của mình. “Hạnh phúc lớn nhất đối với em chính là sự sẻ chia, giúp đỡ, mang được niềm vui đến cho người khác”, Tấn chân tình nói.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN