Ba năm thi hành, 8 lĩnh vực tư pháp chưa một biên bản phạt

Dù chính phủ đã có một Nghị định riêng (Nghị định 60/CP năm 2009) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, nhưng trên thực tế việc xử phạt gặp rất nhiều khó khăn do hành vi vi phạm khó phát hiện, dễ "bốc hơi", lực lượng xử phạt lại quá mỏng.

Dù chính phủ đã có một Nghị định riêng (Nghị định 60/CP năm 2009) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, nhưng trên thực tế việc xử phạt gặp rất nhiều khó khăn do hành vi vi phạm khó phát hiện, dễ "bốc hơi", lực lượng xử phạt lại quá mỏng.

“Nắm kẻ trọc đầu”

Nghị định trên quy định việc xử phạt hành chính trong tất cả các lĩnh vực được coi là "nóng" nhất của ngành Tư pháp như Thi hành án dân sự, công chứng, luật sư, tư vấn pháp luật, bán đấu giá tài sản, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp... So với quy định cũ, mức phạt theo nghị định này tăng lên đáng kể.

v
Có đến 8 lĩnh vực phạt vi phạm hành chính tư pháp chưa từng được “mở màn” (Ảnh: Một cuộc cưỡng chế thi hành án)

Tuy nhiên, thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, trong 3 năm thực hiện Nghị định (từ 2010 – 2012), mới chỉ có 6/14 lĩnh vực có hành vi vi phạm bị phát hiện và xử phạt. Như vậy, còn đến 8 lĩnh vực xử phạt của ngành Tư pháp đang bị "bỏ trắng", tức chưa hề xử phạt. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không có vi phạm xảy ra.

Điển hình như trong lĩnh vực thi hành án dân sự là lĩnh vực mà vi phạm xảy ra hàng ngày, hàng giờ. Chỉ đơn giản như việc cán bộ thi hành án đến tống đạt giấy tờ mà đương sự cố tình trốn tránh, không nhận, được triệu tập mà không đến; hay như việc có điều kiện mà cố tình trì hoãn không thi hành án, cố tình tẩu tán, làm hư hỏng tài sản... cũng có thể bị phạt từ 50 ngàn - 5 triệu đồng.

Qua khảo sát tại các địa phương, những người có thẩm quyền rất hiếm khi ra quyết định xử phạt. Một phần do yếu tố về tâm lý (phạt rồi lần sau đương sự còn “chầy bửa” hơn), phần khác những đối tượng này khi đã phải thi hành án thì có tâm lý đối phó. Có phạt họ cũng không chấp hành (không nộp tiền phạt), trong khi cán bộ xử phạt không có một chế tài nào buộc họ thực hiện, như vậy phạt cũng giống như nắm vào đầu... kẻ không có tóc.

Hay như việc xử phạt trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, các hành vi như cưới chưa đủ tuổi, tổ chức cưới cho người chưa đủ tuổi... cũng sẽ bị phạt. Tuy nhiên, chẳng mấy ai trong "ngày vui trăm năm" lại kéo người đến xử phạt, nhất là khi các hành vi vi phạm đó xảy ra ở các làng xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa, khi hiểu biết của người dân về pháp luật còn nhiều hạn chế và giữa các gia đình luôn bị ràng buộc bởi các mối quan hệ dòng tộc.

Thiếu lực lượng, vi phạm dễ "bốc hơi".

Một trong những lực lượng chính được quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp đó chính là Thanh tra Sở Tư pháp. Dù luật quy định cơ cấu của Thanh tra Sở gồm Chánh Thanh tra, Phó chánh Thanh tra (không quá 2 người), Thanh tra viên và các chuyên viên, nhưng thực tế ở địa phương, phần lớn những chức danh này đang thiếu trầm trọng. Có nơi thiếu Chánh, nơi thiếu Phó, có nơi cả bộ máy Thanh tra chỉ vẻn vẹn... một người. Vì lực lượng quá mỏng, xử phạt là rất rất khó.

Ba năm 2010 – 2012, Thanh tra Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã ban hành 2.517 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 834 triệu đồng. Các vi phạm bị phát hiện và xử phạt, phần lớn thuộc lĩnh vực hộ tịch (3.951 quyết định xử phạt), công chứng (gần 536 triệu đồng tiền phạt), luật sư, thi hành án dân sự, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp…

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình, ông Bùi Văn Xuyền cho biết: Thanh tra Sở này có 3 người, hàng năm hoạt động theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, chủ yếu mới chỉ “nặng” kiểm tra, còn việc xử lý vi phạm hành chính thì “chưa xử được ai”.

Hay ở Điện Biên, dù đã có Thanh tra Sở, nhưng với quân số chỉ có Chánh Thanh tra và một chuyên viên, một năm chỉ tiến hành thanh tra hai cuộc, còn xử phạt thì chưa thực hiện.

Lực lượng mỏng, việc xử phạt rất khó khăn. Khó nhất từ khâu phát hiện vi phạm. Ví dụ hành vi không đăng ký khai sinh, không đăng ký khai tử, việc không đăng ký, thì chỉ có... người thân của người đó mới biết; chính quyền, người xử phạt không thể biết. Thậm chí nhiều vụ, phát hiện ra rồi, thanh tra viên có mặt thì người thực hiện vi phạm đã "cao chạy xa bay" và xóa mọi dấu vết. Do ít người, thanh tra cũng không thể có mặt ở mọi lúc mọi nơi.

Phạt cao hơn, vi phạm sẽ giảm?

Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng mức xử phạt lên cao hơn đối với một số hành vi vi phạm để góp phần vào công tác phòng ngừa, giáo dục. Theo Sở Tư pháp Hà Nội, hiện mức phạt cho một số hành vi như gian dối, không trung thực khi làm chứng chỉ bị phạt từ 500 ngàn – một triệu đồng; tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung giấy tờ để công chứng hợp đồng, giao dịch bị phạt từ 1 - 2 triệu; công chứng ngoài trụ sở mà không có lý do chính đáng phạt từ 3 - 5 triệu… là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Ngoài ra, một số hành vi khác như tiếp nhận hồ sơ ngoài trụ sở, các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh… lại chưa có chế tài để xử lý, làm ảnh hưởng đến môi trường hành nghề nói chung.

Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 60/CP, Nghị định 87/CP... theo hướng tăng mức phạt cho phù hợp với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính sắp có hiệu lực (1/7/2013). Một số lĩnh vực cũng được đề xuất tăng mức phạt chủ yếu như với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như công chứng, luật sư, bán đấu giá tài sản… Đồng thời dự thảo cũng bổ sung thêm nhiều nhóm hành vi vi phạm mới ở tất cả các lĩnh vực tư pháp.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm