Bà Rịa - Vũng Tàu dự thảo Kế hoạch hành động về “Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giai đoạn 2020-2025”

(PLVN) - Ngày 28/5, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nghe Sở Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo Dự thảo Kế hoạch hành động về “Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025”.

Cuộc họp về Dự thảo Kế hoạch hành động về “Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025”.
Cuộc họp về Dự thảo Kế hoạch hành động về “Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025”.

Theo báo cáo của cơ quan điều tra Công an tỉnh và các huyện, thị xã, TP, từ năm 2015-2019 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 349 vụ xâm hại trẻ em (với 377 trẻ bị xâm hại), trong đó có 181 vụ xâm hại tình dục trẻ em, 105 vụ bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, 61 vụ bạo lực trẻ em và 02 vụ mua bán trẻ em.

Sở LĐ&TBXH tỉnh đánh giá, nguyên nhân chính của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em là do nhận thức của người dân về chấp hành pháp luật còn hạn chế; sự tác động từ các phương tiện truyền thông; việc quản lý, giáo dục con của nhiều gia đình còn lỏng lẻo, thiếu kiến thức về giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; sự biến chất của một số bộ phận người lớn; vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ các em.

Theo đó, Dự thảo của Sở LĐ&TBXH đề xuất thực hiện 7 nhóm hoạt động bao gồm: nâng cao nhận thức và vận động xã hội về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng ngừa bạo lực học đường, hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở pháp luật; cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; tiếp nhận khám, chữa bệnh, phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp của ngành y đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; tăng cường công tác điều tra thân thiện với trẻ em; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em và xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ trẻ em.

Dự thảo Kế hoạch hành động đã đề xuất các giải pháp tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em;

Phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em; ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111); tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành.

Đọc thêm