"Bắc cầu" đưa pháp luật đi nhanh hơn vào cuộc sống

Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn là “cầu nối” giữa pháp luật và cuộc sống, một trong những giải pháp được chú trọng để xây dựng xã hội “thượng tôn” pháp luật. Và từ hôm nay (1/7), hoạt động này chính thức được điều chỉnh bằng một đạo luật với những qui định là “trụ cột” cho “cây cầu” này ngày càng kiên cố và vươn xa…

Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn là “cầu nối” giữa pháp luật và cuộc sống, một trong những giải pháp được chú trọng để xây dựng xã hội “thượng tôn” pháp luật. Và từ hôm nay (1/7), hoạt động này chính thức được điều chỉnh bằng một đạo luật với những qui định là “trụ cột” cho “cây cầu” này ngày càng kiên cố và vươn xa…

Một buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa)

Nhà nước “chung tay” cùng xã hội

Đó là một chính sách được ghi nhận trong Luật để tạo nguồn lực dồi dào và vững vàng cho công tác PBGDPL. Theo đó, “PBGDPL là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác PBGDPL. Đầu tư cho PBGDPL là đầu tư cho phát triển”.

Trách nhiệm PBGDPL được xác định cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền các cấp ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, nhà trường và các cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân.

Gia đình, cá nhân cũng là những chủ thể có trách nhiệm thực hiện PBGDPL, trong đó, Luật nhấn mạnh đến trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và những người được mời tham gia PBGDPL ở cơ sở trong việc thực hiện PBGDPL.

Mặc dù xác định trách nhiệm PBGDPL là của Nhà nước song để phát huy trách nhiệm, nguồn lực của toàn xã hội cho công tác này, Điều 4 khẳng định, “Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác PBGDPL”.

Với trách nhiệm của mình, Nhà nước sẽ thực hiện bảo đảm về tổ chức, cán bộ, cơ sở vật chất và phương tiện, kinh phí cho công tác PBGDPL. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động PBGDPL theo quy định của pháp luật.

Chú trọng GDPL ngay từ nhà trường

Một trong những nội dung quan trọng nhất của Luật PBGDPL là qui định về “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngày Pháp luật là ngày 09 tháng 11 hằng năm, được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Cùng với các qui định về các hành vi bị cấm trong công tác PBGDPL, nội dung, hình thức PBGDPL nói chung và cho một số đối tượng đặc thù nói riêng, Luật dành nhiều qui định cho việc GDPL trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo Luật PBGDPL, GDPL trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân được Luật qui định ở cả hình thức giáo dục chính khóa (thông qua việc lồng ghép trong các hoạt động giáo dục ở cấp học mầm non; môn học đạo đức ở cấp tiểu học; môn học giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; môn học pháp luật, pháp luật đại cương, pháp luật chuyên ngành tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; các môn học trong cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân) và giáo dục ngoại khóa cùng các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp...

Huy Anh

Đọc thêm