Bắt nhịp với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, phát triển tư duy, kế thừa kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động mạnh mẽ các nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương. Nhờ đó, nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế - xã hội của tỉnh đã vươn lên một nấc thang mới.
Từ một tỉnh thuần nông khi tái lập tỉnh (năm 1997), cơ cấu kinh tế lạc hậu, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 55%, công nghiệp còn nhỏ bé chiếm khoảng 16%; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, đến nay, Bắc Giang trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện và năng động với nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng dẫn đầu khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trong giai đoạn 2015 -2020 bình quân đạt 14%/năm, vượt xa so với mục tiêu Đại hội (10-11%/năm). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.000 USD, bằng bình quân chung cả nước.
Tỷ trọng cơ cấu kinh tế đã đảo chiều so với năm 1997: Công nghiệp - xây dựng chiếm 57,7%; dịch vụ 24,7%; nông - lâm nghiệp và thủy sản 17,6%. Các ngành, lĩnh vực kinh tế từng bước được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được tập trung đầu tư, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh.
Có thể khẳng định điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh là thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; trong đó, đã tập trung vào lãnh đạo cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ thủ tục gây cản trở, vướng mắc cho nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, điện, nước, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư...
Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp trong khu Công nghiệp công nghệ cao Bắc Giang. |
Nhờ đó, kết quả thu hút đầu tư trong nhiệm kỳ cao nhất từ trước đến nay. Tổng số dự án thu hút đầu tư còn hiệu lực đã tăng 1.672 dự án. Cũng trong nhiệm kỳ có 5.489 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 46,6 nghìn tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có năm khu công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy đạt 81,7%), 30 cụm công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy đạt 51,5%), với hơn 1300 doanh nghiệp đang hoạt động. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân đạt 25,2%/năm, vượt xa mục tiêu Đại hội (14-15%/năm).
Xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, theo đó hạ tầng phải đi trước một bước, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cứng hóa đường thôn, đường nội đồng. Nhiệm kỳ qua toàn tỉnh đã thực hiện hơn 10.870 công trình cứng hóa với tổng chiều dài hơn 4.200 km đường giao thông, vượt hơn 220% kế hoạch.
Hệ thống đường giao thông nông thôn mở mang, kênh mương cứng hóa tạo thuận lợi cho nông dân trong áp dụng khoa học kỹ thuật và giao thương buôn bán. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng nông sản, tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ công nghiệp chế biến, đóng gói sản phẩm; quy hoạch các vùng sản xuất, các sản phẩm chủ lực; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật...
Hiện trên địa bàn đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; xây dựng 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 56 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Điển hình là có nhiều đổi mới, sáng tạo về sản xuất và tiêu thụ vải thiều, trở thành một biểu tượng của nông sản Việt từng bước chinh phục thị trường trong nước và thế giới. Hình thức chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn và gà đồi Yên Thế có sự chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại.
Thủy sản phát triển theo hướng thâm canh, bán thâm canh và theo hướng VietGAP, an toàn sinh học. Trồng rừng kinh tế phát triển mạnh, trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh trồng được trên 40 nghìn ha rừng; sản lượng gỗ khai thác đạt gần ba triệu m3.
Hết năm 2020, toàn tỉnh có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, ba huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Việt Yên, Lạng Giang và Tân Yên.
Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển đa dạng, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Đã quy hoạch và tiến hành thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, du lịch, vận tải, tài chính, ngân hàng, viễn thông theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Sự phát triển toàn diện, đồng bộ của công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tạo thêm nhiều việc làm mới, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 3,5%, giảm 10,43% so với năm 2015, bình quân giảm trên 2%/năm, vượt mục tiêu Đại hội.
Bên cạnh đó các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao tiếp tục có nhiều chuyển biến tiến bộ, nhiều lĩnh vực duy trì thứ hạng tốp đầu khu vực và cả nước. Công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn ngày càng được tăng cường, thế trận phòng thủ khu vực kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh, giữa kinh tế và chính trị.
Tình hình địa phương luôn bảo đảm ổn định về chính trị, quốc phòng, an ninh. Hệ thống Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất từ trên xuống và bảo đảm giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng củng cố vững chắc.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm cuối của nhiệm kỳ bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid -19, song với sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chúng ta đã vươn lên giành nhiều thành tựu nổi bật, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu Đại hội.
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã cho Bắc Giang những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đó là: Phải luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; nắm chắc các quan điểm, chủ trương, định hướng của Trung ương, đồng thời sâu sát thực tế, trên cơ sở đó vận dụng linh hoạt, sáng tạo và mạnh dạn đề ra các chủ trương, quyết sách phù hợp, hiệu quả.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có khát vọng, có tinh thần vươn lên, đổi mới sáng tạo, luôn nêu cao ý chí quyết tâm đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc. Trong chỉ đạo, điều hành vừa phải kiên trì theo đuổi mục tiêu, vừa phải linh hoạt, sáng tạo để bảo đảm phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.
Xây dựng đoàn kết thống nhất, dân chủ thật sự trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân; củng cố, bồi đắp mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; mọi chủ trương lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đều phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; sâu sát nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để chuyển thành chủ trương chỉ đạo sát, đúng. Luôn xác định sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân.
Luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quan tâm lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ đức và tài, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương phải có bản lĩnh, trí tuệ, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo và có khát vọng đưa quê hương phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Những bài học quý giá đó để Đảng bộ tỉnh tiếp tục vận dụng, phát huy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và vững tin vượt qua khó khăn, thách thức ở chặng đường phía trước.
Dự báo giai đoạn 2020 -2025, bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, cả về y tế, kinh tế, xã hội, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ trong quá trình cạnh tranh toàn cầu, đối mặt với những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Trong khi đó, quy mô, tiềm lực kinh tế của tỉnh chưa mạnh; hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh còn yếu; một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... là những thách thức rất lớn, ảnh hướng trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh.
Khu Công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang |
Từ nền tảng hiện nay, Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX xác định mục tiêu tổng quát là ”Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương, sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc; có tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện thuộc nhóm tiên tiến của cả nước. Các tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy cao độ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, tạo môi trường ổn định để phát triển. Phấn đấu Bắc Giang nằm trong nhóm 15 tỉnh đứng đầu cả nước về quy mô GRDP; GRDP bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước. Vị thế, hình ảnh tỉnh Bắc Giang tiếp tục được khẳng định ở tầm cao mới”.
Với phương châm tận dụng tốt thời cơ, vượt qua những khó khăn thách thức, Đảng bộ tỉnh xác định các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, khả thi đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Trong đó những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá, như sau:
Một là, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực sự vững mạnh, mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Trong đó, hạt nhân của hạt nhân là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Thực hiện thường xuyên và đồng bộ, liên thông công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá sàng lọc và bố trí, sắp xếp để đội ngũ cán bộ đảm nhiệm và phát huy phẩm chất, năng lực công tác, mặt khác kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Hai là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và tình hình thực tế của địa phương để tập trung xây dựng môi trường kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm khuyến khích phát triển tất cả các thành phần kinh tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng và minh bạch.
Ba là, tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng thủy lợi trọng yếu, hạ tầng đô thị và du lịch, hạ tầng giáo dục và y tế thiết yếu, hạ tầng công nghệ thông tin - công nghệ số, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số và xã hội số.
Bốn là, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, tập trung đào tạo lao động có tay nghề, kỹ thuật, chất lượng cao, góp phần tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế và tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư.
Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 -2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh của địa phương và cả nước đang bước vào một thời kỳ mới. Đảng bộ sẽ tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn được rút ra từ những bài học thành công, cũng như những hạn chế, bất cập để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện.
Phát huy truyền thống văn hóa của quê hương cách mạng - anh hùng, kế thừa những kinh nghiệm quý báu cùng thành quả to lớn của gần 35 năm đổi mới đất nước, với quyết tâm chính trị cao và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang nguyện tiếp tục đoàn kết, dân chủ, đổi mới sáng tạo, xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng giàu mạnh, văn minh./.