Đánh giá của ngành chức năng, thì việc dẫn dụ nuôi chim yến đã góp phần không nhỏ cho thu nhập, phát triển kinh tế của các hộ dân. Song, cũng có không ít những hệ lụy, bất cập từ phong trào gây nuôi chim yến, đó là nhiều hộ nuôi chim bắt loa ra rã suốt ngày tạo nên tiêng ồn và gây ô nhiễm môi trường ở nhiều khu dân cư, gây không ít phiền toái cho hộ dân lận cận.
Một thực tế đáng lưu ý là cho đến nay tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa có ban hành qui định cụ thể, để tạo hành lang pháp lí cho nghề dẫn dụ và gây nuôi chim yến, trong khi đó tháng 07 năm 2013, Bộ NN&PTNT đã có thông tư số 35/2013, có hiệu lực từ ngày 06 tháng 09 năm 2013, quy định tạm thời về nghề nuôi chim yến, trong đó có những điều khoản quy định khá cụ thể, chi tiết về lĩnh vực này. Hiện tại, nghề dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến theo hướng tự phát và khó kiểm soát.
Cho đến thời điểm này, ở một số tỉnh, thành phố trong khu vực đã có qui định tạm thời về nghề dẫn dụ và gây nuôi chim yến, trong đó qui định khá cụ thể về quy cách xây dựng; Về địa điểm, khoảng cách của nhà yến đối với các khu dân cư, trường học, bệnh viện…cùng việc chấp hành về việc vệ sinh thú y, thời gian phát loa dẫn dụ yến. Song đối với tỉnh Bạc Liêu, theo các ngành chức năng thì cho đến nay vẫn chưa có ban hành quy định tương tự, trong khi đó tình trạng dẫn dụ gây nuôi chim yến liên tục phát triển. Từ vùng nông thôn đến khu vực đô thị, phong trào tự phát dẫn dụ gây nuôi chim yến tăng đột biến.
Người dân thi nhau xây dựng mới và cải tạo lại nhà ở để dẫn dụ, gây nuôi yến, bắt loa ra rã suốt ngày gây nhiều phiền toái cho hộ dân lận cận. Theo ghi nhận của PV, hiện tại chỉ riêng địa bàn thành phố Bạc Liêu đã có hàng trăm công trình nuôi chim yến, đặc biệt có những khu dân cư tập trung chỉ một đọan đường ngắn đã có cả chục cơ sở dẫn dụ, gây nuôi chim yến san sát nhau, bắt loa gây tiếng ồn cùng lúc vang rền cả khu vực.
Trong khi đó, theo các ngành chức năng thì cho đến nay hầu như không có cơ sở dẫn dụ, gây nuôi yến nào xin phép cho việc gây nuôi yến, mà họ chỉ dừng lại ở việc xin giấy phép xây dựng, cải tạo công trình nhà ở, rồi cải biến nội thất thành nhà nuôi chim yến. Điều này một lần nữa cho thấy lỗ hỗng trong công tác đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng đối với các nhà dẫn dụ gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
Đề cập về vấn đề này, trong một lần trả lời ý kiến của cử tri gần đây, Sở NN&PTNT, cơ quan được UBND tỉnh giao tham mưu, xử lí vấn đề này thừa nhận: “Thực tế phong trào dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá nhanh và hiện nay tỉnh vẫn chưa có văn bản pháp lý quy định vùng nuôi, dẫn dụ chim yến. Song thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sở NN&PTNT đã tiến hành phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiến hành tổ chức khảo sát thực tế về âm thanh, tiếng ồn và giám sát dịch bệnh tại các cơ sở dẫn dụ, gây nuôi yến tại một số nới trong tỉnh”.
Hiện tại, sở NN&PTNT đã xây dựng dự thảo văn bản quy định tạm thời về gây nuôi, dẫn dụ chim yến trên địa bàn tỉnh và đang chỉnh theo ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan, chuẩn bị trình UBND tỉnh phê duyệt, ban hành trong năm 2018.
Song với sự ban hành “Quy định tạm thời về lĩnh vực dẫn dụ, gây nuôi chim yến”, chính là cơ sở, hành lang pháp lí để kiểm soát phần nào tình trạng dẫn dụ, gây nuôi chim yến phát triển tràn lan, khó kiểm soát, gây bức xúc cho nhân dân như hiện nay.