Đột phá năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để phát triển kinh tế
Tại Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX, nhiệm kỳ 2016 –2021, đồng chí Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió khu vực ven biển; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đảm bảo đúng tiến độ theo quy hoạch điện VII điều chỉnh (đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện vào vận hành năm 2024, hoàn thành đủ công suất năm 2027), phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia.
Đồng chí Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX, nhiệm kỳ 2016 –2021. |
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch. Tăng cường kết nối ngành du lịch Bạc Liêu với các trung tâm du lịch tại Thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm khác trên cả nước để tạo thương hiệu và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, quyết tâm phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của ĐBSCL,...
Phát huy vai trò của nền kinh tế biển của tỉnh là trên cơ sở chiến lược kinh tế biển Quốc gia; chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị, cụm dân cư ven biển; quan tâm đầu tư các dự án công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; du lịch, dịch vụ thương mại; từng bước xây dựng huyện Đông Hải thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế biển.
Phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, tập trung xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao. Đưa kinh tế biển trở thành thế mạnh và là trụ cột kinh tế chính, mở rộng không gian kinh tế ra biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tôm Bạc Liêu đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giữ vai trò trụ đỡ góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. |
Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững; kết nối các doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp nước ngoài; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân liên kết, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, nhất là về chuỗi nông nghiệp thực phẩm và năng lượng tái tạo; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, những hộ sản xuất, kinh doanh từng bước chuyển đổi thành doanh nghiệp; khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP.
Phát triển đô thị cho từng huyện, thị xã, thành phố theo hướng văn minh, hiện đại
Nâng cao chất lượng lập, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị và hạ tầng đô thị hiện đại, thân thiện môi trường. Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phấn đấu phủ kín quy hoạch phân khu đô thị; tập trung hoàn thành các quy hoạch xây dựng vùng huyện, đáp ứng tiêu chí, điều kiện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; quy hoạch các vùng trọng điểm về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại.
Hoàn thiện chương trình phát triển đô thị cho từng huyện, thị xã Giá Rai và thành phố Bạc Liêu; xây dựng kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị, làm cơ sở pháp lý cho các dự án đầu tư khu đô thị mới từng bước xây dựng các đô thị trong tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại.
Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động thực hiện phương án tham gia hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả lựa chọn nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài bằng nhiều biện pháp hiệu quả.
Tập trung chỉ đạo và tăng cường nguồn lực mọi mặt để huyện Phước Long và thành phố Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; các huyện, thị xã còn lại có ít nhất 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 5/7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao; phấn đấu tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Thị xã Giá Rai phấn đấu trở thành thành phố văn minh, hiện đại vào năm 2025. |
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển giáo dục và đào tạo chất lượng cao; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng mô hình y tế chất lượng cao; tập trung phát triển kỹ thuật cao cho y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện; khuyến khích xã hội hóa trong phát triển y tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh triển khai các dự án y tế chất lượng cao trên địa bàn.
Đẩy mạnh phát triển văn hóa, thể dục thể thao; tăng cường công tác thông tin - truyền thông gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa của địa phương... đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm tạo nhiều việc làm cho người lao động,..
Xây dựng chính quyền; cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của công dân; tập trung xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; tiếp tục coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân”; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững mạnh./.
Theo báo cáo tại Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX (nhiệm kỳ 2016 –2021), tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu bình quân trong giai đoạn 2021-2025 tăng 10% - 11%/năm; cơ cấu GRDP: Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 33,64%; Công nghiệp và xây dựng: 27,79%; dịch vụ: 34,05%; GRDP bình quân đầu người đạt 110 - 120 triệu đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 60.000 - 65.000 tỷ đồng; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 15% - 17%/năm trở lên.
GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm cao của vùng; quy mô kinh tế đến năm 2025 tăng từ 2 - 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 45%; Sản lượng thủy sản 600.000 tấn, trong đó tôm 300.000 tấn; (Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.512 triệu USD; trong đó riêng xuất khẩu tôm đạt 1.300 triệu USD; Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, với 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu,… Đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh khá trong khu vực.
Mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh, đặc biệt là các công ty, doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các công ty, doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đồng thời, thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST24 và ST25.