Bạc Liêu xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái đặc thù

(PLO) - Bạc Liêu là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, bên cạnh du lịch tâm linh, du lịch làng nghề thì du lịch sinh thái được Bạc Liêu tập trung, đầu tư khai thác phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Để du lịch phát triển xứng tầm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam khẳng định, Bạc Liêu đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng đa chiều, vừa đa dạng, phong phú về loại hình, sản phẩm, tuyến điểm du lịch, vừa xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn của vùng đất, con người Bạc Liêu. Đồng thời, quan tâm xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch cụ thể nhằm quảng bá hình ảnh Bạc Liêu đến với du khách trong và ngoài nước; chú trọng  đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch cả về mọi mặt, từ trình độ chuyên môn, kỹ năng đến văn hóa ứng xử… góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà trong giai đoạn mới.

Chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa Khmer lớn và đẹp lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam bộ tại Bạc Liêu
Chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa Khmer lớn và đẹp lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam bộ tại Bạc Liêu

Theo đó, Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long có Nghị quyết riêng cho phát triển du lịch, Nghị quyết 02 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu “Về đẩy mạnh phát triển du lịch”. Bạc Liêu đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển du lịch trong đó có du lịch sinh thái đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với kinh phí đầu tư gần 1.350 tỷ đồng.

Quảng trường Hùng Vương là điểm du lịch mà du khách không thể bỏ qua khi đặt chân đến Bạc Liêu
Quảng trường Hùng Vương là điểm du lịch mà du khách không thể bỏ qua khi đặt chân đến Bạc Liêu

Bạc Liêu sẽ quy hoạch 2 khu bảo tồn quốc gia gồm: Khu bảo tồn loài và chim cảnh Vườn chim Bạc Liêu (thành phố Bạc Liêu) với diện tích 125 ha vùng lõi và 258 ha vùng đệm; Khu bảo tồn loài và chim cảnh ấp Canh Điền (huyện Đông Hải) với diện tích 123,9 ha vùng lõi, 242 ha vùng đệm. Quy hoạch cấp tỉnh gồm: Rừng ngập mặn ven biển với diện tích gần 4.500 ha; vườn chim ấp Lập Điền (huyện Đông Hải) với diện tích 21 ha; cụm Nhãn cổ Bạc Liêu với diện tích hơn 29.000m2 với gần 400 cây nhãn cổ gắn với phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nhà dân, phát triển các dịch vụ gắn với văn hóa, ẩm thực Nam Bộ…

Lung linh sắc màu Nhà hát Nón Lá
Lung linh sắc màu Nhà hát Nón Lá

Để phù hợp với việc bảo tồn và khai thác du lịch, ông Lê Chí Linh, Phó Giám đốc Ban quản lý vườn chim Bạc Liêu cho biết, việc khai thác hoạt động du lịch sẽ thực hiện theo nguyên tắc không làm tác động tiêu cực đến tài nguyên đa dạng sinh học tại vườn chim. Ngoài việc khám phá và chiêm ngưỡng các loài chim cũng như thảm thực vật, vườn chim sẽ sẽ mở một số dịch vụ: khách tham quan được đi xe điện, xe đạp xung quanh bờ bao vườn chim; được lên đài quan sát dùng ống nhòm để nhìn toàn cảnh vườn chim; bơi xuồng xuyên qua các kênh mương vườn chim để tham quan; câu cá thư giãn, thưởng thức nhiều món ăn dân dã độc đáo, đậm chất Nam bộ; được giao lưu đờn ca tài tử; tổ chức chiếu phim tài liệu về quê hương Bạc Liêu, về vườn chim và các chương trình hoạt động bảo tồn; xem các mẫu vật trưng bày đa dạng sinh học; chụp ảnh, quay phim lưu niệm, đám cưới với phong cách rừng tự nhiên kết hợp với các thảm cỏ, vườn hoa…

Khu lưu niệm Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của tỉnh Bạc Liêu. Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 1997
Khu lưu niệm Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của tỉnh Bạc Liêu. Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 1997

Trước mắt, kinh phí đầu tư cho vườn chim dự kiến hơn 2,5 tỷ đồng, phần còn lại sẽ vận động các cá nhân, tập thể tham gia đầu tư. Về lâu dài, Ban quản lý vườn chim sẽ tìm nhà đầu tư có đủ điều kiện và nguồn lực tiến hành lập dự án đầu tư du lịch sinh thái, ông Lê Chí Linh khẳng định.

Vườn chim Bạc Liêu đã được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên vào năm 1986
Vườn chim Bạc Liêu đã được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên vào năm 1986

Đối với vườn nhãn cổ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu đã phối hợp với các nhà vườn rà soát lại số lượng nhãn cổ đưa vào danh sách quản lý, chăm sóc và phát triển du lịch. Sở cũng đề ra ý tưởng tham mưu lãnh đạo tỉnh tiến hành lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là cây di sản Việt Nam. Cùng với đó, xem xét đầu tư, hỗ trợ để nhà vườn xây dựng thêm các dịch vụ phục vụ du lịch kèm theo nhằm vừa bảo tồn được nhãn cổ, vừa sống được với cây nhãn. Có thể nói, Đề án bảo tồn phát triển nhãn cổ là một trong những điểm nhấn quan trọng trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Quan Âm Phật Đài (Bạc Liêu) là khu du lịch tâm linh thu hút hàng chục nghìn người đến thắp hương
Quan Âm Phật Đài (Bạc Liêu) là khu du lịch tâm linh thu hút hàng chục nghìn người đến thắp hương

Ngoài nguồn kinh phí từ Trung ương, Bạc Liêu còn tích cực huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển du lịch với phương châm “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch” bằng các chính sách thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Một số dự án du lịch sinh thái hiện Bạc Liêu đang mời gọi đầu tư xây dựng như: khu du lịch sinh thái Cái Cùng (huyện Hòa Bình), ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải); khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim (thị xã Giá Rai, huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu), khu du lịch Giồng Nhãn (thành phố Bạc Liêu), tuyến du lịch sinh thái ven biển...

Phong trào đờn ca tài tử ở Bạc Liêu đang phát triển khá mạnh hơn 200 CLB
Phong trào đờn ca tài tử ở Bạc Liêu đang phát triển khá mạnh hơn 200 CLB

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần du lịch Du lịch sinh thái Hồ Nam (thành phố Bạc Liêu) Nguyễn Chí Luận cho biết, Bạc Liêu là một trong những tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch với các thủ tục về hành chính, thuế, đất đai, trụ sở làm việc… Hiện nay, công ty đã lên kế hoạch xây dựng một số khu vực và tổ chức các hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của du khách, phấn đấu xây dựng Khu du lịch sinh thái Hồ Nam thật sự là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn, thân thiện; góp phần điểm tô cho du lịch Bạc Liêu thêm sắc thái mới.

Thưởng thức đờn ca tài tử dưới vườn nhãn cổ Bạc Liêu
Thưởng thức đờn ca tài tử dưới vườn nhãn cổ Bạc Liêu

Bạc Liêu cũng đã tích cực phối hợp với Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long khảo sát các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh, nhằm thẩm định lại để đánh giá chất lượng hoạt động của điểm du lịch ở các tiêu chí: quy mô, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ kèm theo, lượng khách đến, nguồn nhân lực… từ đó tái công nhận các điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long của Bạc Liêu.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu
Bà Cao Xuân Thu Vân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân, hiện nay tại 13 tỉnh thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có nhiều điểm du lịch tiêu biểu nhất. Từ lợi thế đó, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã đưa Bạc Liêu vào nhóm các tỉnh có sản phẩm du lịch vùng kinh tế trọng điểm vùng. Sản phẩm du lịch “Một điểm đến – Bốn địa phương +” trong chuỗi gồm 4 địa phương Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và nay Bạc Liêu là điểm đến thứ 5. Với những lợi thế về rừng, sông ngòi, khí hậu, chúng ta phải làm sao để Bạc Liêu trở thành cái tên được nhắc đến khi nói về du lịch sinh thái.

Đọc thêm