Bắc nhịp cầu đến với hy vọng

(PLO) - Chờ đợi gần như cả cuộc đời mình, ông Giàng Tống Su cũng được chứng kiến cảnh động thổ khởi công xây dựng cây cầu dầm thép bắc qua suối Nậm Cai. Không chỉ đi qua suối dễ dàng an toàn hơn, những chiếc cầu kiên cố trong chương trình “Nhịp cầu yêu thương” đang bắc những nhịp vững vàng tới hy vọng cuộc sống tốt hơn cho hàng triệu người dân vùng khó...
Bao năm qua, người dân xã Nậm Khắt phải bập bênh đi lại qua những cây cầu gỗ như thế này.
Bao năm qua, người dân xã Nậm Khắt phải bập bênh đi lại qua những cây cầu gỗ như thế này.

Giấc mơ cả đời đã thành hiện thực 

Ông Giàng Tống Su (ở bản Páo Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) năm nay 87 tuổi. Chứng kiến cảnh động thổ khởi công xây dựng cây cầu dầm thép kiên cố bắc qua suối Nậm Cai vào ngày 15/7 vừa rồi, ông mừng lắm, thế là coi như chấm dứt những ngày hơn 100 hộ dân bản Páo Khắt phải vất vả vượt suối để đi ra trung tâm xã, hay bị cô lập cả tháng trời vì nước lũ về.  

“Nghe tin cây cầu sẽ được xây dựng từ cuối năm ngoái cơ, chúng tôi mừng lắm, chờ từng ngày một” - ông Giàng A Khua, Trưởng bản Páo Khắt không giấu được niềm vui - “Con suối Nậm Cai ngày bình thường trông hiền lành là thế nhưng mùa mưa bão đến lại cuồn cuộn lên ngay”. Nói đâu xa, cây cầu tạm bằng gỗ dân bản cùng nhau đóng góp bắc qua suối để đi lại cứ nước lên lũ về là lại bị cuốn trôi. Năm nào trai tráng trong bản cũng phải đi xẻ gỗ sửa cầu, nhưng năm ngoái cầu bị lũ cuốn trôi 2 lần, năm nay mới một trận lũ mà cây cầu đã gãy làm đôi, trai bản lại phải xẻ gỗ làm lại.

“Khi chưa có cầu thì đi qua suối. Mùa mưa trẻ con không đi học được. Ra vào đều không được. Cầu gỗ này trước của Chương trình 135. Nhà nước hỗ trợ 3 cây sắt và rọ đá B40 kè hai bên. Bà con nhân dân đi xẻ gỗ về làm, nhưng mưa to thì cũng nghỉ thôi, không đi được. Người lớn không ra chợ, trẻ con không đến trường” – ông Giàng A Khua kể.

Thế nên, người dân nơi đây rất mong chờ một chiếc cầu bê tông kiên cố, ngày động thổ xây cầu Cáng Dông mới, cả bản mới kéo ra ngắm nghía háo hức đến vậy. Cả huyện Mù Cang Chải còn mấy chục chiếc cầu tạm bợ chênh vênh. Ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải – cho hay, trên địa bàn huyện vẫn cần xây dựng mới 20 cây cầu bê tông, 10 cầu treo… Còn Trưởng bản Giàng A Khua tỏ rõ niềm vui: “Được tin xây cầu mới, mình rất mừng, bà con cũng rất mừng, thấy tốt”.

Cô Nguyễn Thị Như – giáo viên cắm bản Páo Khắt đã 7 năm nay, lại có niềm vui giản dị gần gũi hơn. Cô Như và nhiều giáo viên khác đã tình nguyện góp 1 tuần lương để cùng với người dân bê tông hóa con đường tới trường để học trò của cô đi lại đỡ vất vả. Nhưng khi cây cầu bị đánh gãy,  việc học hành vẫn phải gác lại. Giờ đây, chiếc cầu kiên cố sẽ thay thế hoàn toàn cho cầu gỗ, đưa học trò của cô đến lớp, cũng như đưa các em đến với những ước mơ xa xôi hơn...

Kết nối yêu thương

Cầu Cáng Dông (xã Nậm Khắt) vừa được khởi công dự kiến sẽ được hoàn thành sau 3 tháng, có chiều dài 32m, rộng 4m, tức là gấp gần 4 lần so với cây cầu thô sơ hiện tại, tải trọng cho phép 8 tấn, đường dẫn vào cầu dài 242m, thay thế hoàn toàn cho cầu trước đó làm bằng gỗ dài 10m, rộng 1,5m, chỉ lưu thông được xe thô sơ. Cây cầu kiên cố sẽ chấm dứt cảnh gần 1.200 người dân sống tại hai bên cầu thường xuyên phải qua sông bằng cầu tạm, cầu tre đã tồn tại trong nhiều năm qua; các cháu học sinh đi lại qua sông an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ. 

Theo ông Nguyễn Xuân Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cầu Cáng Dông là một trong những cây cầu được xây dựng theo Chương trình “Nhịp cầu yêu thương” - Đề án “Xây dựng cầu dân sinh quy mô nhỏ, đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc” - do Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải phát động. Chương trình kêu gọi các đơn vị, cá nhân có lòng hảo tâm cùng chung tay đóng góp, tới nay đã có 218 tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ với số tiền trên 470 tỷ đồng, xây dựng được 44 cây cầu dân sinh, 36 công trình được đưa vào khai thác sử dụng. Tới năm 2020 chương trình dự kiến sẽ xây dựng thêm 2.300 cây cầu trên 50 tỉnh, thành trong cả nước, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc miền núi. 

Trước đó, trong năm 2016, Viettel cũng phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng 5 chiếc cầu dân sinh khác tại các xã, huyện nghèo: Cầu Mới (xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), Ngòi Hút (xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), Na Cho (xã Căm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), cầu 603 (thôn 3, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) và cầu Bản Mới (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). “Viettel là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của chương trình “Nhịp cầu yêu thương” do Bộ Giao thông Vận tải phát động, với số tiền để xây 6 cây cầu là 25 tỷ đồng” - ông Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Những năm qua, Viettel đã tích cực chủ động tham gia nhiều hoạt động chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, tri ân và an sinh xã hội có ý nghĩa trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, hỗ trợ người nghèo... “Viettel đã xây dựng hạ tầng viễn thông 4G lớn nhất và được đánh giá là hiện đại nhất thế giới nhằm giúp bà con ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam cũng có thể kết nối thông tin, mở ra cơ hội về học tập, kinh doanh, nâng cao tri thức. Viettel đóng góp xây dựng những cây cầu để việc kết nối cả về mặt thông tin và địa lý sẽ phát huy hiệu quả thực sự. Đây cũng là tấm lòng của toàn thể cán bộ công nhân viên Viettel gửi tới bà con nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn” - Thiếu tướng Hoàng Công Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc Viettel khẳng định.

Đọc thêm