Bắc Ninh đẩy mạnh truyền thông, nâng cao thương hiệu làng nghề

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó nhiều doanh nghiệp, hộ cá nhân đã và đang tích cực truyền thông thương hiệu nhằm nâng cao thương hiệu và giá trị của làng nghề.
Các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Bắc Ninh
Các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Bắc Ninh

Tháng 11/2022, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch số 506/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022 - 2025.

Mục tiêu của Đề án là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Để thực hiện đề án này, tỉnh Bắc Ninh cũng đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển làng nghề, nghề truyền thống; Thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; Chú trọng đến công tác định hướng quy hoạch khu sản xuất, cụm công nghiệp làng nghề và xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với điểm du lịch làng nghề; Đẩy mạnh khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ mới vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp...

Một trong những giải pháp để nâng cao thương hiệu làng nghề đang được các doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân làng nghề thực hiện đó là việc đẩy mạnh truyền thông thương hiệu các sản phẩm làng nghề.

Trên sàn thương mại điện tử ecombacninh.vn, người mua có thể dễ dàng lựa chọn các sản phẩm làng nghề như: gốm Ngọc Phù Lãng, giỏ mây tre đan, Trống đồng đúc đồng đỏ, nem tai kinh bắc, gạo thảo dược....đều là những sản phẩm của các làng nghề thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP của mang nét đặc trưng riêng của vùng đất Kinh Bắc.

Bên cạnh các phương pháp truyền thống như làm biển hiệu quảng cáo tại cơ sở, giới thiệu trực tiếp tại điểm bán, rất nhiều doanh nghiệp và các cá nhân tại làng nghề đã lập nên các website giới thiệu sản phẩm, thương hiệu của mình đến với người tiêu dùng như: godongky, dongdaibai... Cùng với đó, nhiều cơ sở giao dịch, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng qua email hoặc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Làng gốm Ngọc Phù Lãng, Bắc Ninh (Ảnh: dangcongsan.vn)
Làng gốm Ngọc Phù Lãng, Bắc Ninh (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 11 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề được bảo hộ sở hữu trí tuệ thông qua nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý… Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (59 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao) được trao chứng nhận.

Để phát triển truyền thông cho các sản phẩm làng nghề, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã bước đầu xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu, bao bì, tem, mác… cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Đặc biệt, nhiều người đã tận dụng được thế mạnh của mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn và trải nghiệm sản phẩm. Đây cũng là xu hướng tất yếu, tiết kiệm được chi phí, dễ dàng thực hiện. Với việc cập nhật thường xuyên, nhanh chóng thông tin sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Tiktok… nhiều cơ sở sản xuất làng nghề tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn, nhận được ý kiến phản hồi về sản phẩm nhanh hơn.

Bà Lê Thị Lý, chủ cơ sở Nem Bùi Chí Dĩnh ở làng nghề làm nem Bùi Ninh Xá cho biết: “Hiện nay, cơ sở của mình chủ yếu giới thiệu hàng và liên hệ đặt hàng qua Zalo, Facebook rất tiện lợi, nhanh chóng. Thậm chí mình còn quay video một số công đoạn làm nem để khách hàng mục sở thị”.

Được biết, cơ sở này còn từng đầu tư kinh phí thuê quảng cáo trên Facebook, hiện Fanpage thu hút 1.700 lượt thích và theo dõi.

Bên cạnh việc gìn giữ chất lượng, uy tín từng sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã để tạo dựng giá trị thương hiệu, nhiều cá nhân tại các làng nghề cũng đang nỗ lực học hỏi, trau dồi những kiến thức về truyền thông sản phẩm, từng bước đưa thương hiệu của mình đến với khách hàng.

Để chiến dịch truyền thông sản phẩm làng nghề đạt được kết quả, trong thời gian tới, các hộ gia đình sản xuất tại mỗi làng nghề cũng cần được địa phương quan tâm đào tạo, tập huấn về kỹ năng sử dụng các công cụ thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu trên nền tảng số.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh cũng sẽ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm; hình thành mối liên kết với các doanh nghiệp giúp làng nghề trở thành nơi cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp.

Đọc thêm