Trẻ em bị bắt cóc và đem bán không phải là chuyện hiếm thấy ở Trung Quốc nhưng nó đang gây “sốc” nặng cho người dân nước này vì thủ phạm là một bác sĩ sản khoa công tác tại một bệnh viện công.
Bác sĩ sản khoa bị tố bắt cóc 26 trẻ sơ sinh
Đêm 10/8/2013, phóng viên của nhiều báo, đài tập trung tại Bệnh viện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em Phú Bình, thuộc hạt Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc để chứng kiến cảnh sát giao hai bé gái bị bắt cóc lại cho bố mẹ chúng là ông Qi Kunfeng và bà Wang Yanyan.
Mọi người vô cùng xúc động khi thấy bà mẹ nước mắt giàn giụa ôm chặt đứa con vào lòng. Đây là lần đầu tiên hai bé mới được nằm trong vòng tay mẹ sau gần ba tháng chào đời.
Hai bé sinh ngày 29/5/2013, bị bắt cóc ngay sau khi sinh và bị bán cho hai gia đình ở hai nơi, một bé ở tỉnh Sơn Đông, một bé ở tỉnh nhà nhưng cách nhà bố mẹ tới 150 km.
Kẻ bắt cóc hai cháu không ai xa lạ, chính là Zhang Shuxia, bác sĩ sản khoa Bệnh viện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em Fubing (có nguồn tin nói rằng Zhang là phó giám đốc khoa sản).
Ngay sau khi hai cháu được sinh ra, bác sĩ Zhang nói hai cháu bị bệnh bẩm sinh nghiêm trọng, có thể bị hỏng não hay bại liệt, nên thuyết phục bố mẹ giao hai cháu cho bệnh viện chăm sóc. Vì bác sĩ Zhang là người quen biết với gia đình nên bố mẹ hai cháu đồng ý.
Hai bé được đưa đi ngay. Sau đó bố mẹ hai cháu đòi thăm con nhưng lần nào cũng bị từ chối. Lo lắng cho hai đứa con, họ mới nhờ công an can thiệp.
Dong Wan xúc động khi nhận lại con trai. |
Trước hai bé gái song sinh vài ngày, ngày 5/8/2013, một bé trai khác cũng được cảnh sát trả về cho mẹ, bà Dong Wan, 31 tuổi. Cũng giống trường hợp trên, sau khi Dong Wang sinh bé trai ngày 16/7/2013, bác sĩ Zhang bảo chị cháu bị bệnh bẩm sinh, chỉ có hy vọng sống nếu mẹ cháu chịu giao bé cho bệnh viện chăm sóc.
Bị “hù”, Dong Wan yếu bóng vía ký giấy giao con. Nhưng ngay sau đó Dong Wan thương con nên năn nỉ chồng gọi điện thoại báo cảnh sát. Cảnh sát tìm thấy cháu ở tỉnh Hà Nam, cách xa vài trăm cây số. Bác sĩ Zhang bán bé lần đầu giá 21.600 nhân dân tệ (gần 74 triệu đồng) ngày 17/7/2013, khi bé chỉ mới một ngày tuổi.
Trong vòng 10 ngày sau đó, cháu bị mua đi bán lại hai lần nữa với giá 50.000 nhân dân tệ (171 triệu đồng) và 60.000 nhân dân tệ (205 triệu đồng). Cứ xem giá mua đi bán lại bé trai này đủ biết việc buôn bán trẻ em ở Trung Quốc “phát tài” như thế nào. Lợi lộc cao khiến người ta bất chấp pháp luật, mặc kệ lương tâm, đạo đức nghề nghiệp.
Sau khi chuyện mất con của vợ chồng Qi Kungfeng được báo chí đăng tải, cảnh sát địa phương nhận tới 55 trường hợp tố cáo mất con tương tự, bao gồm 26 trường hợp nêu đích danh bác sĩ Zhang là người bắt cóc. Trong 26 trường hợp dính bác sĩ Zhang, vụ cũ nhất do bà Yang Qiujin, bạn học cũ của Zhang tố cáo.
Năm 2006, bà Yan Qiujin đưa con dâu vào sinh ở bệnh viện. Con dâu bà sinh một bé trai. Năm ngày sau, Zhang dụ bà Yang giao bé với lý do như các trường hợp đã kể. Đứa bé bị đưa đi, từ đó đến nay bà Yang không có tin tức gì về đứa cháu nội tội nghiệp.
Buôn bán trẻ em là chuyện thường xảy ra ở Trung Quốc. Ước tính mỗi năm có từ 30 – 60 ngàn trẻ em bị bắt cóc. Việc mua bán trẻ em Trung Quốc khó chấm dứt dù luật phạt rất nặng những kẻ bắt cóc và mua bán trẻ em.
Nhu cầu trẻ em ở Trung Quốc rất lớn bởi nhiều lý do, như truyền thống bắt buộc phải có con trai “nối dõi tông đường”, hay do chính sách một con của Trung Quốc (chính sách một con chỉ cho phép cặp vợ chồng ở đô thị sinh một đứa con; và ở nông thôn được sinh hai con nếu đứa con đầu tiên là gái). Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như bất cập trong quản lý xã hội hay sự phát triển kinh tế khu vực không cân bằng.
Bắt cóc, buôn bán trẻ em kiếm lời “khủng” khiến nhiều kẻ liều lĩnh bất chấp hình phạt rất nặng, tối đa là tử hình hay tù chung thân. Bác sĩ Zhang và tám người khác trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh bị bắt.
Cuộc điều tra đang tiến hành nhưng có nhiều người bàn tán mức án dành cho thầy thuốc “ác nhân thất đức” này. Năm 2010 tòa án ở thành phố Heyuan thuộc tỉnh Quảng Đông Trung Quốc đã xử năm người bị buộc tội bắt cóc và bán 3 trẻ em. Xiao Yuande, thủ lĩnh của nhóm, bị kêu án tù chung thân và bị tịch thu tài sản cá nhân. Bốn tòng phạm bị tù từ sáu năm tới 13 năm, và bị phạt tiền tổng cộng 80.000 nhân dân tệ (gần 274 triệu đồng).
Siết chặt quản lý bệnh viện
Một bác sĩ sản khoa ra tay bắt cóc trẻ sinh ra tại bệnh viện mà người ấy đang công tác thì không chỉ người ấy chịu tội. Ba quan chức và ba cán bộ quản lý của bệnh viện đã bị ngưng chức. Điều tra sơ khởi cho thấy hành vi phạm pháp của bác sĩ Zhang thực hiện tại bệnh viện đã kéo dài hơn 8 năm, vậy mà chỉ bị phát hiện do nạn nhân tố cáo chứ không phải từ bệnh viện.
Bệnh viện xảy ra những vụ bắt cóc trẻ em |
Mao Qunan, phát ngôn viên của Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình quốc gia, cơ quan có trách nhiệm giám sát các bệnh viện công, đã thẳng thắng nhìn nhận vụ bê bối này minh họa tình trạng suy thoái đạo đức nghề nghiệp, sự quản lý yếu kém và các sơ hở về nguyên tắc của các bệnh viện. Ủy ban ra lệnh cho lãnh đạo y tế tỉnh Thiểm Tây phạt nặng những người liên đới trách nhiệm trong vụ xì căng đan bác sĩ bắt cóc trẻ sơ sinh đem bán. Ủy ban cũng yêu cầu lãnh đạo y tế địa phương xem xét kiểm tra việc quản lý các bệnh viện khắp cả nước.
Các cơ quan quản lý ngành y tế cấp quốc gia của Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu kiểm tra, củng cố việc quản lý các bệnh viện, thường là sau khi xảy ra các vụ xì căng đan. Thế nhưng các vụ bê bối vẫn cứ xảy ra, hết vụ này đến vụ khác, liên tục thách thức niềm tin của người dân vào hệ thống bệnh viện công. Hết hối lộ, tham nhũng đến vi phạm quy định chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
Vào tháng 7/2013, nhóm cán bộ, nhân viên của Bệnh viện nhân dân Gaozhou thuộc tỉnh Quảng Đông 9 người đã bị kỷ luật, bao gồm giám đốc bệnh viện bị ngưng chức. Họ đã nhận tiền “lại quả” hơn 450.000 USD từ các công ty dược phẩm lớn trong thời gian hơn ba năm.
Thái độ lạnh lùng vô cảm của các “lương y” đối với bệnh nhân trong lúc “thập tử nhất sinh” thật hết sức hãi hùng, “khó tin nhưng có thật”. Năm 2012, Zhao Qiongfeng có thai nhưng bào thai chết trong bụng mẹ, đã lần lượt tới ba bệnh viện của tỉnh Vân Nam là bệnh viện Yan’an, bệnh viện chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em Kunming; và bệnh viện nhân dân thứ ba của tỉnh, nhưng đều bị từ chối vì hết thuốc và hết giường. Phải tới bệnh viện thứ tư sản phụ mới được mổ lấy thai chết. 6 nhân viên y tế đã bị kỷ luật về vụ này.
Bạo lực xảy ra khó tránh khỏi khi một số người phản ứng thiếu bình tĩnh trở nên manh động. Năm 2012 bệnh nhân Li (17 tuổi), cầm dao xông vào bệnh viện số 1 của Đại học Y Harbin, tỉnh Hắc Long Giang, đâm chết bác sĩ nội trú Wang Hao và gây thương tích nặng cho ba bác sĩ khác.
Li vừa bị lao phổi vừa bị viêm khớp kinh niên khiến lưng bị đau nhức, đến bệnh viện yêu cầu chữa chứng đau lưng. Các bác sĩ không chịu chữa, bảo Li đến bệnh viện chuyên khoa lao chữa dứt bệnh lao rồi mới chữa bệnh khớp sau. Li ra khỏi bệnh viện rồi cầm dao quay lại gây án mạng.
Theo nguồn tin chính thức của chính phủ Trung Quốc, riêng năm 2010 đã xảy ra hơn 17.000 vụ bạo động tại các bệnh viện khiến cho 50 bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh phải tăng cường bảo vệ an ninh.
Làm thế nào để bệnh viện công thực sự phục vụ lợi ích công chúng đang là câu hỏi đầy khó khăn mà chính phủ Trung Quốc đang cố gắng trả lời.
Theo Xa lộ pháp luật