“Bậc thầy ECMO” tiết lộ về cuộc chiến với “tử thần” COVID-19

(PLVN) - Zhong Ming – người được gọi là “Bậc thầy của ECMO” của Trung Quốc – đã kể về những ngày chiến đấu với tử thần để cứu chữa bệnh nhân COVID-19 nặng trong bệnh viện ở Vũ Hán.
BS Zhong Ming trong phim tài liệu Thành phố anh hùng do Tân Hoa Xã sản xuất.

"Bậc thầy của ECMO"  Zhong Ming, một chuyên gia chăm sóc tích cực, phụ trách Khoa Chăm sóc sức khỏe của Bệnh viện Trung Sơn trực thuộc Đại học Fudan, Thượng Hải. Ông được gửi đến Vũ Hán, Hồ Bắc vào ngày 23/1, tăng cường ở khoa Chăm sóc tích cực (ICU) của Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán – bệnh viện đầu tiên trong thành phố tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Khởi đầu khó khăn

Thời gian đầu, Bệnh viện Jinyintan chỉ có ba phòng ICU với 16 giường, không đủ để tiếp nhận dòng bệnh nhân nguy kịch. Sau đó, bệnh viện đã điều chỉnh hai tầng khác thành các khu cách ly cho bệnh nhân nguy kịch.

Nhìn những phòng bệnh đầy bệnh nhân, bác sĩ Zhong hiểu rằng “lần này sẽ thực khó khăn”. Zhong phụ trách một nhóm các bác sĩ và chịu trách nhiệm một khu vực điều trị nội trú tạm thời của ICU. Thông thường, bệnh nhân chuyển đến chỗ họ đều trong tình trạng đã trở nên nguy kịch. "Mọi bệnh nhân đều đã trải qua các phương pháp điều trị mà không có kết quả trước khi chúng được chuyển đến chúng tôi. Đó là khi bắt đầu một cuộc đấu tranh khó khăn của các bác sĩ chúng tôi để có thể cứu chữa bệnh nhân", Zhong nói. 

Đã từng điều trị cho những người mắc bệnh SARS năm 2003 và tham gia cung cấp viện trợ y tế sau trận động đất ở Vấn Xuyên (Tứ Xuyên) năm 2008,  Zhong đã có được kinh nghiệm hơn hai thập kỷ trong điều trị các bệnh nhân nguy kịch. Với bề dày kinh nghiệm đó, Zhong được mệnh danh là "bậc thầy ECMO" (phương pháp oxy hóa màng ngoài cơ thể, là phương pháp điều trị trong đó máy bơm và tái tạo máu bên ngoài cơ thể để cho phổi và tim nghỉ ngơi, tương tự như được sử dụng trong phẫu thuật bắc cầu tim).

Zhong thấy tình hình ở Vũ Hán nghiêm trọng hơn bao giờ anh có thể tưởng tượng. "COVID-19 là một căn bệnh hoàn toàn mới đối với con người và rất khó để kéo những bệnh nhân nguy kịch khỏi cái chết", Zhong nói.

Zhong kể lại rằng lúc đầu không khỏi bị choáng ngợp bởi số lượng bệnh nhân rất lớn trong khi đội ngũ y tế không biết gì về cơ chế của căn bệnh lạ. Một số bệnh nhân đang trong tình trạng ổn định và có thể giao tiếp, đột ngột qua đời vào ngày hôm sau. "Nó vượt quá hiểu biết về bệnh tật của chúng ta", ông nói.

Nhiều người mong đợi rất nhiều từ ECMO, gọi đó là "cọng rơm cuối cùng" để cứu sống bệnh nhân. Nhưng ngay từ đầu tháng 2 Zhong đã nhận biết rằng ECMO không toàn năng và hiệu quả của nó thay đổi tùy theo từng bệnh nhân.

"Hầu hết bệnh nhân nặng là người già và họ thường trở nên nguy kịch sau hai hoặc ba tuần, giống như Hội chứng phản ứng viêm toàn thân (SIRS) hoặc phản ứng viêm", ông nói.  Bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ trong tuần đầu tiên trước khi chuyển sang giai đoạn thứ hai. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn gây ra hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan, và khi đó ECMO cứu người không có tác dụng như mong đợi.

Sau khi sử dụng ECMO trên các bệnh nhân khác nhau, nhóm của Zhong nhận thấy rằng nếu một bệnh nhân chỉ bị suy hô hấp, suy phổi hoặc suy tim, ECMO hoạt động hiệu quả để hỗ trợ chức năng tim phổi. Nhưng nếu bệnh nhân bị suy đa tạng, khó có thể sử dụng ECMO để hỗ trợ điều trị suy tim-phổi.

Zhong kể một phụ nữ 83 tuổi trong tình trạng nguy kịch khi đến đội của Zhong không thể thở bằng ống oxy. Zhong đã sử dụng máy thở không xâm lấn để điều chỉnh hơi thở và tránh đặt nội khí quản. Trong điều trị, người phụ nữ đã cải thiện và có thể thở bằng ống mũi. Người phụ nữ đã hồi phục từ COVID-19 và được chuyển đến phòng chăm sóc thường.

Ánh sáng hy vọng

Sau khi bác sĩ Zhong  khám phá ra các lựa chọn điều trị trong một vài tuần, tình hình đã được cải thiện. Mặc dù vẫn còn khó khăn, nhưng Zhong thấy khi tìm dược phương pháp hiệu quả thì  tỷ lệ phục hồi đang tăng lên. Đặc biệt là sau khi tối ưu hóa các thủ tục điều trị, nhóm nghiên cứu có thể làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.

Tại bệnh viện Jinyintan, Zhong chứng kiến ngày càng nhiều bệnh nhân được xuất viện. Điều này khuyến khích và tạo niềm tin cho tất cả các nhân viên y tế. 

Ông xác định ba yếu tố trong việc chữa các trường hợp nặng. Đầu tiên, các bác sĩ nên tìm hiểu thêm về căn bệnh này, thực hiện các biện pháp đi trước một bước về căn bệnh và không đợi đến khi quá muộn để có biện pháp khắc phục. Thứ hai, sau khi viện trợ y tế đến, năng lực chăm sóc y tế đã được cải thiện. Thứ ba, phân loại và cách ly phải rõ ràng và kịp thời chuyển bệnh nhân.

Ông nói rằng đại dịch đã cảnh báo mọi người rằng chúng ta cần một hệ thống phát triển để đối phó với các sự kiện y tế công cộng mới nổi. 

Khi Zhong còn ở Vũ Hán, mỗi đêm, khi quá mệt mỏi, anh lại mở điện thoại để nghe con gái chơi một bản nhạc. Có lần, cô con gái hỏi: "Bố, bố nói rằng bố là một bác sĩ giỏi nhưng tại sao lại có người chết?" “Tôi không biết trả lời con thế nào”, anh cười cay đắng. Mặc dù đã có những nhận biết ban đầu về bệnh, nhưng vẫn chưa hiểu rõ cơ chế làm thế nào bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch.

Rời Vũ Hán sau khi đại dịch được kiềm chế, Zhong kể, ông muốn lại được đi làm như bình thường, tôi muốn dành một ngày cuối tuần như trước để cảm nhận cuộc sống một lần nữa. “Trước đây, tôi đã không nhận ra rằng mỗi ngày đều quan trọng và cuộc sống bình thường quý giá như thế nào", anh nói. 

Đọc thêm