Bài 1: Bùng nổ dịch vụ “chui” từ “cơn sốt” vắc-xin dịch vụ

(PLO) - Tâm lý “khát” vắc-xin dịch vụ khiến nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền gấp nhiều lần giá niêm yết để được tiêm một mũi vắc-xin dịch vụ cho con. “Đục nước béo cò”, nhờ vậy mà các dịch vụ “chui” được dịp bung nở, “hét” giá và kinh doanh vắc-xin có lãi cao.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Lời tòa soạn: 
Nhiều tháng nay, việc đưa con đi tiêm chủng vắc-xin dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1” tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trở thành “cơn ác mộng” đối với các bậc làm cha mẹ, khi họ liên tục nhận được câu trả lời: Hết vắc-xin và không biết đến bao giờ mới có lại. Dư luận băn khoăn, tại sao mang danh vắc-xin dịch vụ mà “có tiền mua không được”? Có một nghịch lý là, trong khi vắc-xin dịch vụ ngày càng trở nên khan hiếm, hoặc nếu có thì cũng trong tình trạng “nhỏ giọt”, thì nhiều bậc phụ huynh vẫn tỏ ra thờ ơ với “vắc-xin phường” được tiêm miễn phí. Các chuyên gia nói gì về thực trạng trên? Câu chuyện pháp luật sẽ lần lượt thông tin đến bạn đọc.
Mòn mỏi chờ vắc-xin dịch vụ
Trong khi vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1” dịch vụ “cháy hàng” thì tại các điểm tiêm chủng, trạm y tế phường, xã, vắc-xin Quinvaxem (loại có tác dụng tương đương với vắc-xin dịch vụ) vẫn được tiêm chủng miễn phí và đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh vẫn tỏ ra e dè với loại “vắc-xin miễn phí” này. 
Hiện nay, hai loại vắc-xin dịch vụ đang được xếp vào loại khan hiếm là “5 trong 1” Pentaxim của Pháp (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não, viêm phổi do vi khuẩn Hib) và “6 trong 1” Hexa-infarix của Bỉ (như “5 trong 1” và thêm khả năng phòng bại liệt).
Báo chí thời gian qua phản ánh, nhiều người dân Hà Nội đổ xô đưa con đi tiêm chủng, thậm chí xếp hàng từ nửa đêm, sáng tinh mơ vì sợ hết các loại vắc-xin trên, nhất là vào các ngày cuối tuần. Nhưng với số lượng vắc-xin ít ỏi, số trẻ cần tiêm quá đông, nhiều bà mẹ phải ngậm ngùi ôm con về tiếp tục chờ đợt vắc xin sau, không biết khi nào mới có. Trong khi đó, mỗi đợt vắc-xin được đưa ra toàn “nhỏ giọt”, mỗi lần ở một địa điểm tiêm chủng chỉ đáp ứng được vài trăm mũi, để rồi liên tục một điệp khúc chưa kịp tiêm đã... hết.Những ngày gần đây, tình hình này đã bớt căng thẳng, nhưng các điểm tiêm chủng vẫn khá đông đúc.
Chị Nguyễn Thu Trang (ở phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) ngao ngán cho biết, nhiều tháng nay, chị và ông xã chạy đôn chạy đáo khắp các cơ sở y tế “săn” vắc-xin dịch vụ “6 trong 1”, nhưng vẫn không có. Chị Trang cho biết, do lần trước, tiêm vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem (nguồn gốc Hàn Quốc) theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, con gái chị bị sốt cao nên lần tiêm nhắc lại này chị muốn tìm vắc-xin dịch vụ, nhưng “tìm đỏ con mắt” không ra. “Mình nghe nói tiêm vắc-xin dịch vụ trẻ ít sốt hơn, không quấy và ít có phản ứng phụ. Chính vì vậy, vợ chồng mình quyết tâm phải cho con tiêm bằng được mũi vắc-xin dịch vụ. Biết là đắt nhưng đắt mà tốt còn hơn. Trẻ giờ sốt nóng cái đi viện, xuống cân còn khổ hơn”, chị Trang nói.
Bảng giá tiêm dịch vụ tại Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội
Bảng giá tiêm dịch vụ  tại Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội
Có mặt tại Trung tâm Tư vấn dịch vụ vắc-xin thuộc Viện Kiểm định quốc gia Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (ở phố Nghiêm Xuân Yêm, Hà Nội) vợ chồng anh Hùng (ở phố Định Công Thượng, Hà Nội) mỗi người bế một con nhỏ, tay xách nách mang. Anh Hùng cho biết, theo lịch tiêm thì con gái anh sẽ tiêm 3 mũi vắc-xin “6 trong 1” khi bé 2, 3 và 4 tháng tuổi. Thế mà sau khi tiêm mũi thứ hai xong thì vắc-xin... “đứt hàng”. Nay con gái anh đã trễ lịch tiêm nhắc lại mũi cuối cùng hơn 2 tháng, nhưng vợ chồng anh cũng chỉ biết... chờ đợi.
Không riêng gì chị Trang và anh Hùng, nhiều phụ huynh ở Hà Nội đưa con đi tiêm vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1” tại các điểm tiêm chủng dịch vụ thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (số 131 Lò Đúc), phòng tiêm chủng SAFPO (số 135 Lò Đúc), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (số 78  Giải Phóng), Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (số 70 Nguyễn Chí Thanh)... đều nhận được thông báo hết vắc-xin và không biết đến bao giờ mới có lại. Thành thử phụ huynh luôn trong tình trạng “canh me”, chầu chực vất vả tại các cơ sở y tế.
Tại Bệnh viện Vinmec (Hà Nội), đơn vị trước đây nhận đăng ký tiêm vắc-xin trọn gói cho trẻ em, nhân viên tư vấn cho hay, hiện Bệnh viên không còn vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1”. Gói tiêm vắc-xin trọn gói của Bệnh viện hiện tại hơn 11 triệu đồng và không bao gồm mũi tiêm tổng hợp. Dự kiến, khi có vắc-xin, gói tiêm này có giá khoảng 16 triệu đồng.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ đến điểm tiêm chủng của Bệnh viện Hồng Ngọc. Nhân viên tư vấn tiêm chủng của bệnh viện nhất quyết không trả lời thẳng câu hỏi về việc bệnh viện có vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1” hay không mà chỉ tư vấn: “Bệnh viện chỉ tiêm cho những trẻ sinh ở bệnh viện. Nếu trẻ nhà chị sinh tại bệnh viện chúng tôi thì đưa cháu đến và mang theo sổ khám bệnh, bệnh viện sẽ tư vấn cụ thể”...
Tại các diễn đàn, các trang mạng xã hội, hàng loạt lời kêu ca phàn nàn về tình trạng thiếu vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1” được đăng tải. Nhiều người cho biết, khi nhận được thông báo của bạn bè trên mạng xã hội, cập nhật vào website của trung tâm tiêm chủng thông báo có vắc-xin dịch vụ, họ tức tốc sang phòng tiêm chủng nhưng đã thấy có hàng dài người đứng chờ lấy số thứ tự từ lâu. Một hình thức được nhiều bà mẹ có kinh tế khá giả chia sẻ là bỏ ra một khoản chi phí kha khá để đưa con cháu sang Thái Lan, Singapore, Hồng Kông... tiêm vắc-xin với hy vọng con họ được sử dụng dịch vụ tiêm chủng tốt nhất.
E ngại “vắc xin miễn phí”
Trong khi vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1” dịch vụ “cháy hàng” thì tại các điểm tiêm chủng, trạm y tế phường, xã, vắc-xin Quinvaxem (loại có tác dụng tương đương với vắc-xin dịch vụ) vẫn được tiêm chủng miễn phí và đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh vẫn tỏ ra e dè với “vắc-xin miễn phí” này. Không ít người có suy nghĩ... “thôi đi điểm tiêm dịch vụ cho chắc ăn”.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hồng (Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ Khoa học kỹ thuật và Y tế dự phòng - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho hay, cơ sở này bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin mở rộng từ ngày 11/3/2015 đến nay, nhưng số lượng người tiêm loại vắc-xin này ở trung tâm rất hạn chế, phần đông khách hàng vẫn trong tâm lý chờ đợi vắc-xin dịch vụ. Trong số này có rất nhiều trường hợp quá thời điểm tiêm chủng hiệu quả hàng 2-3 tháng, thậm chí 6 tháng.
Tại khu vực tiêm chủng mở rộng của trung tâm, phần lớn phụ huynh khi được hỏi đều tỏ ra rất miễn cưỡng khi để con tiêm vắc-xin tiêm chủng mở rộng. “Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh thờ ơ với vắc-xin được tiêm miễn phí, mà “chạy đua” đưa con đi tiêm chủng dịch vụ. Nhiều cơ sở y tế xã, phường đến từng nhà mời các gia đình đưa con trẻ đi tiêm phòng theo lịch, nhưng số lượng vẫn vắng, còn tại các Trung tâm tiêm phòng dịch vụ lại luôn trong tình trạng quá tải”, Bác sĩ Nguyễn Minh Hồng chia sẻ.
Có mặt tại một số điểm tiêm chủng vào những ngày qua, tiếp xúc với người nhà của trẻ đến tiêm, thấy rõ một phần nguyên nhân khiến Quinvaxem “ế dài” trong suốt thời gian qua là do người dân lo ngại trước thực trạng một số trẻ gặp tai biến sau khi tiêm vắc-xin này.
Trước đó, các sự cố tai biến vắc-xin Quinvaxem đã gây ra một đợt công kích nhằm vào chương trình Tiêm chủng mở rộng trên báo chí, trong dư luận. Không chỉ soi vào quy trình tiêm chủng mà nhiều bài báo còn đặt vấn đề về chất lượng vắc-xin, quy trình nhập khẩu, sản xuất, bảo quản vắc-xin... Cơn bão dư luận đã hình thành nên tâm lý “tiêm vắc-xin miễn phí thì chất lượng không thể đòi hỏi tốt hơn” và không ít gia đình đã chuyển sang tiêm vắc-xin dịch vụ.
Đưa con trai 8 tháng tuổi đến Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (số 70 Nguyễn Chí Thanh) để tiêm vắc-xin dịch vụ “6 trong 1”, chị Mai Anh (ở phố Chùa Láng, Hà Nội) nhận được thông báo hết loại vắc-xin này. Lập tức chị tỏ ra khó chịu: “Khi xảy ra dịch bệnh thì đổ cho phụ huynh không đưa trẻ đi tiêm vắc-xin, nhưng đưa cháu đi tiêm thì lại nói hết”. Theo chị, cũng vì chờ tiêm vắc-xin dịch vụ mà đến nay con trai chị đã 8 tháng tuổi vẫn chưa tiêm xong loại vắc-xin này, lẽ ra đã tiêm xong từ lúc cháu mới 4-5 tháng tuổi.
Sau khi trả lời thông tin vắc-xin dịch vụ “6 trong 1” đã hết, nhân viên tiêm chủng tại điểm tiêm dịch vụ trên hướng dẫn chị Mai Anh cho cháu tiêm vắc-xin Quinvaxem cùng một công dụng, nhưng chị từ chối và chấp nhận chờ. “Con tôi từ nhỏ đã tiêm ở đây nên theo ở đây luôn, còn tiêm Quinvaxem thì không an tâm lắm. Tôi đọc báo, nghe đài được biết đã có một số trẻ gặp tai biến, tử vong sau khi tiêm vắc-xin này. Tôi sẽ không “đánh liều” tính mạng của con để tiêm vắc-xin Quinvaxem”, chị nói.
Một trong những nguyên nhân khác khiến người dân còn thờ ơ với Quinvaxem là do họ không có thông tin đầy đủ về chất lượng của vắc-xin tiêm chủng mở rộng cũng như e ngại về “trình độ tiêm” ở tuyến y tế cơ sở.
Chờ đợi suốt 3-4 tháng nay không tiêm được cho con vắc-xin dịch vụ “5 trong 1”, khi biết được thông tin điểm tiêm dịch vụ có triển khai tiêm vắc-xin của Chương trình tiêm chủng mở rộng, không quản quãng đường dài từ nhà ở huyện Mỹ Đức đến điểm tiêm dịch vụ ở 70 Nguyễn Chí Thanh, chị Phạm Thị Mùi quyết định đưa con trai 9 tháng tuổi đến đây để được tiêm Quinvaxem. Chị Mùi cho biết: “Không tiêm thì lo con ốm, mà tiêm thì lại sợ tai biến. Tuy nhiên, khi đến đây, bé nhà tôi được các bác sĩ khám cẩn thận trước khi tiêm và kiểm tra sức khỏe sau tiêm nên tôi không còn cảm thấy lo lắng như trước. Ở Trung tâm Y tế huyện cũng triển khai tiêm Quinvaxem nhưng khi “vượt tuyến” cho con đến tiêm ở điểm tiêm dịch vụ này, tôi cảm thấy yên tâm hơn”.
Ông Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế) cho biết, theo lộ trình thì chỉ đến năm 2020 Việt Nam sẽ sản xuất được vắc-xin phối hợp “5 trong 1”. Hiện nước ta đã sản xuất được các vắc-xin đơn lẻ như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B. Dự kiến đến 2018 sẽ sản xuất được vắc-xin Hib và ho gà vô bào làm tiền đề để sản xuất vắc-xin phối hợp “5 trong 1”.

Còn nữa...

Đọc thêm