Bài 2: Giải pháp: Vẫn phải chờ...

(ĐNĐT) - Làm thế nào để giúp người nghèo có khả năng chi trả BHYT là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Trong khi chờ những giải pháp mới, các bệnh viện vẫn chi trả 100% viện phí hoặc vận động các nhà hảo tâm điều trị cho người bệnh, song cũng chỉ "cầm cự" mà thôi...

(ĐNĐT) - Làm thế nào để giúp người nghèo có khả năng chi trả BHYT là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Trong khi chờ những giải pháp mới, các bệnh viện vẫn chi trả 100% viện phí hoặc vận động các nhà hảo tâm điều trị cho người bệnh, song cũng chỉ "cầm cự" mà thôi...

         >> Bài 1: Người nghèo sao kham nổi!


Tại Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính vẫn được xem xét chi trả 100% hoặc vận động các nguồn bù đắp trong khi chờ đợi chính sách hỗ trợ cụ thể. Trong ảnh: Người dân chờ làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng (Ảnh: T. Nghiệp)
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính vẫn được xem xét chi trả 100% hoặc vận động các nguồn bù đắp trong khi chờ đợi chính sách hỗ trợ cụ thể. Trong ảnh: Người dân chờ làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng (Ảnh: T. Nghiệp)

“Không thể nói với bệnh nhân là không có tiền không chữa"

Ngày 7-1, trong chuyến kiểm tra công tác triển khai quy định mới về BHYT tại Bệnh viện Đà Nẵng, ông Nghiêm Trần Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế ghi nhận Bệnh viện Đà Nẵng cũng như nhiều bệnh viện trong cả nước đã chủ động xử lý độ “vênh” trong quá trình áp dụng quy định mới.

Cụ thể, các bệnh nhân mắc các chứng bệnh mãn tính như suy thận mãn, ung thư… tại Bệnh viện Đà Nẵng vẫn được chi trả 100% hoặc vận động các nguồn bù đắp.

Bác sĩ Hồ Thị Hiền Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết cụ thể hơn: Không chỉ có đối tượng cùng chi trả 5% mà cả một số trong nhóm đối tượng cùng chi trả 20% đang điều trị bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo cũng không có khả năng chi trả. Trước mắt, bệnh viện vẫn điều trị cho bệnh nhân, rồi hướng dẫn họ làm đơn cứu xét nhưng cũng chưa biết có nguồn nào chi trả cho khoản âm của bệnh viện.

Bác sĩ Lương cho biết, bệnh viện cũng có lập quỹ giúp đỡ bệnh nhân nghèo bệnh nặng và vận động một số mạnh thường quân quen biết đến trực tiếp trả viện phí cho bệnh nhân, nhưng nay quỹ cũng hết tiền rồi. Theo quy định mới, số đối tượng cùng chi trả không có khả năng thanh toán viện phí sẽ tăng cao hơn trước kia sẽ là cái khó cho bệnh viện.

 

“Không thể nói với bệnh nhân là không có tiền không chữa. Bệnh viện sẽ tiến hành thống kê số tiền cùng chi trả theo quy định nằm ngoài khả năng của bệnh nhân mà bệnh viện đang gánh thay để đề xuất lên trên xem xét giải quyết", bác sĩ Lương cho biết.

Điều đó cho thấy dấu hiệu đáng mừng là các bệnh viện đã không “mặc cả” với bệnh tình và tính mạng của người bệnh. Thế nhưng, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đang lâm vào tình trạng “cầm cự”.

Bởi lẽ, theo tính toán của khoa Thận nhân tạo, trong 156 trường hợp đang chạy thận từ 2 – 3 lần/tuần thì đã có khoảng 1/3 bệnh nhân không có khả năng chi trả mức viện phí 5 - 20% theo quy đinh chi trả BHYT mới. Bên cạnh đó, còn nhiều bệnh nhân nếu bắt buộc chi trả theo khoản quy định mới thì họ chỉ có thể cầm cự trong vài ba tháng mà thôi.

Giải pháp: Vẫn phải chờ...

Trước thực trạng đó, trong cuộc họp với Bệnh viện Đà Nẵng ngày 12-1 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nông Thị Ngọc Minh cho rằng, ngành y tế cần huy động từ Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo cũng như các quỹ từ thiện khác để có nguồn hỗ trợ trước mắt cho những bệnh nhân đang phải đối phó với các chứng nan y và sớm báo cáo kinh phí phải bù đắp cho các bệnh nhân nghèo và mãn tính không có khả năng chi trả. Tuy nhiên, biện pháp “giật gấu vá vai” này cũng chỉ là nhất thời.

Ngành y tế và Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng đã có đề xuất giải pháp hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo thuộc diện cùng chi trả 50%. Trong ảnh: Trẻ em mồ côi tại Trung tâm Từ thiện của Hội Từ thiện thành phố (Ảnh: H.Anh)

 Ngành y tế và Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng đã có đề xuất giải pháp hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo thuộc diện cùng chi trả 50%. Trong ảnh: Trẻ em mồ côi tại Trung tâm Từ thiện của Hội Từ thiện thành phố (Ảnh: H.Anh)

Theo ông Nghiêm Trần Dũng, Bộ Y tế đang có hướng trình Chính phủ xây dựng quỹ hỗ trợ cho những bệnh nhân bị bệnh mãn tính và quỹ này sẽ được xây dựng cơ chế hoạt động và thanh toán riêng biệt.

Bà Trần Thị Lý, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết: Trong những lần làm việc với Bộ Y tế tại Đà Nẵng, cả ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội thành phố đã có đề xuất giải pháp hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo thuộc diện cùng chi trả 5%. Có thể là lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, hoặc sử dụng ngân sách nhà nước bù đắp phần cùng chi trả của người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, vẫn phải chờ tổng hợp tình hình chung của cả nước mới có chính sách hỗ trợ cụ thể.

Hoàng Anh - Trọng Nghiệp

Xem xét dùng Quỹ 139 hỗ trợ bệnh nhân nghèo khám chữa bệnh BHYT

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho biết, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết những vướng mắc trong việc triển khai quy định cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh BHYT theo Luật BHYT của một số đối tượng, trong đó có đối tượng người nghèo, cận nghèo, chạy thận nhân tạo và người đang sống ở các Trung tâm bảo trợ xã hội.

Lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu Vụ Kế hoạch tài chính làm đầu mối khảo sát tình hình hoạt động của Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo (Quỹ 139) tại các địa phương, nhằm xây dựng phương án hỗ trợ người nghèo khi đi khám chữa bệnh bằng BHYT. Chậm nhất trong tháng này Bộ Y tế sẽ có phương án trình Thủ tướng hướng sửa đổi phương thức hoạt động của Quỹ 139.

(Theo Báo Điện tử ĐCSVN)

Đọc thêm