Bài 2: Sống còn một làng mắm

Bỏ pháo, người dân làng nghề được hỗ trợ tài chính từ Trung ương và địa phương để chuyển đổi ngành nghề. Có người buôn bán, có người đi biển, có người làm công nhân và tất nhiên, việc làm mắm vẫn duy trì ở mức độ “rề rề”. Nhiều khó khăn bắt đầu nảy sinh khi nhà thì đã bán hết đồ nghề, nhà còn thì hư hỏng, cũ kỹ, mặt bằng chật chội, không có vốn để đầu tư sản xuất. Gần 10 năm sau đó, sản phẩm của làng nghề nước mắm Nam Ô chỉ dừng lại mức làm quà và mua bán nhỏ lẻ.

Bỏ pháo, người dân làng nghề được hỗ trợ tài chính từ Trung ương và địa phương để chuyển đổi ngành nghề. Có người buôn bán, có người đi biển, có người làm công nhân và tất nhiên, việc làm mắm vẫn duy trì ở mức độ “rề rề”. Nhiều khó khăn bắt đầu nảy sinh khi nhà thì đã bán hết đồ nghề, nhà còn thì hư hỏng, cũ kỹ, mặt bằng chật chội, không có vốn để đầu tư sản xuất. Gần 10 năm sau đó, sản phẩm của làng nghề nước mắm Nam Ô chỉ dừng lại mức làm quà và mua bán nhỏ lẻ.

Mô tả ảnh.
Đóng gói và dán nhãn hiệu tại cơ sở.
Hiểu được nỗi niềm của người làng nghề và thực hiện chủ trương của thành phố về việc khôi phục làng nghề, năm 2005, Trung tâm Khuyến công thành phố Đà Nẵng hỗ trợ người dân tham gia Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất nước mắm Nam Ô”. Dự án này cung cấp cho người dân công nghệ sản xuất nước mắm theo quy trình công nghiệp. Mặc dù số hộ tham gia ban đầu không nhiều, nhưng đây là cơ sở ban đầu để tiếp tục nhân rộng số hộ tham gia, hướng tới mục tiêu khôi phục và phát triển làng mắm Nam Ô. Người làm mắm được nhận hơn 9.000kg chượp cá cơm để tập huấn chuyển giao kỹ thuật kéo rút.

Năm 2006, UBND quận Liên Chiểu tiếp tục đầu tư và triển khai Dự án “Khôi phục làng nghề nước mắm Nam Ô” bằng việc mua sắm dụng cụ (150 chum vại với sức chứa 30 tấn), tập huấn kỹ thuật chế biến, nguyên liệu và quảng bá sản phẩm. Các dự án hỗ trợ đó đã tạo sự phấn khích mới đối với làng nghề, giúp người làm mắm có thêm điều kiện để phát triển kinh tế. Trước yêu cầu mới, năm 2007, Hội làng nghề truyền thống Nước mắm Nam Ô ra đời, đây là ngôi nhà chung cho các hội viên cùng học hỏi, trao đổi về nghề. Theo ông Lê Bốn, Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống Nước mắm Nam Ô, đến nay có trên 100 hộ dân thuộc các khối Nam Ô 1, Nam Ô 2, Nam Ô 3 (phường Hòa Hiệp Nam) và một số hộ ở Hòa Hiệp Bắc làm mắm thủ công với công suất mỗi hộ khoảng 1.500 lít/năm.

Trong thời gian qua, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất cho làng nghề, hàng chục hộ làm mắm được vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất và thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó, làng nghề còn được các cấp, các ngành hỗ trợ về mặt bằng để trưng bày sản phẩm nước mắm cũng như tham gia quảng bá tại các hội chợ trong nước. Tuy nhiên, nhìn vào sức tiêu thụ trong 3 năm gần đây, có thể thấy làng nghề chưa phát triển mạnh. Mặc dù nước mắm Nam Ô đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu cho Hội làng nghề nước mắm Nam Ô, song các hộ sản xuất liên tục thay đổi tên gọi và nhãn mác tùy tiện. Hạn chế nữa là do sản xuất nhỏ lẻ, các hộ làm mắm chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm tiêu thụ. Chỉ có những hộ làm nghề thường xuyên với công suất lớn như các bà Mai Thị Chước, Phạm Thị Hải Nguyệt, doanh thu đưa lại khá lớn. Đơn cử như hộ bà Chước mỗi năm muối từ 4-6 tấn cá, đưa lại doanh thu 50-60 triệu đồng.

Như đã nói, những người gắn bó với nghề làm mắm đi biển đánh bắt kết hợp với làm mắm từ ngày trước, hiện nay đều đã lớn tuổi, không còn nhiều. Trong khi ngư trường dần thu hẹp, loại cá cơm than không còn nhiều như trước, người làm mắm buộc phải thu mua ở các nơi khác, nên một mặt, nguyên liệu không tươi bằng tại chỗ, mặt khác cá đưa vào muối lẫn nhiều cá tạp khiến nước mắm giảm bớt độ ngon, không cạnh tranh được với loại nước mắm công nghiệp như Nam Ngư, Chin-Su…

Đến làng nghề, hỏi chuyện làm mắm, chỉ thấy toàn những ông già, bà lão loay hoay với chum vại. Việc đi biển, gánh cá, thu mua, lau chùi thùng chậu, muối cá, lọc mắm và tìm khách hàng cũng những người lớn tuổi. Bà Trần Thị Lữ (Nam Ô 2) cho biết: “Làm mắm thì đồng vốn lâu xoay vòng, thu nhập thất thường vì phải phụ thuộc vào đầu ra. Vì rứa nên con cháu thanh niên ở đây đâu có chịu làm”. Những hộ khác như ông Huỳnh Diễn, Lê Văn Cưu - Bùi Thị Hoa, cùng cho rằng: “Có lẽ do còn hoài niệm với nghề ông cha từ xưa cho nên phải theo nghề thôi, chứ đến đời con cháu mình chắc chẳng ai nghĩ tới”.

Nước mắm Nam Ô hiện diện trong từng bữa ăn hằng ngày của người dân nơi đây. Mỗi dịp Tết, lễ, người Nam Ô tự hào đã sản xuất ra một sản phẩm có ý nghĩa để dành tặng cho bạn bè, người thân và các khách hàng. Tuy nhiên, để giữ lửa cho làng nghề có giá trị kinh tế cao, không chỉ người làm mắm, các ban, ngành địa phương và thành phố cần dành nhiều quan tâm hơn nữa đến thương hiệu nước mắm Nam Ô từng nức tiếng một thời.

Ông Nguyễn Hữu Thiết (ảnh), Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu:  
Theo kế hoạch trình UBND thành phố, dự kiến năm 2011, quận Liên Chiểu sẽ đầu tư khoảng 500 triệu đồng cho làng nghề phục vụ vào việc cải tiến nhãn mác bao bì, nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm, duy trì và phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ thương hiệu. Sẽ đầu tư cho Hội làng nghề máy đo độ đạm nước mắm, bảo đảm chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường.
Bài và ảnh: Duyên Anh

Đọc thêm