Bài 3: “Cần nghiêm trị” trong vụ khai thác vàng trái phép tại Mường Tè (Lai Châu)

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bày tỏ quan điểm trong vụ Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh việc khai thác vàng trái phép tại bản Bó, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: Tài nguyên khoáng sản là bảo vật quốc gia, là nguồn lực của nhà nước. Nếu ai đó tự ý khai thác, không được phép của Nhà nước là vi phạm pháp luật, cần phải nghiêm trị.
Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến. Nguồn ảnh MC
Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến. Nguồn ảnh MC

Cần xử lý thật nghiêm những người vi phạm

Theo ông Tiến, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khai thác khoáng sản phải thực hiện theo Luật, phải được cấp có thẩm quyền cấp phép, còn nếu tự ý khai thác đó là vi phạm pháp luật và cần phải nghiêm trị. “Nguồn tài nguyên là hữu hạn không phải vô hạn. Bởi khi “chảy máu tài nguyên chừng nào thì đất nước ta nghèo đi chứng đó”, ông Tiến nhấn mạnh và cho rằng, cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương cần chủ động chặn từ xa, chặn từ sớm các “khoáng tặc”. Còn khi các đối tượng khai thác rất nhiều rồi mà chưa ngăn chặn được là lỗi rất nghiêm trọng của cơ quan quản lý.

Đại biểu quốc hội khoá XII, XIII, ông Lê Như Tiến cho rằng “nếu như một số đối tượng gọi là “vàng tặc” hoặc là “khoáng tặc” mà khai thác gần dân cư, gần với UBND xã mà chính quyền lại không biết và xử lý dứt điểm và kịp thời, thì đó là ngụy biện, là bao che và nếu đúng như thế thì chúng ta phải xử lý thật nghiêm”

Hình ảnh "hầm vàng" bí mật được đào sâu trong lòng đất cả 100m. Nguồn ảnh MC

Hình ảnh "hầm vàng" bí mật được đào sâu trong lòng đất cả 100m. Nguồn ảnh MC

“Luật khoáng sản có những quy định rất cụ thể về việc bảo quản, quản lý, gìn giữ khoáng sản của đất nước. Do đó, nếu cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương mà không thực hiện thì họ đã vi phạm pháp luật. Chúng ta không thể nương nhẹ cho những trường hợp này, chúng ta cần xử lý thật nghiêm những người vi phạm, đồng thời là hồi chuông cảnh báo cho những người chuẩn bị vi phạm hoặc là giáp ranh với việc có ý định vi phạm”, ông Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Tiến, việc khai thác khoáng sản trái phép làm ảnh hưởng rất lớn đến đến môi trường. Bởi khai thác bất kỳ loại khoáng sản trái phép nào cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và sẽ làm môi trường tại những nơi này bị tàn lụi không bao giờ phục hồi lại, từ nguồn nguyên liệu về rừng, đất rừng, đất nông nghiệp, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng bị ảnh hưởng vô cùng.

Ngoài ra, việc khai thác trái phép còn làm cho người dân sống trong khu vực đó bị ảnh hưởng rất lớn. Cuộc sống của họ bị ô nhiễm do khi họ đãi những khoáng sản nếu dùng hóa chất để phân kim, phân lọc và chắc chắn là sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, nước tưới tiêu, sản xuất.

“Tôi thấy rằng cần phải nghiêm trị khi đã phát hiện các đối tượng “khoáng tặc”, còn nếu chính quyền địa phương ai tiếp tay cho “khoáng tặc” thì những người đó cũng phải xử lý thật nghiêm. Có thể cách thức bãi nhiệm và truy tố trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ. Không chỉ là phê bình, kiểm điểm mà phải phải chịu trách nhiệm hình sự, truy tố những người “tiếp tay, bao che” cho các đối tượng khai thác trái phép khoáng sản tại địa phương”, ông Tiến bày tỏ quan điểm.

Làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương

Dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý, Ts. Ls Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, vàng là kim loại quý, là một trong các loại khoáng sản quý hiếm có sự quản lý của nhà nước. Việc khai thác vàng là khai thác tài nguyên thiên nhiên, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nên hoạt động khai thác vàng phải có sự quản lý của nhà nước.

Ts. Ls Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội. Nguồn ảnh nhân vật CC

Ts. Ls Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội. Nguồn ảnh nhân vật CC

Hoạt động khai thác vàng phải được thực hiện theo quy định của Luật khoáng sản 2016 và hướng dẫn tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật khoáng sản. Theo quy định tại Điều 53 Luật khoáng sản 2010 và Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 thì nguyên tắc và điều kiện cấp Giấy phép khai thác khoáng sản như sau:

Việc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc, phải có giấy phép khai thác khoáng sản chỉ được cấp ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản hợp pháp và không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; Không chia cắt khu vực khoáng sản có thể đầu tư khai thác hiệu quả ở quy mô lớn để cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho nhiều tổ chức, cá nhân khai thác ở quy mô nhỏ.

“Như vậy, tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh theo quy định được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên. Trường hợp tổ chức cá nhân không đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động khai thác khoáng sản là vàng mà lại tự ý thực hiện thì đây là hành vi khai thác khoáng sản trái phép, tùy vào tính chất mức độ mà người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, Ls Đặng Văn Cường cho biết.

Theo Ts. Ls Đặng Văn Cường, ngay sau khi Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh “hầm vàng tặc” thì Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu đã phối hợp Công an huyện Mường Tè vào cuộc và triệu tập một số đối tượng có liên quan đến vụ khai thác vàng trái phép tại vị trí xã bản Bó, xã Mường Tè, huyện Mường Tè vào cuộc như vậy là cần thiết và kịp thời để làm rõ hành vi sai phạm trong công tác quản lý về khoáng sản cũng như hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

“Cơ quan điều tra sẽ làm rõ những nội dung phản ánh của cơ quan báo chí phải sẽ phối hợp với cơ quan báo chí để làm rõ các thông tin mà các phóng viên đã thâm nhập hiện trường, làm rõ danh tính của các đối tượng, mức độ sai phạm, hậu quả sai phạm để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Cường cho hay.

Theo Ls Đặng Văn Cường, nếu chứng minh có hành vi khai thác khoáng sản trái phép thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với đối tượng thực hiện hành vi chưa đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Với số tiền, tài sản thu lợi bất chính thì sẽ bị thu giữ để sung vào công quỹ nhà nước, đối tượng thực hiện hành vi còn có thể bị phạt tiền là hình phạt bổ sung và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn của các đối tượng thực hiện hành vi khai thác vàng trái phép và trách nhiệm của cán bộ trong công tác quản lý để xác định có hành vi buông lỏng quản lý phải có hành vi tiếp tay, giúp sức cho sai phạm hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.

“Tôi đánh giá rất cao với sự vào cuộc của Báo Pháp luật Việt Nam, đó là những phóng viên của cơ quan truyền thông, họ rất dũng cảm, dám phanh phui ra những tội phạm khai thác trái phép những tài nguyên quý báu của đất nước, bảo vệ tài nguyên khoáng sản cho đất nước, rất đáng biểu dương.”, ông Lê Như Tiến nói.

Đọc thêm