Nhóm phóng viên PLVN tiếp tục tìm hiểu về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; quản lý sử dụng đất rừng của lâm trường này; và phát hiện mới đây Cty Lâm nghiệp Kon Plông còn xây một số công trình kiên cố trên lâm phần mình quản lý.
Căn nhà quy mô trên lâm phần không có đường cho xe đi
Công trình thứ nhất nằm ở vị trí vô cùng khó tìm. Từ thị trấn Măng Đen, đi khoảng gần 7km theo tỉnh lộ 676, đến cách UBND xã Măng Cành khoảng 1km, rẽ trái đi tiếp hơn 1km theo con đường bê tông độ hẹp vừa đủ một ô tô chạy lên ngọn đồi, sẽ tới tiểu khu 478, thôn Kon Năng. Và đây mới chỉ là điểm bắt đầu quãng đường khó nhất để tiếp cận công trình.
Từ đây, để đến được căn nhà, nhóm PV phải bỏ xe lại trên đường bê tông, lội bộ khoảng 1km trên con đường mòn bùn đất nhão nhoẹt ngập đến bắp chân, dích dắc theo độ nghiêng sườn đồi. Không phương tiện đường bộ nào có thể “bò” vào tới đây, ngoài xe bánh xích. Thế nên khi lội bùn đến cuối con đường, sang tới sườn đồi phía bên kia, gặp căn nhà 2 tầng đã hoàn thiện, ai cũng sửng sốt.
Ngoài đi bộ, chỉ xe bánh xích mới có thể “bò” được trên con đường này. |
Căn nhà 2 tầng kiên cố có diện tích mặt sàn hơn 100m2, chia thành nhiều phòng, lợp mái tôn. Vị trí xây dựng của căn nhà cũng rất “độc đáo” khi nằm ngay khu vực đồi và đồng ruộng giao nhau, nên để có mặt bằng xây nhà, phải bạt một khoảng sườn đồi. Để có được căn nhà tại vị trí hiểm trở và lối ra vào khó khăn như vậy, phải rất kỳ công vận chuyển nguyên vật liệu, nhân lực vào tạo mặt bằng, xây cất hoàn thiện.
Con đường mòn bùn đất nhão nhoẹt ngập đến bắp chân. |
Ghi nhận vào hồi 10h27 ngày 29/12/2023, tại công trình này không có phòng nào mở cửa, không có người nào phía trong. Phía ngoài công trình không có bất kỳ biển hiệu nào. Ở trước mặt ngôi nhà khoảng gần 100m, một máy ủi đang gầm rú ủi bạt một sườn đồi.
Điểm bắt đầu của lối mòn dẫn tới công trình tại tiểu khu 478. |
Phó Chủ tịch UBND xã Măng Cành, ông A Xinh và Chủ tịch UBND xã Măng Cành, ông Mai Xuân Mậu cho biết, công trình trên do Cty Lâm nghiệp Kon Plông xây dựng trên lâm phần Cty. Chủ tịch xã nói do cấp xã không có thẩm quyền trong vấn đề này nên không rõ đất trên đã được chuyển mục đích sử dụng (MĐSD) hay chưa, không rõ công trình có được cấp thẩm quyền cho phép xây hay chưa? Được biết, công trình mới được Cty Lâm nghiệp Kon Plông xây xong vào năm 2023.
Để đến được công trình thứ hai mà Cty Lâm nghiệp Kon Plông xây trên khoảnh 2, tiểu khu 476A, phải ngược trở ra thị trấn Măng Đen, đi theo đường Trường Sơn Đông, tới đầu cầu Đăk La (km204+512 đường Trường Sơn Đông). Tại đây, năm 2022, Cty Lâm nghiệp Kon Plông đã xây công trình kiên cố diện tích hơn 150m2 với nhiều phòng.
Công trình tại khoảnh 2, tiểu khu 476A, đầu cầu Đăk La rộng hơn 150m2 với nhiều phòng làm việc. |
Hồi 10h ngày 28/12/2023, có mặt tại công trình này, PV ghi nhận phía ngoài không có bất kỳ biển hiệu gì. Trong các phòng không có ai. Dấu hiệu cho thấy công trình rất ít được sử dụng, nhìn qua cửa kính nhận thấy trong các phòng gần như trống trơn.
PV đã tới Cty Lâm nghiệp Kon Plông, Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Kon Tum, đặt câu hỏi về việc trước khi xây dựng các công trình này, Cty đã được phép chuyển MĐSD rừng hay chưa, có được UBND tỉnh chấp thuận cho xây công trình hay không? Nếu đó là những trạm bảo vệ rừng, tại sao Cty không đặt biển hiệu, tại sao lại xây ở những vị trí vô cùng “hiểm hóc” hiểm trở rất khó ra vào tìm kiếm như tại tiểu khu 478? Đại diện các cơ quan đều đề nghị PLVN để lại câu hỏi và sẽ có trả lời sau.
Luật quy định về xây trạm bảo vệ rừng ra sao?
Giải thích về lĩnh vực, LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM) nói: “Để bảo vệ, quản lý, phát triển rừng, luật đã có những quy định rất chặt chẽ về chuyển MĐSD rừng. Các chủ rừng không được lấy lý do xây công trình cơ sở kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ phát triển rừng mà tùy tiện xây dựng công trình kiên cố trên đất rừng. Ai cũng phải tuân thủ Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, không có ngoại lệ”.
LS Tuấn cho biết, khoản 8 Điều 9 Luật Lâm nghiệp nghiêm cấm hành vi “chuyển đổi MĐSD rừng trái pháp luật”. Theo Điều 5 Luật Lâm nghiệp và Điều 10 Luật Đất đai, thì trên đất rừng, không ai được xây dựng công trình kiên cố. Muốn xây dựng trạm bảo vệ rừng, chủ rừng phải chuyển đổi MĐSD rừng.
Theo Điều 19, Điều 20 Luật Lâm nghiệp, muốn chuyển MĐSD rừng, việc chuyển đổi phải: 1. Phù hợp quy hoạch lâm nghiệp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 2. Được cơ quan thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi MĐSD rừng sang mục đích khác (trong trường hợp rừng sản xuất dưới 50ha, thẩm quyền thuộc HĐND cấp tỉnh); 3. Có dự án đầu tư được cơ quan thẩm quyền quyết định; 4. Có phương án trồng rừng thay thế.
LS Tuấn cho biết, theo Nghị định 83/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp, nếu chủ rừng muốn xây trạm bảo vệ rừng, phải gửi hồ sơ đến Sở NN&PTNT, gồm: 1. Văn bản đề nghị chuyển MĐSD rừng; 2. Báo cáo đề xuất dự án đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi kèm theo văn bản thẩm định của cơ quan chủ quản của chủ rừng; 3. Tài liệu đánh giá tác động đến môi trường; 4. Báo cáo thuyết minh, bản đồ hiện trạng rừng, kết quả điều tra rừng khu vực đề nghị chuyển mục đích. Sau khi thẩm định, Giám đốc Sở NN&PTNT sẽ báo cáo UBND cấp tỉnh.
Dấu hiệu cho thấy công trình rất ít được sử dụng, nhìn qua cửa kính nhận thấy trong các phòng gần như trống trơn. (Ảnh trong bài: Mai Minh) |
UBND cấp tỉnh sau đó sẽ thẩm định: 1. Thành phần, nội dung hồ sơ; 2. Sự cần thiết xây công trình; 3. Vị trí, kết quả điều tra rừng; 4. Sự tuân thủ quy định pháp luật liên quan; 5. Sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp; 6. Hiệu quả kinh tế - xã hội; đánh giá tác động đến môi trường của công trình.
Trường hợp nếu thẩm định thấy đủ điều kiện, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định chủ trương chuyển MĐSD rừng sang mục đích khác.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc khi Cty Lâm nghiệp Kon Plông, Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Kon Tum có những phản hồi về sự việc nêu trên.
Xây trạm bảo vệ rừng có phải đấu thầu hay không?
LS Tuấn cho biết, theo điểm b khoản 6 Điều 87 Nghị định 156/2018/NĐ-CP, việc xây dựng trạm bảo vệ rừng do Nhà nước bảo đảm ngân sách đầu tư. Đồng thời Cty Lâm nghiệp Kon Plong có 100% vốn nhà nước do UBND tỉnh làm đại diện sở hữu; nên theo Điều 22 Luật Đấu thầu, Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP; nếu xây trạm bảo vệ rừng có giá trên 1 tỷ, buộc phải đấu thầu công khai.