Bài 3: “Ngoại giao cây tre” và hoa sen - Bài học trường tồn, sáng mãi!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Ngoại giao cây tre” và cốt cách hoa sen là nguyên tắc cơ bản, bài học, kinh nghiệm trân quý để dân tộc ta từng bước nâng vị thế, cơ đồ trên trường quốc tế, vững bước phát triển, đi lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu quan trọng (Ảnh: dangcongsan.vn).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu quan trọng (Ảnh: dangcongsan.vn).

Thành công trên trường quốc tế

Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26/01/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay…”.

Theo Tổng Bí thư, những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Còn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng phát biểu tại Viện Nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Iran trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hoà Hồi giáo Iran tháng 8/2023, để đạt được những thành tựu toàn diện, đáng khích lệ như hiện nay, Việt Nam đã rút ra được 3 bài học từ thực tiễn của nước mình:

Thứ nhất, kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam, với tinh thần lấy dân làm gốc. Nhân tố quyết định thành công của Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhờ sự lãnh đạo nhất quán, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam. Chúng tôi luôn hành động theo quan điểm lấy “dân là gốc”, “đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu tối thượng.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, Việt Nam xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” do nhân dân làm chủ. Nhà nước pháp quyền Việt Nam là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Trên tinh thần đó, phương châm hành xử của các cơ quan Nhà nước, của cán bộ công chức là dân phải biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Vì lẽ đó, mọi quyết sách của Đảng và Nhà nước đều phải đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm.

Với đường lối đúng đắn được người dân, doanh nghiệp ủng hộ, hành động sáng tạo, cùng với sự hợp tác quốc tế rộng lớn đã tạo nên quốc lực mạnh mẽ làm cho Việt Nam chúng tôi vững vàng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đang từng bước phát triển nhanh, bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam vào ngày 10/9/2023. Ảnh: B.Đ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam vào ngày 10/9/2023. Ảnh: B.Đ

Năm 2021, tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã đề ra 2 mục tiêu chiến lược: Mục tiêu thứ nhất là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Mục tiêu thứ hai là đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Để thực hiện thực hoá tầm nhìn đó và khát vọng hùng cường đó, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa hướng về phục vụ người dân; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế sâu rộng. Coi trọng, phát huy hiệu quả nguồn lực con người, văn hoá, của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Tập trung nguồn nội lực và nguồn lực bên ngoài, bao gồm cả nguồn lực của tư nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cuối cùng, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả.

Trên tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ, toàn diện cả ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước (bao gồm ngoại giao nghị viện, ngoại giao Chính phủ) và đối ngoại Nhân dân.

Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia, đóng góp với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao nhất vào những nỗ lực chung, đảm nhiệm thành công trọng trách tại nhiều cơ chế đa phương quan trọng và đang thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…

Không chỉ vậy, tại buổi tiếp trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ phát biểu: “Bảo bối của ngoại giao các nước và nhất là Việt Nam chúng ta chính là sức mạnh tổng hợp. Trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh sức mạnh tổng hợp này là sự kết hợp của sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chúng ta phải tiếp tục nâng tầm ngoại giao để đóng góp tích cực hơn vào việc nâng cao hơn nữa uy tín, vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Ngoại giao Quốc hội có vai trò “dẫn đường”, then chốt

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đồng thời với việc xác định mục tiêu tổng quát trong chặng đường phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, đã nêu các mục tiêu cụ thể cho 5 năm, tới năm 2025; mục tiêu cho 10 năm, tới năm 2030, và tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là ba mốc lịch sử quan trọng của đất nước ta: Năm 2025 là năm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; năm 2030 là năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; và năm 2045 là năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Nguyễn Quán Phú - Chuyên viên cao cấp, nguyên Trưởng phòng Báo cáo viên của Trung tâm thông tin, công tác tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ông Nguyễn Quán Phú - Chuyên viên cao cấp, nguyên Trưởng phòng Báo cáo viên của Trung tâm thông tin, công tác tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chuyên viên cao cấp Nguyễn Quán Phú - nguyên Trưởng phòng Báo cáo viên của Trung tâm thông tin, công tác tuyên giáo thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, tất cả nhiệm vụ về các lĩnh vực như kinh tế, văn hoá, quốc phòng… đều phải được hoạch định, trong đó bao gồm cả nhiệm vụ đối ngoại.

“Nhiệm vụ đối ngoại phải theo đường lối đối ngoại của Đảng, theo trường phía ngoại giao Hồ Chí Minh, “ngoại giao cây tre” và có 3 trụ cột chính là: Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và Đối ngoại nhân dân. Trong đó, Đối ngoại nhân dân là cách thức thông qua các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, tôn giáo… tất cả người dân. Còn ngoại giao Quốc hội thuộc lĩnh vực đối ngoại Đảng và Ngoại giao Nhà nước được xác định từ chính bản chất và nhiệm vụ của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân với 3 nhiệm vụ là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn của đất nước. Do đó, vai trò ngoại giao của Quốc hội có vai trò dẫn đường, trụ cột, then chốt trong nhiệm vụ đối ngoại của đất nước” - nguyên Trưởng phòng Báo cáo viên của Trung tâm thông tin, công tác tuyên giáo thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết.

“Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam vào tháng 9/2023, lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng thống Mỹ đã gặp cả 4 người đứng đầu trong bộ máy chính trị của Việt Nam là: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc Hội. Kết quả, Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ ngoại giao từ đối tác toàn diện lên thành đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây là dấu ấn đậm nét, đánh dấu bước ngoặt lịch sử về quan hệ giữa 2 nước theo đúng ý chí, mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Chuyên viên cao cấp Nguyễn Quán Phú cho biết.

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành và giới thiệu đến Nhân dân cả nước cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí Thư về công tác đối ngoại. Theo bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, những bài viết trong cuốn sách bao hàm giá trị cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện đường lối và bản sắc đối ngoại, ngoại giao của Đảng, đúc kết tư tưởng cốt lõi của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam xuyên suốt lịch sử dân tộc mà đỉnh cao là nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, phương pháp luận trong đánh giá tình hình thế giới, nhận diện đặc điểm của thời đại, cơ hội, thách thức và ứng xử của Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử.

Mỗi bài viết thể hiện tầm nhìn, tư duy, quan điểm chỉ đạo chiến lược toàn diện của đồng chí Tổng Bí thư, do đó cuốn sách là cẩm nang hữu ích đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên, nhất là những cơ quan, cán bộ được trực tiếp phân công làm công tác đối ngoại, ngoại giao.

Đọc thêm